Hình ảnh các lãnh đạo cao cấp nhất trong hệ thống cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam đi xem bóng đá khiến tôi ngỡ ngàng vì mức độ tốn kém và màu mè, lòe loẹt của nó. Nhìn thì chỉ thấy đơn đơn, mỗi ông/bà một ghế, hai hàng ghế thì có thêm dãy bàn để trà, nước. Nhưng kì thực, nó không chỉ đơn giản vậy. Một số người ví von với hình ảnh các nguyên thủ quốc gia khác đi xem bóng đá với tác phong dung dị, đơn giản… Nhưng bản chất của nó còn rối rắm và gây lãng phí hơn gấp bội lần, không thể so sánh với bất kì nơi nào.
Không thể so sánh vì lẽ, ví dụ như trận bóng ở chính cái sân Mỹ Đình này, vào những năm đầu thập niên 1960, Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi xem, cũng chỉ ngồi bệt, người ta so sánh với các lãnh đạo bây giờ. So sánh như vậy thì e khập khiểng, vì lẽ, thời đó chiến tranh, điều kiện vật chất không cao như hiện tại. Và ngồi bệt hay ngồi ghế không phải là chuyện đáng nói, mà thái độ, tư thế ngồi mới là vấn đề.
Nhưng để nói tới thái độ và tư thế ngồi, điều này lại liên quan đến chuyện bật đèn xanh của chính phủ, nhà nước, đảng Cộng sản cho ban tổ chức (đương nhiên ban tổ chức thì muốn lấy lòng lãnh đạo rồi, chỉ e lãnh đạo không chịu nhận lời thôi!). Và sau một cú đèn xanh, thì sẽ có riêng một số vấn đề được cài đặt.
Vấn đề cài đặt đầu tiên là an ninh cho các yếu nhân, mà đặc biệt là các yếu nhân của chế độ độc tài, mức độ an ninh phải cao hơn rất nhiều, vì cả bộ sậu ngồi đó rồi, chỉ riêng ông Tổng Bí thư không đi, có lẽ vì lý do sức khỏe. Vậy thì lực lượng cảnh vệ phải bố trí người dày đặc ở khu vực các yếu nhân ngồi, rồi khu đối diện, phải cài cắm cảnh vệ, phản gián, chống bạo động, chống khủng bố… Có tất. Đó là chưa nói đến lực lượng chống bắn tỉa được cài cắm ở các tòa nhà cao, rà sát an ninh khu vực liên đới. Có thể nói rằng thủ tục an ninh hết sức chặt chẽ và tốn kém vô cùng.
Phần khác, nước cho yếu nhân uống, ghế cho yếu nhân ngồi, đương nhiên nó phải qua vài vòng tuyển chọn để một công ty nào đó trúng thầu và cung cấp ở khu vực đặc biệt này, trong khu vực này có cả máy phá sóng để dùng khi cần thiết, rồi máy chống nghe trộm, máy phát hiện tia tử ngoại… Kính thưa các loại máy được cái đặt dưới ghế của các yếu nhân. Đó chỉ mới nói chỗ ngồi, ngay cả bảng tên của các yếu nhân, chắc chắc cũng được đấu thầu nốt, phải có một công ty nào đó uy tín, tránh viết tiếng Anh như tiếng Việt và viết tiếng Việt như tiếng Anh Cờ Lờ Mờ Vờ… mới đủ tư cách làm mấy tấm bảng này, trước khách quốc tế và các ống kính khu vực mà lị!
Chỉ riêng chỗ ngồi, thu xếp cái chỗ ngồi không thôi nghe đã tốn cả núi tiền, đương nhiên các yếu nhân vào xem thì phải là hạng vip của vip và thằng nào cả gan dám lấy tiền vé của các yếu nhân chứ?! Nếu có lấy thì cũng lấy tượng trưng rồi lo mà trả không kịp, chuyện đó thì khó tránh rồi! Mới chỉ chuyện ngồi thôi, còn chuyện đi lại thì sao?
Ngay lúc này, khi mà đại hội Seagame diễn ra thì chắc chắn đường sá phải đông đúc, chật chội, khu vực gần sân Mỹ Đình phải kẹt xe, phải di chuyển từng bước. Nhất là trong trận cầu tranh chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan nữa thì có lẽ khỏi phải bàn về chuyện đi lại khó khăn ra sao rồi. Vậy mà!
