Song Chi
Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến tranh VN kết thúc. Hai thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời gian này. Đảng cộng sản VN đã làm được gì cho đất nước, cho dân tộc trong gần nửa thế kỷ độc quyền lãnh đạo?
Về mặt bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hãy nhìn lại hàng loạt hòn đảo mang tên VN như Gạc Ma, Đá Xu Bi, Đá Tư Nghĩa, Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Vành Khăn v.v…nay đều đã trở thành những căn cứ quân sự Trung Quốc hiện đại, có cả phi trường, có thể dễ dàng khống chế VN từ ngoài biển. Đừng quên, trước năm 1974, Trung Cộng có thể nói là “không có một tấc đất cắm dùi” trên biển Đông, sau khi lợi dụng thời cơ VNCH bị ở vào thế suy yếu, Trung Cộng đã tiến chiếm Hoàng Sa vào tháng 1.1974 và sau này chiếm thêm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN vào năm 1988, từ đó mới có chỗ mà khuynh đảo trên biển Đông như hiện nay.
Không chỉ một số đảo của VN bị mất về tay Trung Cộng, mà VN còn bị mất lãnh thổ, lãnh hải. Đã từng có nhiều nhân sĩ trí thức, nhà nghiên cứu lịch sử VN trong và ngoài nước lên tiếng về việc VN bị thiệt thòi nhiều khi ký kết Hiệp ước Phân định Biên giới Việt-Trung năm 1999. Trước đó giữa hai nước chỉ có Công ước Pháp – Thanh 1887, và 1895. Từ năm 1949 trở đi, lợi dụng mối quan hệ dính kết giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản, Trung Quốc đã dùng đủ mọi thủ đoạn như đưa người sang biên giới VN xâm canh xâm cư, làm đường biên giới lấn vào đất Việt Nam, vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới v.v… từ đó lấn chiếm lãnh thổ VN. Về vấn đề này cuốn sách “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung quốc” do chính nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tại Hà nội năm 1979, hiện còn đựơc lưu trữ tại Thư viện quốc hội Hoa kỳ, số hiệu A87, đã nói rất rõ (bài “Điểm sách “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung quốc”, RFA).
Sau cuộc chiến biên giới 1979, Việt Nam cũng đã mất một số lãnh thổ, đặc biệt là cao điểm chiến lược dọc theo biên giới cho Trung Quốc. Nhưng khi ký Hiệp định biên giới Viêt-Trung 1999 VN đã nhân nhượng những gì, số phận của những vùng đất bị Trung Quốc lấn chiếm kể cả những vùng đất mà Trung quốc chiếm đóng sau cụôc chiến năm 1979 ra sao so với công ước Pháp-Thanh trước kia thì không ai có thể biết chính xác, chúng ta chỉ biết những địa danh như thác Bản giốc nay VN chỉ còn sở hữu một phần, Ải Nam Quan, cồn Pò Thoong, bãi Tục Lãm…đã không còn là của VN nữa.
Còn lãnh hải? Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 cũng làm mất của VN mất biển (10.000 Km2 Vịnh Bắc Việt) so với Công ước Pháp-Thanh 1887.
Tất cả những điều này đảng và nhà nước CS không bao giờ công khai cho dân chúng biết. Nếu họ cho rằng những luận điệu mất đất, mất biển là vô lý, là của các thế lực thù địch, phản động bịa đặt ra để làm “mất niềm tin của nhân dân vào đảng, vào chính phủ”, vậy tại sao họ không cho công bố công khai, chi tiết những thông tin như: trong đàm phán Việt Nam đã đòi gì, Trung Quốc đã đòi gì, mỗi bên đã đưa ra dẫn chứng và lập luận gì cho yêu sách của mình, và cuối cùng mỗi bên được gì, tại sao. Từ những thông tin đó mọi người có thể đánh giá giá trị pháp lý của chứng cứ của mỗi bên, thỏa hiệp đến mức nào, hay cho tranh luận công khai giữa các nhà sử học với các quan điểm khác nhau để dân chúng có thể tự đánh giá đúng, sai.
