Định Tường (VNTB)
Bên rao bán khẳng định tiền giả giống tiền thật từ 97% trở lên… Cứ 1 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 10 – 15 triệu tiền giả (tùy nơi).
Thông tin từ một số tiệm vàng tên tuổi ở Sài Gòn cho biết họ nhận được khuyến cáo rằng trên thị trường hiện mới xuất hiện một số loại tiền giả có mệnh giá lớn 500.000 đồng và 200.000 đồng.
Đặc điểm để nhận dạng tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng là tiền này in vần seri: DA, FC, PK, YF. Đối với tiền giả Polymer mệnh giá 200.000 đồng thường in vần seri: EP, HW, HZ, IA, IW, JP, NM, OG, QQ, TQ, UI, YU, YX, ZW. Ngoài ra, các đối tượng in tiền giả vẫn in tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và thường vần seri là PL.
Tiền giả sẽ không làm giả được hình bóng chìm, hoặc có nhưng không nhìn thấy khi soi ngược nguồn sáng, chỉ nhìn thấy hình ảnh mờ nhạt trên hai mặt dưới ánh sáng thường.
Tiền giả sẽ có hình định vị không khớp khít, mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật, mảng ký tự siêu nhỏ là những dải mực nhòe; cửa sổ lớn và cửa sổ nhỏ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy theo hình cửa sổ và phủ lớp nylon trên toàn bộ hai mặt tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím thì nền giấy phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Với tiền giả Polymer mệnh giá 50.000 đồng không nhìn thấy chữ “NH” nổi rõ như tiền thật, có làm giả dây bảo hiểm nhưng mờ nhạt, không nhìn được các ký tự là các số 50.000 trên dây.
Riêng seri PK của mệnh giá 500.000 đồng có làm giả nét in nổi tại vị trí cụm số mệnh giá nhỏ ở góc trên, bên trái, mặt sau tờ tiền bằng cách dùng vật sắc nhọn làm thủng, biến dạng nền giấy từ mặt trước ra mặt sau; khi soi dưới đèn cực tím, nhìn thấy cụm số in làm giả dập nổi phát quang nhưng cường độ yếu.
Nhân viên tại phòng giao dịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Phú Mỹ Hưng cho biết, tiền polymer thật có độ đàn hồi và độ bền cao. Tiền dễ dàng trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị vo tròn, hay nắm thành cục. Tiền cũng rất khó bị xé rách, phai màu, biến dạng…
Từ trước đến nay, tiền giả phát hiện được trong quá trình giao dịch tại quầy thường được in trên nilon nên không có độ đàn hồi, độ bền kém, dễ biến dạng, mất màu khi kéo giãn… “Điều đáng lo là tờ tiền giả mà đối tượng mua hàng mới đây tại một cửa hàng ở quận 7 có độ đàn hồi như tiền thật. Người bán hàng rất khó để nhận nhận biết” – nhân viên này nhận xét.
Một nguồn tin cho hay là nhiều khả năng tiền giả này nằm trong hoạt động của các đường dây cho vay nặng lãi do người Trung Quốc cầm đầu tại Việt Nam.
Hoạt động của những đối tượng này khá bài bản khi thông qua mạng xã hội, những website quảng cáo về tài chính để quảng bá cho việc vay nhanh, vay nóng. Với những ‘app” (ứng dụng trên điện thoại di động smartphone) được các đối tượng thiết kế đơn giản, bất kỳ người dân nào có nhu cầu, thông thạo máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh đều có thể đăng nhập vào để làm thủ tục vay mượn tiền.
Không cần phải gặp trực tiếp để làm thủ tục, những ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, và thế chấp bằng những tài sản có giá trị thấp rồi đăng nhập vào ‘app’ vay tiền do các đối tượng này lập ra.
Một thủ tục tưởng chừng đơn giản nhưng không thể bỏ qua của người vay tiền, đó chính là phải gửi lại điện thoại hoặc để cho các đối tượng sao lưu danh bạ điện thoại làm tin.
Sau khi hồ sơ được thẩm định xong, người có nhu cầu dễ dàng vay được từ 2 đến 30 triệu đồng mà không phải gặp trực tiếp ký giấy tờ vay nợ. Từ danh bạ điện thoại của người vay, các đối tượng sẽ dùng để tạo sức ép buộc con nợ phải trả lãi và tiền vay đúng hẹn. Sau khoảng 3 đến 5 ngày, các con nợ phải trả tiền lãi hoặc tiền gốc, nếu không số tiền lãi sẽ nhanh chóng “đẻ” ra lên tới 2.190%/năm.
Quá trình thu hồi tiền cho vay, các đối tượng sẽ căn cứ vào số tiền đã giải ngân từ trước để lên phương án đòi nợ.
Đối với những con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện vào danh bạ điện thoại để khủng bố bạn bè, người thân của con nợ.
Nếu con nợ chây ỳ trả tiền, chúng sẽ dùng biện pháp mạnh như cắt ghép hình ảnh của con nợ, người thân vào những hình ảnh mang tính đồi trụy, xuyên tạc, hòng ép con nợ phải trả tiền. Hành vi của các đối tượng đã gây hoang mang, bức xúc cho những người thân hoặc không liên quan gì đến việc vay nợ trên.
Hiện tại một đường dây cho vay nặng lãi như trên do người Trung Quốc điều hành tại Việt Nam đã bị khởi tố điều tra. Ghi nhận ban đầu trung bình một tháng các đối tượng khai nhận cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Đến thời điểm hạ tuần tháng 5-2022, dòng tiền lưu chuyển ổ nhóm trên cho vay “tín dụng đen” lên tới hàng ngàn tỷ đồng với sơ bộ xác định có tới gần 1 triệu tài khoản đã đăng nhập vào 3 app cho vay tiền để giao dịch vay nợ./.