Tin bợm mất bò, tin nhà nước mất cơ nghiệp

- Quảng Cáo -

J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA

Chuyện không mới: Nửa thế kỷ đòi nhà

Mới đây, trên tờ Tuổi trẻ đưa tin một gia đình ở Quận 8 Sài Gòn đã bị mất nhà sau khi cho nhà nước thuê mượn để làm kinh tế trong tinh thần ủng hộ xây dựng thành phố năm 1976, sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn.

Hẳn nhiên là khi đó, nhà nước thuê hoặc mượn có đầy đủ giấy tờ. Thế nhưng hành trình đòi lại căn nhà 650 mét vuông giữa Sài Gòn đã ròng rã nửa thế kỷ đến nay vẫn không có kết quả, dù người mua đất và chủ căn nhà sau mấy chục năm không đòi được nhà đã chết tại nơi ở tạm bợ ba chục năm sau đó và gia đình, con cái của họ vẫn kiên trì đòi lại tài sản, nhưng vô vọng.

- Quảng Cáo -

Điều oái oăm, là ngôi nhà mà gia đình này cho nhà nước thuê mượn, sau đó không trả và đã chuyển chủ sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác, thậm chí hiện nay là nơi làm trụ sở UBND Phường.

Trong văn bản trả lời của Bộ Xây dựng, có đoạn viết như sau: “Do nhà đất tại địa chỉ 210-212 Âu Dương Lân, phường 3, quận 8, đã được chuyển giao để làm trụ sở Ủy Ban Nhân Dân phường nên việc trả lại nhà đất này cho gia đình bà Trang là không thể thực hiện được. Do đó, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn có thể giải quyết trả lại nhà đất này bằng hình thức khác (bằng nhà khác, bằng tiền hoặc giao đất phù hợp) phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.

Và việc đòi lại tài sản vẫn chỉ dừng ở văn bản đó mà không hề có bất cứ bước nào nhằm xử lý vụ việc cho người dân có tài sản.

Có thể nói rằng, ở đây báo chí mới nêu một trường hợp mượn không trả, thuê xong chiếm, cướp không lý do, biến của người khác thành của mình như chuyện không bình thường ở “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa”.

Nhưng, đó không phải là chuyện lạ.

Tiến lên vũ trang cướp giật

Đó chỉ là một trong muôn vàn vụ việc đã từng xảy ra ở đất nước này kể từ khi người cộng sản cướp được chính quyền bằng nòng súng.

Trong dân gian Việt Nam có câu nói vui như sau: “Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm, tiến tới vũ trang cướp giật”. Đó là tư duy của đám không làm đòi có ăn, là tư duy của đám lục lâm thảo khấu.

Thế nhưng, kể từ khi người Cộng sản nảy nòi ra trên đất nước Việt Nam, điều đó không có gì là lạ, thậm chí nó đã trở thành chuyện thường ngày, trở thành chuyện bình thường cũng như cách ứng xử của một “đảng tiên phong của giai cấp, của dân tộc”.

Ngày này, quá trình cướp đã đến trình độ không thèm thuê, mượn mà chỉ cần lệnh “Thu hồi” là có thể lôi cả công an, quân đội và hàng loạt phương tiện, thiết bị, chó và cán bộ đến cướp trắng đất đai của cả làng, cả xã với cái gọi là “Giải phóng mặt bằng cho Dự án”.

Những năm gần đây, khi người cộng sản đua nhau mở các sân sau, vẽ ra các dự án, thì dòng dân Việt trở thành dân oan đã tăng lên vùn vụt từ khắp mọi miền đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ người nông dân mất đất đến những người lính, từ vị linh mục đến các nhà sư và thậm chí cả thương binh oan cho đến công an oan trong các cơ quan của đảng và nhà nước cộng sản. Cả đất nước được biến thành dân oan trong cơn lốc về đất đai, bất động sản mà nhà nước giữ quyền “Đại diện chủ sở hữu” hộ người dân. Và người dân lưu vong ngay trên chính quê hương, đất nước mình.

Đó là những cuộc cướp bóc trắng trợn bằng những “dự án” do các bè phái trong đảng vẽ ra để kiếm ăn nhân danh phát triển đất nước. Nó đã trở thành phổ biến, trở thành bình thường, trở thành chuyện không có gì phải lạ ở Việt Nam. Dù nó đi ngược lại với các quyền cơ bản của con người ở bất cứ một xã hội nào trong thời văn minh.

Điển hình cho những vụ việc tàn ác này, phải kể đến sự kiện Đồng Tâm và cuộc thảm sát làng Đồng Tâm vào đêm rằm tháng một năm 2020 với tội ác chống lại loài người của nhà cầm quyền CSVN.

Thế nhưng, những điều kể trên về các dự án đều được vẽ ra bằng nhiều hình thức, nhiều cách khác nhau rối rắm để che giấu đi cái thực chất của việc cướp bóc tài sản công dân. Cho nên để nhìn rõ vấn đề và bản chất không hoàn toàn dễ dàng.

Có lẽ, dễ dàng nhìn thấy nhất là những tài sản, đất đai trên danh nghĩa mượn, nhưng không trả, thuê rồi cướp luôn theo đúng câu ngạn ngữ cha ông đã nói: “Trước thì ở độ, sau ra cướp nhà”.

Người ta còn nhớ.