Về đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng, đảng CSVN thể hiện rõ sự lệ thuộc vào Trung Quốc, về chế độ chính trị cũng như không được quyền có đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ hay các nước dân chủ phương Tây, nói cách khác là không được đi chệch khỏi sự kiểm soát và chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.
Như vậy rõ ràng là từ việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, sự độc lập trong đường lối chính sách trước Trung Cộng, đảng CSVN đều không làm được.
Về kinh tế, Đảng và nhà nước cộng sản luôn luôn khoe khoang là cuộc sống của đa số người Việt hiện tại khá hơn nhiều so với thời chiến tranh hay so với thời bao cấp. Đó là nhờ chính sách mở cửa “đổi mới”-thực chất là “đổi cũ”, trở lại với nền kinh tế thị trường tự do kinh doanh đã có ở miền Nam trước kia. Nhưng không thể chỉ so sánh với chính mình, mà phải so sánh với các nước láng giềng trong khu vực, hoặc các nước đã từ bỏ con đường độc tài do đảng CS lãnh đạo như khối Đông Âu XHCN cũ, thì thấy VN đều thua xa các nước về mọi mặt.
Trong 47 năm đó, các nước trong khu vực, từ Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan… có nền văn hóa Á Đông khá tương đồng với VN, các nước này đều phải trải qua những giai đoạn là những nền dân chủ khiếm khuyết, chưa hoàn hảo nhưng đều dần dần hoàn thiện hơn, và đặc biệt là ngày càng phát triển, là những quốc gia thịnh vượng về kinh tế, có nền công nghiệp kỹ thuật cao, xã hội văn minh, dân trí cao. Ngẫm lại mặt bằng của Nam VN thời đó so với các nước láng giềng, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nếu Nam VN tiếp tục tồn tại thì cũng sẽ phát triển trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh và có thể một ngày nào đó sẽ thống nhất đất nước mà không cần phải đổ máu và nếu thống nhất thì cũng đã có một nửa nước mạnh về kinh tế để kéo nửa kia, giống như nước Đức.
Nhìn rộng ra trên thế giới, tất cả các quốc gia đi theo con đường dân chủ hóa và là bạn bè, đồng minh của Hoa Kỳ và phương Tây thì đều phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng, xã hội văn minh, dân trí cao, ngược hẳn với các nước vẫn còn thể chế độc tài và chịu sự khống chế của Nga như Belarus, Tajikistan, Armenia hay chịu sự khống chế của Trung Cộng như VN, Lào, Cambodia…Ngay những nước XHCN Đông Âu cũ, sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản đều phát triển và đời sống tự do, dân chủ hơn trước gấp nhiều lần.
VNCH sụp đổ, dân tộc chúng ta không chỉ mất đi cơ hội thực tập và hoàn thiện một thể chế dân chủ, mà hiện trạng VN ngày hôm nay ra sao chúng ta đã quá rõ, công nghiệp kỹ thuật lạc hậu, tài nguyên bị vơ vét, quốc gia bị tàn phá bởi nạn tham nhũng nặng nề, người dân hoàn toàn không có bất cứ quyền tự do dân chủ nào, một nền giáo dục lạc hậu, giữa thế kỷ XXI rồi mà hàng vạn hàng chục vạn người vẫn phải bỏ nước ra đi làm thuê ở xứ người bằng những con đường nhập cư lậu đầy rủi ro, bất trắc hay con đường gọi là “xuất khẩu lao động” đầy vất vả, tủi nhục…
Nhưng điều quan trọng nhất và nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đến tương lai, vận mệnh đất nước, dân tộc trong bao nhiêu năm qua đó là người VN không có quyền bầu chọn ra đảng phái chính trị xứng đáng và những con người xứng đáng để lãnh đạo đất nước, người dân VN cũng không có quyền lên tiếng trước mọi chính sách đối nội, đối ngoại bất lợi cho đất nước, dân tộc. Tất cả là do đảng và nhà nước cộng sản quyết định.
