Mùa hè, vậy là về quê đã năm thứ 3 rồi. Nửa đêm bỗng thèm ra nhìn ngọn núi thân quen dưới trăng mờ, bèn mở cửa, dội vào tai tiếng chim lạ. Thanh và buốt, như một đường chỉ kéo thẳng, xuyên đi trong đêm tối. “Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”…
Nhớ ra rồi, chim bắt cô trói cột, loài chim của đói nghèo ngàn xưa trong sự tích về chàng trai oan uổng đã ra sức thanh minh suốt những đêm trường. Không biết từ bao giờ đã không còn nghe “bắt cô trói cột” nữa, nay bỗng từ đâu tìm về, đột ngột như một chuyến hồi hương không báo trước.
Hồi chúng tôi còn bé, suốt mùa hè sống cùng lũ chim trời. Rồi không biết từ lúc nào, tiếng chim thưa vắng dần. Những con chào mào, chích chòe, cu gáy cho đến lũ sẻ đồng lích rích trên xà nhà bỗng biến mất, phải mười mấy năm rồi. Ngày xưa, cứ mỗi cuối xuân đầu hạ, hòa lẫn trong tiếng bìm bịp, tiếng chim cuốc là “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”…, văng vẳng dưới trăng.
Tưởng mình đã quên. Đêm nay, tiếng chim gọi về cả một vùng trung du đồng bãi, gọi về cả tuổi thơ dằng dặc… Còn nhớ, ngày xưa chim chóc nhiều và dạn dĩ lắm, những con chim sâu làm tổ ngay trong bụi rau ngót cạnh bờ sân, cứ thản nhiên đi – về như thể đó là vương quốc riêng của chúng.
Thế rồi núi trọc, những khu cồn rậm biến mất, cây cối trong làng cũng ra đi theo những bờ tường gạch lầm lũi mọc lên. Thủa đầu còn nhắc nhớ tiếng chim, rồi cũng dần quen và quên.
Trở về. Đầu tiên là những con bìm bịp, kêu lênh láng từ chiều sang đêm với giọng trầm buồn và não nề của chúng. Bây giờ là bắt cô trói cột… Ngước nhìn lên ngọn núi Tào Sơn, màu xanh phủ kín, một sự hồi sinh thầm lặng mà mạnh mẽ. Những dương xỉ, sim, và mua tím đã tái sinh trên sỏi đá, dây leo và cây rừng mọc dày dưới tán bạch đàn và thông cao.
Chợt hiểu, cái chết đến thật mau mà sự sống cũng thật gần, ở đâu có bàn tay con người gìn giữ, ở đó phục sinh âm thầm mà quyết liệt. Ba năm nay khi không cho ai bước chân vào núi để đặt bẫy, giăng lưới, chim chóc lần về, mỗi lúc một đông. Cứ mỗi sáng mai là bắt đầu mở hội, huyên náo bên hiên nhà.
Chúng ta đã đánh mất màu xanh, đánh mất tiếng chim và dáng hình muông thú. Có lúc tưởng như đánh mất cả thôn quê và sự sống bình yên, chỉ còn bầu trời mờ đục và mặt đất xám. Nhưng niềm vui âm ỉ tràn về khi gặp lại những âm thanh quen thuộc từ cổ những loài chim. Nhưng thương nhớ, mỗi sáng thức dậy vẫn lắng tai để nghe một tiếng “chích chòe” thơ bé. Vẫn tiếc vì có lẽ trong hành trình trốn chạy, loài chích chòe đã đi quá xa, nên ngày trở về sẽ muộn hơn lũ liếu điếu, bìm bịp và bắt cô trói cột đôi chút. Lòng người vẫn chờ đợi và tin tưởng…
“Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”… Tiếng chim mỗi lúc một sâu, phải lắng tai nghe thật kỹ như một người khát đang uống từng giọt nước của cơn mưa mùa hạ nắng chang. Rồi bỗng văng vẳng những âm thanh lạ từ cánh đồng dội lên. Tiếng kêu mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một dồn dập. Tôi quay qua hỏi đứa em, là tiếng chim gì thế. “Tiếng chim máy, họ đang bẫy dưới đồng…”
Thế ra cái vương quốc này của tôi và chúng thật nhỏ bé, mong manh, “thập diện mai phục”, những loài chim chỉ an toàn khi cố thủ ở khu vườn này, ra khỏi chừng vài trăm mét là bẫy rập lưới giăng.
Tôi ra cổng và nhìn xuống cánh đồng. Tiếng chim phát ra từ những chiếc máy vẫn vang lên giữa những đốm sáng của đèn soi loang loáng. “Người ta đi kích cá” – em tôi nói. “Không ai cấm hay bắt phạt sao?” Im lặng…
Buổi sáng, trên cánh đồng đã nặng trĩu những bông lúa sắp vào mùa gặt, dọc bờ ruộng thi thoảng lại gặp những hàng lưới trắng xóa giăng ngang trời. Hỏi một bác nông dân đi thăm đồng, ông hồn nhiên trả lời, “Gặt xong thì giăng kín, bây giờ mới có vài đoạn lưới, ăn thua gì”. Lòng bỗng thấy thương những tiếng chim mòn mỏi đêm khuya.
Một ông thầy tôi đang dạy ở Mỹ có lần kể, bên này mà chim chóc vô vườn ăn trái, nếu không ưng thì đuổi chúng đi, chớ có mang súng hay bẫy ra mà bắt, đi tù như chơi đó. Nhưng đó là “bên Tây”, chẳng ngạc nhiên gì. Khó tin nhất vẫn là bọn thanh niên làng đi làm bên vùng Quảng Đông (Trung Quốc) mỗi lần về cứ suýt xoa rằng, bên ấy chim đầy trời, mùa đông lạnh chúng tràn cả vào nhà máy đứng trú, dạn như chim nuôi mà chẳng ai bắt cả, trừ mấy người Việt Nam ham nhậu.
Ừ, nhưng người còn tha hương kiếm ăn nơi đất khách, nói gì đến chim chóc cho buồn lòng. Nhìn số phận những loài chim, lại nhìn thân người lận đận mà ái ngại. Biết bao giờ đất mới lành, đất quê hương…