Khi quốc hội … tấu hài

Một phiên họp Quốc Hội tại Việt Nam. Hình minh họa. Photo Quochoi.
- Quảng Cáo -

Thiên Hạ Luận

“Quốc hội diễn hài quá hay với dàn diễn viên xuất sắc. Hoài Linh không có cửa để so bì. Mỗi kỳ họp, Quốc hội lại cung cấp cho dân chúng những tràng cười thoải mái bất tận, giúp họ quên đi mọi thứ lo toan trong cuộc sống…”

Trân Văn

Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 15 (khai mạc hôm 23/5/2022) đã sắp tròn hai tuần và sẽ còn tiếp tục cho đến trung tuần tháng này (16/6/2022). Chưa biết hai tuần còn lại thế nào nhưng trong hai tuần vừa qua, nhiều người khẳng định, những diễn biến xoay quanh “sự kiện chính trị quan trọng” ấy đã giúp họ vừa bật cười, lại vừa muốn khóc. Theo một số người, Quốc hội phải rất có… “duyên” mới tạo ra được tình trạng trái khoáy đó!

- Quảng Cáo -

Không ít người đã chụp lại tựa một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ hồi 2014 – “Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội” (1), hay tựa một bài viết khác trên Petro Times năm 2016 – “Quốc hội không phải phường chèo” (2) rồi đặt những tấm ảnh ấy trên trang facebook của họ thay cho bình luận và cảm xúc về hoạt động của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tại kỳ họp lần này.

Có người như Bị Cạo Râu… tán thán: Quốc hội diễn hài quá hay với dàn diễn viên xuất sắc. Hoài Linh không có cửa để so bì. Mỗi kỳ họp, Quốc hội lại cung cấp cho dân chúng những tràng cười thoải mái bất tận, giúp họ quên đi mọi thứ lo toan trong cuộc sống. Cảm ơn Quốc hội. Chỉ có điều, giá cachet 1 tỉ/ ngày hơi bị đắt (3). Hoặc ngao ngán như Phuc Dinh Kim: ĐBQH chỉ đọc mà đọc tiếng Việt cũng không chạy. Nhục (4)!

Cũng có người như Khiêm Phan Nguyễn… “khen”: Mấy hôm nay nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu vui quá, từ chuyện cần làm sân bay cho bà con vùng cao chuyển nông sản đến chuyện chồng khen vợ ông hàng xóm là bạo hành vợ mình… và liên tưởng đến một bài viết của Nguyễn Quang Thiều kể về một ĐBQH cùng quê, suốt nhiệm kỳ chỉ ngồi ăn trầu không phát biểu câu nào, cả nhiệm kỳ ông ấy ăn hết 5000 quả cau.

Khiêm giới thiệu kết luận của Nguyễn Quang Thiều: “Không nói còn tốt hơn nói ra những điều hài hước và không mang lại điều gì cho sự phát triển chung. Không nói, nghĩa là không cần phải dành thời gian cho việc ngẫm nghĩ những điều mình phải cố nói. Hãy dành thời gian ấy để suy ngẫm cho kỹ, kết hợp với thực tế của mình, mà thẩm thấu những điều người khác đã nói, đã tranh luận, rồi từ đó định hướng cho đúng lá phiếu hay biểu quyết của mình về những quyết sách”…

và cho rằng: Nhà văn chốt thế cũng chí lý. Tuy nhiên, đấy là Quốc hội những năm 1960 thế kỷ trước, trình độ học vấn nhìn chung còn thấp, bây giờ 2022 rồi, đại biểu phải khác… Người ta gọi diễn đàn Quốc hội là Nghị trường, đại biểu là Nghị sĩ, chữ “Nghị” có nghĩa là thảo luận, họp bàn – gồm chữ “Ngôn” là nói, kết hợp với chữ “Nghĩa” là ý nghĩa… Cho nên đã là đại biểu, là nghị sĩ thì phải phát ngôn, phát biểu, tuy nhiên nói phải có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, trên nền tảng văn hóa, chứ không nói linh tinh, nhảm nhí, vô nghĩa… Mà không chỉ nói ở nghị trường, khi cử tri hỏi cũng phải trả lời, báo chí phỏng vấn cũng phải nêu quan điểm của mình. Mong sao Quốc hội ngày càng chọn được nhiều đại biểu hăng hái phát biểu, đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị để cơ quan quyền lực cao nhất thật sự mạnh (5).

Đây đó, có những người như Ba Kiem Mai nhắn: Nghị trường không phải là sân khấu tấu hài (6). Sau khi dẫn chứng thực tế để chứng minh Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) hiện hành còn nhiều hạn chế cần cải sửa và ý kiến của một số ĐBQH góp ý cho Dự luật sửa luật PCBLGĐ hiện hành, Facebooker vốn là nhà báo nghỉ hưu này nhận xét, đại ý: Không có ĐBQH nào đọc lại nội dung của Luật PCBLGĐ để góp ý cho Dự luật cải sửa… Mỗi ngày họp của mấy ba, mấy má nghị sĩ tốn cả tỷ đồng mà lười suy nghĩ thì làm ơn đọc góp ý để thảo luận về Dự luật…!

