Đồn đoán hậu trường cung đình

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nam (VNTB)

Liệu lần này có ‘thay ngựa giữa dòng’?

Sáng 4-5-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung:

- Quảng Cáo -

(1) Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới;

(2) Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

(3) Tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

(4) Đề án xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

(5) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.

Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này được đánh giá là những vấn đề lớn, khó và hệ trọng đối với việc thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới…

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 10-5-2022.

Bình luận về hội nghị này, có các ý kiến sau:

Một, về đối ngoại thì trận chiến Nga – Ukraine đang diễn ra, điều này làm Đảng lúng túng về đường lối. Và Đảng nói khéo là “ngoại giao cây tre”.

Sự khéo léo này thể hiện qua việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa rồi ký tặng Ukraine 500 ngàn USD, việc này được đánh giá là chính phủ làm để chuẩn bị tư thế cho Việt Nam trước những biến động tại Biển Đông tới đây, thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre của Đảng.

Quan sát diễn biến về địa chính trị sẽ thấy những hoạt động quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc, và các nước khác thuộc phe liên quân như các binh sĩ từ 14 nước, trong đó có Anh, Australia và Nhật Bản, sẽ tham gia các cuộc tập trận trên bộ và đổ bộ bãi biển từ ngày 1 đến 14-8 tại quần đảo Nam Sutra của Indonesia ở Ấn Độ Dương và phía đông đảo Borneo.

Tin tức nói rằng khoảng 3.000 binh sĩ sẽ tham gia sự kiện, biến nó trở thành cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi “Lá chắn Garuda” bắt đầu được tổ chức vào năm 2009.

Hai, về đối nội, rất có thể hội nghị trung ương 5 kỳ này sẽ thống nhất về tu chỉnh luật đất đai, đặc biệt về nhân danh quyền sở hữu, quyền quản lý. Bởi lâu nay trong lãnh vực đất đai cho thấy các thế lực tài phiệt đã thao túng.

Trong đồn đoán nhân sự thì vẫn rộ lên tin hành lang cho là ở kỳ hội nghị này thì ông Nguyễn Phú Trọng dự kiến về làm người tử tế. Giang hồ cũng đồn đoán người kế nhiệm sẽ là vị Chủ tịch nước hiện tại.

Trong một diễn biến khác dư luận dường như đang có thiện cảm với ông Bộ trưởng Công an, vì bộ này đã xắn tay mạnh vào các đại án gần đây.

Ẩn số nhân sự là Thủ tướng đương nhiệm sẽ như thế nào, khi có ý kiến dường như ông đang ‘lép vế’ trước Chủ tịch nước.

Có một thực tế là hàng loạt đại án hiện tại đều được “ân oán” từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nếu mang cân đo – đong đếm thì chính phủ hiện tại sạch hơn, và Việt Nam đang tiến một bậc trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí, mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 3-5-2022.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2022, Việt Nam xếp hạng 174, ngay dưới Cuba (173) và trên Trung Quốc (175), hai quốc gia cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền như Việt Nam. Với vị trí này, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước, trong bối cảnh mà RSF, tổ chức có trụ sở ở Paris, nhận định rằng các nền dân chủ trên toàn cầu bị suy yếu trong sự trỗi dậy của các thể chế độc tài.

Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”, với Triều Tiên đứng cuối bảng (180).

Theo thống kê của RSF, Việt Nam hiện đang giam giữ 41 nhà báo sau song sắt và, cùng với Singapore – xếp hạng 139, là hai quốc gia thắt chặt hơn việc kiểm soát các phương tiện truyền thông trong năm qua. Còn Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) thống kê rằng Việt Nam vào năm ngoái cầm tù 23 nhà báo chỉ vì họ dám nói ra sự thật.

Đầu năm ngoái, chính quyền Việt Nam đưa ra xét xử một loạt các nhà báo nổi danh trong giới đấu tranh dân chủ, gồm các thành viên Hội nhà báo Độc lập – trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng, nhóm Báo Sạch, và nhà báo bất đồng chính kiến được quốc tế công nhận, Phạm Đoan Trang.

***

Thông tin cho báo chí về hội nghị này, thuật rằng ở ngay hôm sáng khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân: “Chỉ rõ nội dung của nghị quyết Đảng vừa qua đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?…”./.

- Quảng Cáo -