47 năm, ai là “bên thắng cuộc,” ai là bên thua cuộc?

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Để kỷ niệm cái ngày “triệu người vui, triệu người buồn” của người Việt sắp tới, TP.HCM sẽ lại bắn pháo hoa. Thường thì những ngày lễ lớn vào năm chẵn, nhà cầm quyền sẽ tổ chức trọng thể, hoành tráng hơn năm lẻ, có pháo hoa, có duyệt binh, có ca nhạc hội… để dân chúng được dịp vui vẻ, tự hào và “quên đi cái dạ dày xẹp lép.” Nhưng năm nay, mặc dù là năm lẻ, 47 năm kể từ ngày “thống nhất đất nước,” ông Nguyễn Văn Nên vẫn muốn khuấy động Sài Gòn bằng những hoạt động hoạt náo, xua bớt cái âm khí nặng nề ám ảnh thành phố suốt hai năm ôn dịch hoành hành?

Nhân dịp ngày “triệu người vui, triệu người buồn,” người Việt nên chăng nhìn về đoạn đường 47 năm đã qua với một đôi mắt mở to, khách quan và tôn trọng sự thực? Người Việt được gì, mất gì? Thân phận của những “chủ nhân đất nước” ở xứ thiên đường xã hội chủ nghĩa hôm nay ra sao? Tương lai nào đang chờ đợi?

47 năm qua đi như một cái chớp mắt của lịch sử nhưng với đời người thì là chặng đường dài. Khoảng thời gian đó, đủ để một Hàn Quốc đói nghèo trở thành một cường quốc, một làng chài Singapore trở thành trung tâm tài chính khu vực, quốc đảo giàu có nhất Châu Á.

- Quảng Cáo -

47 năm cũng là quãng thời gian đủ để 3 thế hệ sau chiến tranh đã sinh ra và lớn lên. Những thế hệ trẻ hôm nay được thừa hưởng gì từ một quốc gia đã thống nhất về mặt địa lý suốt từ Ải Nam Quan (cứ giả như vẫn còn) tới mũi Cà Mau với tài nguyên “rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu,” dưới chế độ luôn tự vỗ ngực cho rằng mô hình cai trị mang tên XHCN là sự lựa chọn tất yếu của văn minh nhân loại, là chế độ ưu việt “do dân và vì dân”?

47 năm, ai là bên thắng cuộc, ai là bên thua cuộc?

Mấy hôm trước, đứa em họ của người viết gọi điện khoe rằng sau 2 năm dịch bệnh chờ đợi, cuối cùng sắp tới đây sẽ được đi xuất khẩu lao động… tận Hàn Quốc. Cậu này đã hoàn thành khóa học và thủ tục cần thiết để sang Hàn vào tháng Sáu và bắt đầu công việc nuôi trồng thủy sản ở bên đó với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nếu ăn tiêu tiết kiệm và trừ chi phí khác, thuế thu nhập cá nhân… vẫn hàng tháng gửi về nhà được phân nửa số tiền lương cho vợ con. Đó là một mức lương mơ ước cho những công việc tay chân ở Việt Nam.

Câu chuyện của cậu em họ cũng giống như hơn 120.000 người Việt mỗi năm đi lao động ở xứ người trong nhiều năm qua. Ước tính có khoảng 1,8 triệu người Việt Nam trong 16 năm (2005 – 2021) đã bỏ lại phía sau những làng quê nghèo khó, kiếm tìm sinh kế bằng những nghề tay chân hạ bạc ở nơi xứ người theo con đường xuất khẩu lao động.