Từ các diễn biến tại Nghị trường, Trương Huy San, một cựu nhà báo khác thì đặt vấn đề: Làm chính sách hay tập làm văn (7): Từ khóa II đến khóa VII, Quốc hội ta cơ cấu đại biểu bao gồm cả người chăn bò và công nhân vệ sinh. Trong những lần trả lời phỏng vấn tôi, anh Hồ Giáo kể, khi cần ông phát biểu, Văn phòng thường chuẩn bị trước rồi đưa giấy cho ông, ông chỉ cần lên đọc. Bởi thế, ngay cả hồi đó mà cũng có mạng xã hội, chưa chắc đại biểu đã có khả năng “mua vui” như mấy ngày qua.

Lỗi không phải chỉ ở từng đại biểuTôi tìm lại Luật Quy hoạch, Luật được nhắc nhiều nhất mấy ngày họp đầu. Hiếm có văn bản luật nào lại được trình bày một cách tăm tối như luật này. Tôi cố gắng đọc đi đọc lại cả 59 điều mà không thấy rõ, đâu là “quy phạm”, đâu là “chính sách”. Luật Quy hoạch không phải là cá biệt, nếu không thay đổi tư duy làm luật thì Quốc hội, nơi lẽ ra phải làm chính sách, chỉ có thể làm tập làm văn.

Sau khi phân tích khá cặn kẽ về những bất cập của Luật Đất đai nhằm chứng minh, suốt từ đầu thập niên 2000 đến nay, Quốc hội bị kéo vào công cuộc làm văn bản chứ không phải làm chính sách về đất đai. Dẫu không gian chính trị chưa đủ chín để đụng đến vấn đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng vẫn có thể thay đổi nội hàm của nó, vẫn có thể sửa chính sách và có một cách tiếp cận khác để làm luật đất đai rõ ràng, ngắn gọn. Luật Đất đai chỉ cần dăm, bảy điều và Luật Quy hoạch cũng không nên “vẽ cả ngày mai thành bức tranh…” khi chưa biết nguồn lực từ đâu ra cả.

Theo Trương Huy San: Đừng coi việc làm luật cũng là một cơ hội như làm… dự án. Tư duy chưa thay đổi, điều kiện chưa chín muồi thì chưa thể có thay đổi về chính sách (nhất là trong chính sách đất đai, có người muốn giữ sở hữu toàn dân vì sợ chệch hướng, có người muốn giữ quyền thu hồi đất của nhà nước vì lợi ích). Chưa thay đổi về chính sách mà sửa luật thì chỉ làm tập làm văn. Và nếu không thay đổi chính sách một cách toàn diện thì đừng sửa toàn văn luật hay bộ luật mà chỉ cần ra một luật sửa đổi chỉ một, hai điều là đủ. Phải có phương pháp làm việc khoa học để đừng làm mất thời gian của Quốc hội. Nên đưa các vấn đề chính sách ra để các nghị sĩ thảo luận (thay vì để đại biểu ăn nói như một đại cử tri). Khi đã hình dung quyết sách thì để các Ủy ban cùng đội ngũ chuyên môn thiết kế các “quy phạm” trước khi trình Quốc hội thông qua, biểu quyết.

Quyền lực của Quốc hội càng độc lập với chính phủ càng tốt khi thực thi giám sát. Nhưng, chương trình nghị sự của Quốc hội mà nếu không bám sát chương trình hành động của chính phủ (phản đối hay ủng hộ) thì các phát biểu ở Quốc hội rất dễ trở nên lạc lõng. Lạc lõng như tình huống, vợ thì hì hục nhặt rau, bế con, chồng chỉ chăm chăm ngó sang hàng xóm xem vợ người ta xinh hay xấu.

***

Bao giờ thì những kỳ họp Quốc hội vẫn được tuyên truyền là “một trong những sinh hoạt chính trị quan trọng nhất của quốc gia”, vốn tốn vài chục tỉ/lần, không khiến đa số công dân cảm thấy vừa bất bình, vừa ngậm ngùi kiểu như Nguyễn Thiện: Nhiệm vụ của ĐBQH là nêu ý kiến. Tuy nhiên, một số đại biểu đừng nói gì là tôi xem như … đã có đóng góp cho đất nước (8)! Vì sao trong mắt công dân Việt Nam, sinh hoạt của tập thể “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân” lại thảm hại như vậy?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/photo/?fbid=2637790123032035&set=p.2637790123032035

(2https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10221998834140018

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=165169332635744&id=100074280347667

(4) https://www.facebook.com/phuc.dinhkim.7/posts/3229733407246286

(5https://www.facebook.com/phankhiem.nguyen/posts/5343443042360631

(6) https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1932058516986009

(7) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/5008101559224985

(8) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10221996031629957

- Quảng Cáo -