Các yếu nhân phải được đưa tới sân bằng xe đặc chủng để phòng những kẻ “bất minh, chống đối, phản động” trong các đám đông người đi đường. Rồi xe phải có đoàn dọn đường, các lực lượng dân phòng chốt tại chỗ, các lực lượng cảnh sát giao thông đi dọn đường, lực lượng cảnh vệ đi mở đường, thông chốt, cảnh giới, bảo vệ… Khi vào cổng, chắc chắn phải có cổng riêng dành cho các yếu nhân vào, đến khi đoàn lãnh đạo vào xong rồi mới cho khản giả vào sau. Đương nhiên có thể dùng chung cổng chính nhưng vấn đề an ninh và bí mật di chuyển của lực lượng cảnh vệ phải được thiết lập, phải có an ninh tận chân răng. Khi các yếu nhân an vị thì nhân dân mới được vào, cho dù nhân dân có mua vé vip cỡ nào thì cũng vậy thôi, cũng phải len lỏi, vật vạ, chen lấn, đây là chuyện đương nhiên.
Nhưng, không lẽ các yếu nhân được mời nước, được chăm sóc từng li từng tí như vậy mà chịu ngồi yên? Đầu vào đã ổn, thế đầu ra thì sao? Lẽ nào để các lãnh đạo mặc veston đường bệ, chễm chệ như vậy chui vào toilet công cộng của đấu trường? Chắc chắn phải có cái toilet siêu vip dành riêng cho các lãnh đạo, và đương nhiên đường dẫn vào toilet phải có các vệ sĩ thứ dữ túc trực, canh phòng, để biết đâu, đám dân đen bây giờ bất mãn cũng nhiều, chống đối, phản động cũng nhiều, chúng chui vào đó ngồi phục kích, chờ yếu nhân vào thì “đoàng”, vì súng tự chế, súng nhập lậu, vũ khí nóng ngoài luồng bây giờ đầy rẫy ra đó.
Chính vì vậy mà trong cái dở lại có cái hay, cái dỡ là gây tốn kém, cả một đám chóp bu đi xem bóng đá… Nhưng, cái hay là thà tốn kém, tốn kém cho tới nơi tới chốn, tốn kém một lần nhân danh tập thể. Vì đây là tập thể lãnh đạo tối cao của hệ thống đi xem bóng đá nên việc bố trí an ninh và các loại dịch vụ liên đới phải hết sức ưu tiên, cho dù tốn kém cỡ nào. Mà giả sử như tốn kém khủng khiếp thì đó cũng là tập thể, chẳng phải riêng lãnh đạo A, B nào đi xem mà cả một tập thể. Một khi tập thể cùng đi xem thì trách ai đây, nhòm ngó ai đây, nhòm ngó chung thì đó là chuyện tập thể, vậy thôi, rõ ràng, sòng phẵng, sợ mẹ gì!
Tới đây, câu hỏi được đặt ra là họ cũng đi xem bóng đá, họ cũng mặc veston, họ lịch sự, có gì là kệch cỡm? Xin thưa, sự kệch cỡm lại nằm chỗ này! Bởi vì đi xem bóng đá, đi đến cầu trường, vận động trường, chẳng ai mặc veston nếu họ không phải là ban tổ chức tối cao, hoặc quan chức của ban tổ chức. Nhưng hình như quan chức tối cao của ban tổ chức khi vào cầu trường cũng ăn mặc theo lối thể thao, năng động. Hình ảnh khệnh khạng veston, bầu đoàn thê tử, rồi tiền hô hậu ủng, chặn trước giăng sau chỉ cho thấy mức độ trầm trọng của đối tượng. Trong lúc cầu trường bùng nổ, có một nhóm khệnh khạng tới ngồi chễm chệ xem với bản ghi tên, giới thiệu chức vụ, rồi cả bằng cấp trưng ra thì… để làm gì nhỉ?!
Hơn nữa, họ dù có nhắm mắt cũng biết sau trận cầu sẽ là những trận bão xe ngoài đường, tai nạn, mọi thứ, trong lúc dịch Covid-19 cũng chưa hoàn toàn chấm dứt, hình ảnh của những đoàn người, những rừng người chạy khỏi Sài Gòn, Hà Nội còn mới toanh, mùi tang tóc, chết chóc và đau đớn trong hai lần giới nghiêm các thành phố lớn vẫn còn đó, đói khổ, giá cả tăng vùn vụt, mọi thứ vẫn còn đó, ngay trước mắt, thậm chí đang bạo phát. Vậy họ đến để cổ vũ cho đội tuyển, để cứu chuộc cái đã mất? Để khích lệ tinh thần đám đông? Để cho khu vực thấy rằng quan lại xứ ta cũng chịu chơi, quan tâm thể thao? Để đẩy mạnh đám đông này mà quên đi đám đông chết chóc trước đó?
Thật là khó hiểu khi quá tốn kém và kệch cỡm như vậy, giữa lúc này. Nhưng nó đã xảy ra, và được báo chí trong nước tâng bốc hình ảnh. Thế mới là kì lạ!