Nhưng số người ra đi bằng những thùng container lạnh, bằng con đường du lịch, thăm thân, kết hôn giả… thậm chí còn lớn hơn. Sự kiện bi thảm 39 người Việt chết ngạt và đông cứng trong thùng container ở Essex, Anh Quốc tháng Mười, năm 2019 chỉ hé lộ một phần nhỏ mạng lưới buôn người khổng lồ do các tổ chức mafia Việt và cơ quan Ngoại Giao, Bộ Công An, Cục Xuất Nhập Cảnh, hãng Hàng Không Việt Nam… cấu kết và vươn vòi bạch tuộc từ các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Chỉ riêng vụ việc liên quan tới 39 tử thi người Việt trong thùng container lạnh ở Essex – Anh Quốc, Bỉ đã bắt giữ 11 người Việt có liên quan và công tố Bỉ cho biết đường dây này mỗi ngày đưa hàng chục người Việt nhập cư trái phép vào Anh, Châu Âu trong nhiều tháng.

Bên cạnh nạn buôn người, một đội quân đông đảo hàng vạn cô gái Việt Nam tung hoành khắp Đông Nam Á, sang cả trời Âu bằng visa du lịch để… bán dâm. Phần lớn những “nàng kiều” này đến từ những vùng quê nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một nghịch lý đau đớn là vùng đất trù phú miền Nam Việt Nam, nơi có đầu tàu kinh tế Sài Gòn và vựa lúa gạo, cá tôm không những nuôi sống cả nước mà còn chiếm tới 80% nông thủy sản xuất khẩu, nhưng mức sống người dân rất thấp. Các dịch vụ công ích như y tế, giáo dục, giao thông, xử lý rác thải, hạ tầng hết sức thiếu thốn, lạc hậu. Suốt hơn 4 thập kỷ, nhà cầm quyền Hà Nội thi hành chính sách “đào Nam, đắp Bắc” tàn khốc và không đầu tư tương xứng với tiềm lực cũng như đóng góp của vùng đất này vào ngân sách quốc gia. Nghèo đói, thất học đã đẩy người dân vào bước đường cùng, sẵn sàng dấn thân vào những chốn nhơ nhớp, rủi ro nhất để sinh tồn.

Sự khó khăn, cơ cực của người dân đồng bằng sông Cửu Long thậm chí được chính ông Nguyễn Phú Trọng xác nhận trong một bài phát biểu gần đây trong cuộc họp bàn phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hôm 22 tháng Tư. “Vùng đất mà sau nhiều năm ‘ngủ yên,’ đã được ‘đánh thức’ vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới ‘thức dậy’ mà chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân nơi đây phần lớn chỉ mới đủ ăn mà chưa khá giả, mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước.” – theo báo Thanh Niên.

47 năm sau tháng Tư Đen, hàng triệu người Việt ở dưới vĩ tuyến 17 đã phải bỏ nước ra đi. Họ bị tước đoạt nhà cửa, bị tù đày, bị xua đuổi lên vùng “kinh tế mới” rừng thiêng nước độc, bị gạt ra rìa xã hội, bị tước bỏ khỏi các dịch vụ công ích như giáo dục, y tế và cơ hội việc làm, sinh kế. Những kẻ “bên thắng cuộc” đã nhanh chóng trở thành những kẻ cướp bóc, trả thù tàn độc người “bên thua cuộc.” Các chính sách đàn áp thâm hiểm, có hệ thống của Hà Nội trực tiếp và gián tiếp đẩy hàng triệu người ra Biển Đông gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp kéo dài gần 2 thập kỷ kể từ 30 tháng Tư, 1975. Những người già ở Bãi Trước và Bãi Sau Vũng Tàu kể lại, sau ngày Gãy súng, có thời gian xác những người vượt biển dạt vào bờ nhiều tới mức mỗi sáng phải đem xe bò ra thu nhặt và chở đi chôn tập thể trong những rừng dương. Ước chừng khoảng 200.000 người đã làm mồi cho cá hoặc nạn nhân thê thảm của cướp biển Thái Lan.

