- VietTuSaiGon’s blog – RFA
Có điều lạ, mà chỉ có ở giáo dục, các nhóm ngành khác ít so sánh. Ví dụ như ngành y tế, ngay cả trong vụ kit test Việt Á nổi cộm và nhức nhối, chẳng ai so sánh giá bộ kit test với giá rượu bia, và các ngành khác, cũng chẳng ai so sánh với giá rượu bia, thế mà ngành giáo dục, người ta so sánh với giá rượu bia như một phép tính phổ thông, gần đây là so sánh giá sách với giá rượu bia.
Cũng xin nói thêm, trước khi Thông Tư 55 của Bộ Giáo dục và đào tạo được thực thi triệt để (mà để được thực hiện triệt để, người ta tốn đến gần mười năm – tức ban hành và có hiệu lực từ ngày 22 tháng 11 năm 2011 – nhưng đến năm 2020 người ta mới nhắc đến) vào năm 2020, hầu như tất cả các trường trên toàn quốc đều thu quĩ phụ huynh học sinh. Nói là quĩ phụ huynh nhưng kì thực là nhà trường giữ, giáo viên chủ nhiệm giữ. Tiếng là giáo viên chủ nhiệm giữ tiền quĩ lớp nhưng có một qui ước ngầm tùy vào từng trường ở quê hay thành phố, nếu thành phố thì tỉ lệ 40/60, tức giáo viên chủ nhiệm nộp về cho hiệu trưởng 40% tiền quĩ lớp, ở thôn quê thì 30% hoặc 40% quĩ lớp phải nộp về cho hiệu trưởng. Đương nhiên quĩ lớp ở thôn quê thấp hơn rất nhiều so với thành phố.
Và, đáng nói ở đây là trong những năm sau 2011, vấn đề thu quĩ lớp của ban phụ huynh học sinh dưới sự điều hợp của giáo viên chủ nhiệm và những đại diện cha mẹ học sinh đều thu rất gắt gao thậm chí gây áp lực nặng nề lên cha mẹ học sinh. Luận điệu của hầu hết những người có trách vụ vận động truy thu đều là “nói thì nhiều vậy chứ không bằng một bữa nhậu!”. Và việc thu vẫn kéo dài cho đến khi báo chí trong nước lên tiếng (sau rất nhiều năm báo chí bên ngoài lên tiếng thì báo chí trong nước mới đề cập một cách nghiêm túc về Thông tư 55, Bộ GD&ĐT) vào năm 2020 thì các hiệu trưởng của hầu hết trong trường mới chính thức dừng thu 30% – 40% quĩ lớp từ giáo viên chủ nhiệm. Và giáo viên chủ nhiệm cũng chính thức không giữ quĩ lớp, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp giữ thay. Rất tiếc sau ba năm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh giữ quĩ, câu chuyện có vẻ càng tệ hại hơn trước. Nhưng đây lại là vấn đề bàn ở một thời điểm khác, điều tôi muốn nói là giữa lúc này, mọi thứ tăng giá vùn vụt, người dân ngột ngạt, khó thở, việc tăng giá sách giáo khoa cứ như giọt nước gây tràn ly.
Khó thở nhất là vài ngày trước, ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn phát biểu trên Truyền hình Quốc hội về vấn đề giá sách tăng với lý do “khổ lớn, giấy tốt, bìa đẹp” mà không nhắc gì đến nội dung của nó có gì mới, tiến bộ, khoa học hay không. Cũng ông Sơn trước đây đề cập vụ tăng thu học phí các trường ở thành phố lớn. Và hơn nữa, đây là thời gian hồi tỉnh của đất nước sau đại dịch, nhiều gia đình tang tóc, mất mát, nếu không tang tóc thì cũng tổn thất về kinh tế, thất nghiệp tràn lan, mọi thứ thời giá lại ảnh hưởng biến động chiến tranh và biến động sau dịch của khu vực, tăng vùn vụt (với Việt Nam thì có thêm biến động “vặt lông” VAT sau dịch), giá xăng, giá khí đốt tăng gần 30%, giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng tỉ lệ, trong khi đó giá gạo, sản phẩm chủ lực của nhà nông lại đứng im tại chỗ để chống chọi với giá dịch vụ nông nghiệp tăng và bão thời giá.
Dù muốn hay không muốn quan tâm thì túi tiền của cha mẹ học sinh cũng ảnh hưởng rất nặng từ thời giá cho đến giá sách giáo khoa, mỗi thứ tăng một chút mà tiền lương không tăng, có nơi giảm do ảnh hưởng dịch cúm Vũ Hán, vậy thì làm sao người dân không phàn nàn. Khi người dân phàn nàn thì nhiều người có trách vụ giáo dục lại mang phép so sánh “so với giá bia đi! Bộ sách có bằng thùng bia không?”, luận điệu này nghe nhiều và quen lắm. Chỉ lạ ở chỗ tại sao chỉ có ngành giáo dục mới mang ra so sánh, phải chăng rượu bia, nhậu nhẹt có mối quan hệ mật thiết nào đó với giáo dục?