Những cuộc đấu tranh gay gắt và quyết liệt làm chấn động không chỉ Việt Nam mà kéo theo sự quan tâm của các quốc gia cũng như truyền thông quốc tế ở Giáo xứ Thái Hà, Tòa Khâm sứ Hà Nội, Giáo xứ Tam Tòa, Cồn Dầu… nơi mà các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã đòi lại các tài sản bị nhà cầm quyền mượn rồi quên trả và khi bị đòi thì sẵn sàng trả lời bằng sự lấp liếm loanh quanh và cuối cùng là súng đạn, chó và công an để giải quyết.

Giáo xứ Thái Hà với tài sản hơn 71.000 mét vuông đất và hàng loạt tài sản, nhà cửa của một dòng tu được mua sắm và xây dựng từ năm 1928 – nghĩa là cách đây kém 6 năm là tròn 100 năm – khi mà cộng sản còn chưa manh nha hình dạng ở Việt Nam.

Thế rồi 17 năm sau, có một nhóm cộng sản cướp được chính quyền tại Hà Nội. Thế rồi cái nhà nước đó tuyên bố rằng: Tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân và nơi thờ tự được luật pháp bảo hộ.

Nhưng, song song với những lời tuyên bố hào sảng đó, là những hành động trắng trợn đàn áp khốc liệt bằng mọi hình thức đối với quyền tự do tôn giáo, biến công dân có tôn giáo thành công dân hạng hai. Còn tài sản của Giáo hội được bảo hộ, tôn trọng đó thì nhà nước “Mượn”, “thuê”, “quản lý” và thậm chí là “đại diện chủ sở hữu”.

Thế rồi nhờ có đảng, tài sản đó của Giáo xứ Thái Hà chỉ còn 2.700 mét vuông. Phần còn lại, kể cả hệ thống nhà cửa của nhà dòng, đã được nhà nước “mượn” từ 1973, rồi sau đó là hô biến thành của nhà nước bất chấp lý lẽ mà chỉ hành xử theo luật rừng.

Đất Tòa Khâm sứ của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội bỗng một ngày giáo dân mới tá hỏa ra là đã bị nhà nước bán để chia chác cho tư nhân. Và nhiều nơi khác nữa đều trong tình trạng đó.

Thế rồi cho đến nay, vẫn còn 2.500 cơ sở của Giáo hội công giáo bị nhà nước mượn không trả, thuê rồi cướp luôn, rồi chuyển chủ, rồi chia chác, rồi trả lời Giáo hội Công giáo bằng súng đạn, bằng những lời lẽ lưu manh chỉ thấy trong những xã hội rừng rú.

Thế nhưng, dù sao, thì đó cũng lại là câu chuyện của Đảng với các “thế lực thù địch” hoặc tôn giáo, tức là “thuốc phiện của nhân dân” nên cần phải tiêu diệt. Có thể đó cũng là lý do để đảng có thể biện hộ cho hành động ngược với lời nói của đảng, hoặc là cách lý luận cùn mằn nhất khi đảng phải cởi truồng trước dư luận.

Nhưng không chỉ với các “thế lực thù địch”.

Những câu chuyện về xử sự của Đảng đối với tài sản và tính mạng của các ân nhân của đảng mới là điều đáng nói, và ở đó, đảng không thể mở mồm nói được nửa câu về sự khốn nạn, sự mất nhân tính của một cái đảng “Vĩ đại và quang vinh”.

Câu chuyện xa hơn một chút trong thời kỳ Cải cách ruộng đất với nhân vật nổi tiếng đã là ân nhân, nuôi hàng loạt cán bộ cốt cán cho đảng, hàng đoàn binh lính cho quân đội của đảng bằng những đồng tiền chân chính của mình. Để rồi cuối cùng nhận được ân huệ từ người đứng đầu của đảng là Hồ Chí Minh với những bài viết kết tội, vu cáo trên báo Nhân Dân, để rồi có kết quả là cái chết đến từ viên đạn trả ơn sự đóng góp của mình cho đảng. Đó là bà Cát Hanh Long – Nguyễn Thị Năm.

Đó là kết cục của một sự ngây thơ kéo dài, một sự nhiệt thành và tận tâm hy sinh với những người cộng sản, ngay từ khi mới manh nhà vào Việt Nam và lập hội lập đảng. Để rồi ngay sau đó, đảng quay lại trả ơn ân nhân của mình bằng cái chết đau đớn nhục nhà và kéo theo những hệ lụy lâu dài cho con cháu, dòng họ của mình.

Đó là bài học muôn đời không thể quên của người dân vốn thừa lòng tin vào cộng sản.

Ngược dòng thời gian chút nữa, gia đình ông Trịnh Văn Bô, người đã hiến 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ cộng sản lúc bấy giờ, ngoài ra, ông là một ân nhân của cộng sản, của các tiền bối cộng sản và đã hiến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, để làm Nhà lưu niệm nơi Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Thế mà đảng lại giở trò mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m². Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân lúc bấy giờ.

Thế rồi lại quá trình đi đòi và ở tầm mức ấy, đảng vẫn cứ trơ mặt thớt và cho đến nay, vẫn không chịu nhả ra miếng mồi đã vì ân nghĩa mà ân nhân đã cho mượn từ xưa.

Qua một quá trình lịch sử dài từ khi sinh ra và tồn tại của đảng, mọi tầng lớp, mọi người dân càng thấm hơn câu nói của cha ông: “Tin bợm, mất bò” hay là thói “Lấy oán trả ân” là truyền thống xưa nay của đảng.

30.05.2022

- Quảng Cáo -