47 năm sau khi đất nước “thống nhất,” người Cộng Sản ngây ngất trên “đỉnh cao muôn trượng” với chiến thắng “chấn động địa cầu” nhưng dòng người Việt vẫn tiếp tục tha phương, bỏ lại phía sau “thiên đường mù” tăm tối. Họ là đội quân chủ lực gửi về quê nhà nguồn ngoại tệ lớn gấp 4 lần tổng xuất siêu quốc gia (khoảng 18 tỷ Mỹ Kim) năm 2019. Nguồn ngoại tệ này có ý nghĩa sống còn với thể chế CSVN, nó được đánh đổi bởi mồ hôi, nước mắt, phẩm giá và cả những xác người chết cóng trong thùng container lạnh của người Việt viễn xứ.

Những đồng tiền gửi về quê nghèo để xây lên những ngôi nhà to lớn, khang trang nhưng vắng bóng người ở, chơ vơ giữa những làng quê chỉ còn lại toàn người già và con nít. Những đứa bé lớn lên xa cha mẹ, đến tuổi niên thiếu nhanh chóng rơi vào nghiện hút, ma túy đá và các tệ nạn xã hội bủa vây khắp hang cùng ngõ hẻm ở nông thôn Việt Nam. Trong khi đó, nhà cầm quyền lấy hình ảnh các “làng tỷ phú, làng biệt thự” làm thành tựu phát triển kinh tế xã hội, là kết quả “lãnh đạo đúng đắn của đảng và nhà nước.”

Không chỉ người dân nghèo sẵn sàng đánh đổi mạng sống, cầm cắm nhà cửa, vay nợ lãi cao mong tìm đường sang xứ người mưu sinh. Người giàu Việt Nam cũng sẵn sàng chi hàng triệu Mỹ Kim để có một tấm hộ chiếu ở các quốc gia Tư bản “giãy chết.”

Đặc biệt, đám quan chức Cộng Sản sau khi đã hạ cánh an toàn cùng khối tài sản khổng lồ đã trộm cắp, cướp bóc được nhờ “sự nghiệp cách mạng,” rất ưa thích sum họp cùng đám con cháu, hưởng thụ cuộc sống xa hoa ở Cali, Paris hay Dubai…

Cớ làm sao, một quốc gia tự hào về “cơ đồ, vị thế, tiềm lực chưa bao giờ được như hôm nay” là đất nước đáng sống, có nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc, nhân ái, nhân văn,” v.v… mà từ người nghèo cho đến kẻ giàu sang đều muốn bỏ nước mà đi?

Cách đây không lâu, trên báo CAND – cơ quan ngôn luận của Bộ Công An có một bài viết “30 tháng Tư nghĩ về những giấc mộng tan vỡ ở xứ người.” Trong bài viết có đoạn “Chiến tranh đã đi qua, vết thương đã ‘liền da’ khi quê hương hòa làm một, đất nước được vẹn tròn. Nhưng nỗi thù, sự ích kỷ và mưu lợi cá nhân vẫn còn tồn tại trong lòng những con người đó, họ chấp nhận đời tha hương mà không chịu thừa nhận thất bại, vẫn luyến tiếc cuộc sống dựa dẫm hưởng lợi từ ngoại bang, vẫn cay cú, vẫn cố tìm mọi cách thực hiện giấc mơ được ngoại bang giúp sức để trở về ‘phục quốc.’”

Hãy nhìn những gì “bên thắng cuộc” đã làm với bên thua cuộc? Có lẽ, một hình ảnh rõ ràng nhất minh chứng cho cái gọi là chính sách “hòa hợp dân tộc” của người Cộng Sản là nghĩa trang Biên Hòa, nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn phần mộ của những người lính phía “bên thua cuộc.” Phần mộ của họ bị xâm hại, bị phá bỏ, bị đục tên, bị cấm thân nhân, đồng đội đến thăm viếng trong nhiều thập kỷ. Những người nằm dưới mộ phần đó là cha anh của cộng đồng người Việt lưu vong sau 1975. Trong khi giới chức Hà Nội kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” về Việt Nam đầu tư làm ăn và tích cực gửi càng nhiều “kiều hối” càng tốt để “xây dựng quê hương.” Tính cho đến 2017, cái “khúc ruột ngàn dặm” đó đã có giá 150 tỷ Mỹ Kim tính từ thời điểm 1990 tới nay.