Có, hình như là có mối quan hệ ấy, cái mối quan hệ lằng nhằng tưởng như không bao giờ có, lại xảy ra giữa một ngành mà trách nhiệm và thiên lương phải xếp hàng đầu – ngành giáo dục. Chỉ có ngành giáo dục mới nổi cộm vụ Sầm Đức Xương Hiệu trưởng bắt các nữ sinh trong trường y quản lý đi hầu rượu, đi bán dâm cho cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, chỉ có ngành giáo dục mới có chuyện giáo viên nữ bị điều lên hầu rượu, hầu bia cho các quan, chỉ có ngành giáo dục mới có chuyện thầy trò gặp nhau trong bàn rượu, thầy khúm núm chào trò (lúc này đã là Bộ trưởng Giáo dục) và trò ngồi, một tay bỏ túi, một tay chìa ra bắt với thầy, chỉ có ngành giáo dục mới so sánh giá sách giáo khoa với giá rượu bia!
Và, đáng buồn hơn nữa là hầu hết các thầy cô ngành giáo dục đều biết nhậu, thường nhậu và nhậu rất hăng. Điều này tôi mục kích sở thị, hễ không ra quán nhậu thì thôi, ra quán nhậu thì gặp các thầy cô, trẻ có, già có, sồn sồn có… Thậm chí ngày Hiến chương nhà giáo, trước đây học sinh mang hoa, mang quà đến thăm thầy cô, bây giờ cha mẹ học sinh tổ chức cả một Gala để “vinh danh” thầy cô, rượu thịt ê hề, bia bọt tá lả. Cái không khí giáo dục mang mùi hèm, cái không khí giáo dục có gì đó rất rượu bia và sa đọa trong men bia, men rượu. Thử nghĩ như vậy thì làm sao người ta không mang giá bia ra để so sánh?!
Nhưng, xin thưa ngành giáo dục, xin thưa những con người còn chút lương tri, vì các vị nhậu miễn phí, nhậu bằng tiền dạy thêm – học thêm, nhậu bằng tiền không chảy mồ hôi, nước mắt, nên quí vị thấy nhậu nó bình thường, nhậu không ảnh hưởng gì đến đời sống, nhậu không gây tổn thất mà nhậu còn mang lại cho quí vị những cơ hội, những cú áp phe, những cái nháy mắt, những cái bắt tay dưới gầm bàn, những cú lên đường và lên giường… Còn với người lao động, gồm người thất nghiệp và người đang có công việc, nhậu là uống chính mồ hôi, nước mắt và cả đau khổ của họ.
Giữa họ với nhau, nhậu có đôi khi là để vừa giải mỏi, vừa quên đi sự đời; giữa họ với quí vị, họ mời quí vị nhậu là một sự gồng mình, rất khó nói, bởi họ biết họ phải làm gì khi quí vị thích nhậu, con của họ đang là học sinh của quí vị, và khi nhậu, quí vị nghĩ đến câu hỏi họ có cư xử lễ độ, chơi đẹp với quí vị hay không chứ có khi nào quí vị đặt câu hỏi rằng tại sao họ phải mời quí vị nhậu? Đó là ở cấp độ nhẹ, cấp độ nặng hơn, nhiều người nhậu vì bế tắc, nhậu vì không nhìn thấy tương lai, thậm chí thất nghiệp, trộm tiền vợ, trộm cắp vặt để nhậu, có đó. Thử hỏi, ai đã tạo ra sinh quyển xã hội mà ở đó người ta chỉ biết vùi vào rượu bia, ma túy để giải sầu, để níu đời sống khi bế tắc?
Và tại sao một đất nước có nền xuất bản đồ sộ với hàng trăm nhà xuất bản gồm nhà nước và tư nhân nhưng các tiệm sách, nhà sách vẫn không thu hút được người đọc? Thử hỏi ngành xuất bản có thiên hình vạn trạng nguồn nhưng tại sao người ta vẫn chăm bẵm đến nguồn sách giáo khoa vì xem nó là cục xương dính nhiều nạc và thịt nhất?
Và thử hỏi, bao giờ nền giáo dục này thôi lèm bèm như đứa say? Bao giờ nền giáo dục Việt Nam trở nên lành mạnh, không dây dưa với rượu bia và không có những câu chuyện nổi cộm liên quan tới rượu bia, tiếp khách?