Lỗ hổng lớn ở thị trường chứng khoán Việt Nam

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Để được nêm yết trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng các điều kiện khắc khe như: phải có tài sản đảm bảo, có đơn vị bảo lãnh, có năng lực tài chính tốt, có phương án kinh doanh khả thi, dùng nguồn vốn không đúng mục đích như đã công bố vv.. Doanh nghiệp lọt qua điều kiện này để niêm yết toàn là những doanh nghiệp mạnh, nội lực tốt. Chính vì thế số doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm 20% tổng số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp niêm yết được cho là doanh nghiệp “đi cửa chính”, còn doanh nghiệp không niêm yết được cho là “đi cửa hậu”.

Thực tế, những doanh nghiệp đi cửa chính là những doanh nghiệp bị kiểm soát rất chặt, những doanh nghiệp này chỉ huy động được nguồn vốn vay tối đa ở mức 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, những doanh nghiệp đi cửa hậu thì lại bị kiểm soát rất lỏng lẻo và lại có thể huy động vốn vay lên đến 8,5 lần, thậm chí lên đến 40 lần vốn chủ sở hữu.

Đấy là sự phi lý không thể chấp nhận. Doanh nghiệp đáp ứng mọi điều kiện của Sở GDCK là doanh nghiệp mạnh thực sự, ấy vậy mà chỉ vay được ít, còn doanh nghiệp yếu thì lại được vay nhiều. Ai đã đề ra bất cập này? Lỗi này là lỗi hệ thống, nó phải được đề ra từ UBCKNN đến các Sở giao dịch và rất có thể đấy là lỗi của Bộ Tài Chính – đơn vị chủ quản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tại sao bao nhiêu năm cứ để lỗ hổng này mà không chịu trám? Nó đâu có gì khó phát hiện? Hay duy trì nó để lợi ích nhóm trục lợi?

- Quảng Cáo -

Một rạp hát mà có “lỗ chui” rộng gấp 4 lần cổng soát vé thì rõ ràng trong rạp có mấy người dùng vé để vào xem? Ai dùng vé chắc bị chửi là “đồ điên”. Với kẽ hở đó, nếu tôi là chủ doanh nghiệp, thì dù có đáp ứng đủ điều kiện niêm yết tôi cũng chọn “đi cửa hậu”. Vì ít nhất, đi cửa hậu tôi huy động nguồn vốn lớn hơn so với việc đi cửa chính. Như vậy, trong 80% doanh nghiệp không niêm yết ấy, rất có thể có doanh nghiệp đủ khả năng niêm yết nhưng họ không chọn con đường chính. Bởi không niêm yết có lợi đủ điều.

Ngày 19/5, trên báo Vneconomy có cho biết “Sau vụ Tân Hoàng Minh, không một doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4/2022”. Còn ngày 20/5 thì báo Thanh Niên cho biết “Sau vụ Tân Hoàng Minh, nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn”. Đó là những gì đang diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này, lúc mà nhà nước CS đang truy quét lợi ích nhóm trong ngành chứng khoán.

Vậy qua 2 bài báo này cho thấy hai điều: Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều là những doanh nghiệp 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không đơn vị bảo lãnh), vì không đủ điều kiện nên mới “đi cửa hậu” phát hành trái phiếu; Thứ nhì, đó là hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo dạng cửa hậu có dính phốt. Họ sợ bị tóm như Tân Hoàng Minh nên mới vội vàng hốt lại cổ phiếu mà chính họ đã phát hành để tránh “đêm dài lắm mộng”. Nếu đàng hoàng thì ai lại vội vàng hốt lại trái phiếu xóa bỏ dấu vết làm gì?

Hôm ngày 19/5, báo Tiền Phong có cho biết “Dưới quyền ông Lê Hải Trà, HoSE chi gần 500 tỷ để giám sát thị trường”. Ông Lê Hải Trà đã cho giám sát kiểu gì mà hàng loạt con lạc đà vẫn cứ chui được qua lỗ kim vậy?  Doanh nghiệp là tế bào của thị trường, vậy mà chi 500 tỷ vẫn không gạn lọc được những doanh nghiệp nào kém để ngăn chặn nó và bảo vệ nhà đầu tư.

Tạo ra cửa hậu rộng gấp 4 lần cửa chính và tồn tại trong thời gian dài. Lỗi này không thể chỉ vài cá nhân làm mà rất nhiều cá nhân, từ Bộ Tài Chính trở xuống và phải nhiều đời lãnh đạo phối hợp ăn ý mới làm được. Vậy ông Nguyễn Phú Trọng có dám khui hết không, thưa ông?!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-trai…/784342.vnp

https://vneconomy.vn/sau-vu-tan-hoang-minh-khong-mot…

https://thanhnien.vn/sau-vu-tan-hoang-minh-nhieu-doanh…

https://tienphong.vn/duoi-quyen-ong-le-hai-tra-hose-chi…

- Quảng Cáo -