Thử hỏi nếu phía “bên thắng cuộc” thực tâm thi hành một chính sách hòa hợp, không cướp bóc nhà cửa, công xưởng, không bức hại tù đày hàng trăm ngàn cán binh VNCH sau ngày 30 tháng Tư khiến 160.000 người đã bỏ xác lại trong những trại tù khổ sai… không bức hại vợ con, thân quyến của họ… thì hàng triệu người dân miền Nam có phải liều mình vượt biển hay không?

Mới đây thôi, năm 2019, ngay sát những ngày Tết cổ truyền Mậu Tuất, nhà cầm quyền Cộng Sản thành Hồ đã đập phá tan tành hơn 200 căn nhà ở vườn rau Lộc Hưng, xua đuổi những thương phế binh VNCH ở tuổi gần đất xa trời, thân thể không còn lành lặn… biến họ trở thành vô gia cư, không nơi nương tựa.

Chính sách tàn độc, đàn áp, truy bức những người bị coi là “ngụy quân, ngụy quyền” chưa bao giờ thay đổi. Thậm chí, sự hận thù và chia rẽ, bôi nhọ thể chế VNCH được đưa vào sách giáo khoa, được phổ biến bằng thơ ca và được coi là “lịch sử.” Đó là “lịch sử” của riêng kẻ thắng cuộc? Câu chuyện mới đây, cô hoa hậu xứ Thanh Hóa đã biểu diễn bài “Cô gái vót chông giết giặc Mỹ cọp beo” ngay trên đất Mỹ, trong một cuộc thi nhan sắc. Đó là sản phẩm của thứ giáo dục tuyên truyền thù hận. Không thể có một lý giải nào khác.

Những tưởng như sự tàn độc, sắt máu đó người CS chỉ dành cho những người “thuộc chế độ cũ.” Nhưng không, bất kể ai nếu chống đối lại quyền lợi của những kẻ cầm quyền thì đều là “kẻ thù của nhân dân.” Thậm chí, đó là một ông lão 84 tuổi như ông Lê Đình Kình – một cựu lãnh đạo đảng cấp xã kỳ cựu, tiêu biểu. Khi ông ta chống lại quân cướp đất. Ông ta cũng nhanh chóng trở thành “khủng bố” và bị những “đồng chí” của ông ta ập vào nhà riêng bắn chết. Con cháu 3 đời nhà ông ta bị tù đày, dày vò cho tới thân tàn ma dại. Những gì đã xảy ra ở Đồng Tâm, Hà Nội hay ở Lộc Hưng, thành Hồ đều giống nhau.

Có một nhà văn Nga từng nói “Chiến tranh rồi sẽ qua đi, cách mạng rồi sẽ thôi gào thét” nhưng trên mảnh đất này, dường như chưa bao giờ “cách mạng” ngừng gào thét… Những người Cộng Sản nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Tất cả tiếng nói phản biện, những đòi hỏi về Dân chủ, Tự do ngôn luận, Minh bạch, Nhân quyền, đều là “thế lực phản động.”

Tự do của những tù nhân lương tâm, dân oan, di cốt của những người lính Mỹ, lính Cộng Hoà, quyền lợi của người dân thậm chí đã được hiến định như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình… trở thành những món đồ để chính quyền CSVN ngã giá với các nước phương Tây trong các lộ trình hội nhập quốc tế để tìm kiếm lợi ích kinh tế. Công thổ, tài nguyên quốc gia là của riêng để đám quan chức và giới tư bản Đỏ chia chác, bán rẻ cho ngoại quốc.

Hóa ra, không chỉ những người chế độ cũ là “bên thua cuộc,” mà tất cả chúng ta, Nhân Dân và Dân Tộc này là “bên thua cuộc.” Chỉ những kẻ hung bạo tàn độc, nắm trong tay súng đạn là “bên thắng cuộc” mà thôi.

Tân Phong

- Quảng Cáo -