Suốt dòng thời gian kể từ khi ra đời cho đến nay, đặc biệt là kể từ khi độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước VN, đảng cộng sản VN luôn từ chối mọi cơ hội thay đổi, mọi cơ hội dân chủ hóa, cương quyết bảo vệ mồ hỉnh thể chế độc tài toàn trị để bám lấy quyền lực bằng mọi giá, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc, bất chấp những chuyển động, những xu hướng trên thế giới, cũng như tiếp tục bám theo trục ác Nga-Trung (trước đây thì là Liên Xô-Trung Quốc). Điều đó lại được thể hiện một lần nữa, qua cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Trong khi hầu hết thế giới lên án, tẩy chay, cấm vận Nga vì hành động xâm lược vô cớ và cách thức tiến hành chiến tranh man rợ, phi nhân, vượt qua mọi quy ước, luật lệ chiến tranh và ủng hộ Ukraine thì VN lại thuộc trong nhóm thiểu số đứng về phía Nga. Từ cách báo chí chính thống đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine, việc một số tướng tá công khai ủng hộ Nga, ủng hộ Putin, chỉ trích Ukraine, thậm chí sỉ nhục Tổng thống Ukraine Zelenskyy và rõ rệt nhất trước toàn thế giới là trong 3 lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, trong đó 2 lần là lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, VN đã bỏ phiếu trắng và lần thứ 3, là trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, VN bỏ phiếu chống. Cách VN bỏ phiếu giống với Trung Quốc và khác với hầu hết các thành viên khác của ASEAN, kể cả Campuchia!
Từ cuộc chiến Ukraine, nhiều quốc gia đã thức tỉnh và thay đổi đường lối chính sách quốc phòng, ngoại giao của mình, nhất là những quốc gia đứng cạnh Nga hoặc Trung Cộng mà nhỏ, yếu hơn càng phải chọn lựa dứt khoát hướng đi, tìm cách thoát ra, dân chủ hóa để phát triển nội lực, trở thành một quốc gia vững mạnh, đồng thời có những đồng minh tốt là Mỹ và các cường quốc dân chủ để Nga hay Trung Cộng không thể bắt nạt. Nhưng đảng và nhà nước cộng sản VN, như rất nhiều chọn lựa sai lầm trước đó, đã lựa chọn con đường làm chư hầu.
Bởi vì trong suốt chiều dài lịch sử của đảng CSVN, họ luôn dựa vào nước khác, ngay cả chiến thắng trong hai cuộc chiến với Pháp, với Mỹ và VNCH thì cũng là nhờ vào sự viện trợ mọi mặt của Liên Xô-Trung Cộng, kể cả tham gia trực tiếp trên chiến trường, như sau này nhiều tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc và quốc tế đã công bố.
Theo thời gian, thay vì làm cho nước mạnh dân giàu, đầu tư vào vũ khí quốc phòng để có nội lực mạnh thì họ không chỉ đã thất bại trong điều này mà tệ hơn, sự ngạo mạn, xơ cứng ù lì trong tư duy, tầm nhìn ngắn và nạn tham nhũng nặng nề đã làm hỏng hầu hết những con người trong bộ máy quan chức cộng sản (kể cả bên quân đội với hàng loạt tướng tá quân đội, quốc phòng, cánh sát biển bị cách chức, kỷ luật, bỏ tù vì tham nhũng). Để bây giờ, so với giai đoạn trong 2 cuộc chiến đánh Pháp, đánh Mỹ thì họ kém xa về tinh thần, lý tưởng chiến đấu, và so với cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, lúc đó việt cộng còn hơn được lính Trung Quốc về kinh nghiệm, vũ khí tốt do Liên Xô viện trợ lẫn của Mỹ bỏ lại ở miền Nam, trong khi lính Trung Quốc chỉ có biển người mà kém đủ thứ, nhưng bây giờ thì tương qua lực lượng của hai bên đã khác hẳn, sau hơn bốn thập niên Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào quân sự, quốc phòng. Đó là lý do đảng và nhà nước cộng sản VN đã dứt khoát chọn con đường làm chư hầu cho yên thân, còn yên được bao lâu là chuyện khác.
47 năm sau cuộc chiến. Giấc mơ về một quốc gia phát triển giàu mạnh, tự chủ, một xã hội tự do, dân chủ, pháp trị, văn minh, nhân bản vẫn còn quá xa vời với dân tộc VN.