Nền kinh tế mất cân đối

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Năm 2006, thị trường bất động sản của Mỹ đóng góp cho nền kinh tế nước này với 1,19 ngàn tỷ đô chiếm 8,9% GDP. Sau đó 2 năm, nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng năm 2008 kéo theo nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng theo. Đến năm 2018 thì thị trường bất động sản của Mỹ chỉ còn 1,15 nghìn tỷ, chiếm 6,2% GDP nhưng nền kinh tế đang phát triển mạnh. Nói chung, đã 15 năm, chưa năm nào thị trường bất động sản Mỹ nuốt vốn nhiều như năm 2006. Tỷ trọng bất động sản trong nền kinh tế phình to không phải là dấu hiệu tốt.

Đấy là chuyện bên Mỹ, còn tại Việt Nam thì sao? Theo nghiên cứu thì năm 2020, tỷ trọng bất động sản so với tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỉ USD/986,82 tỉ USD). Dự đoán, năm 2025 sẽ là 21,2% (462,7 tỉ USD/2183,09 tỉ USD) và đến năm 2030 là 22% (1232,29 tỉ USD/5601,31 tỉ USD). Rõ ràng đây là một đà phát triển thiếu cân bằng. Ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn và nó đang phình to một cách bất thường theo thời gian.

Ngành bất động sản đi đôi với ngành xây dựng. Xây dựng được chia ra hai loại, xây dựng hạ tầng cơ sở như đường cao tốc, bến cảng và các khu công nghiệp vv… và loại hình xây dựng nhà ở cho người dân.

- Quảng Cáo -

Xây dựng hạ tầng là một công cụ để chính phủ điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm đối phó tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế. Ví dụ như, khi kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp tăng cao thì chính phủ đẩy mạnh ngành xây dựng cơ sở hạ tầng để giải quyết việc làm cho một phần người dân nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp và cứu lấy doanh nghiệp ngành này. Khi có tiền thì người dân và doanh nghiệp sẽ tăng chi tiêu và từ đó kéo theo nhiều ngành liên quan khác cũng khởi sắc. Nói chung, xây dựng hạ tầng là một kênh quan trọng để chính phủ bơm tiền ra thị trường kích cầu kinh tế.

Xây dựng nhà ở là một loại hình cần hạn chế. Khi nhà đất bị thổi giá, thì nó sẽ hút nguồn lực tài chính xã hội làm những ngành khác thiếu vốn. Ví dụ, nếu giá nhà đất không cao, tôi có thể trích 20% thu nhập trong cuộc đời lao động ra mua nhà còn 80% là chi tiêu cá nhân, tuy nhiên vì giá nhà cao tôi phải bỏ ra đến 60% giá trị lao động cả đời mới mua nổi nhà, vậy còn lại chỉ 40% để chi tiêu cá nhân. Khi chi tiêu cá nhân bị bóp lại thì lúc đó các thị trường khác cũng không phát triển nhanh được. Tiêu thụ ít thì ắt sản xuất cũng không thể phát triển.

Đặc trưng của ngành bất động sản ở Việt Nam là ngành xây dựng hạ tầng rất yếu kém nhưng ngành xây dựng nhà ở lại phình to vì bị thổi giá. Điều này nó vừa hạn chế chính sách tài khóa của chính phủ và đồng thời nó hút nguồn vốn xã hội. Vì thế nền kinh tế Việt Nam phát triển mất cân đối, tăng trưởng cao nhưng phát triển thì không đáng kể.

Những năm gần đây, ông Phạm Nhật Vượng cũng đang chuyển hướng sang công nghệ để tìm kiếm sự phát triển bền vững hơn. Đây là tầm nhìn vượt trội của ông Vượng so với những đại gia bất động sản khác. Tuy nhiên, cho tới bây giờ số tiền ông đổ vào công nghệ rất lớn nhưng ngành công nghệ đang lụi tàn: Dự án phát triển điện thoại smartphone và smart TV thì chết trong trứng nước, ngành ô tô xăng thì chết khi mới sinh con non đỏ hỏn; và bây giờ là xe điện khá ồn ào nhưng về bản chất thì không kỳ vọng gì nhiều, khả năng cũng không trụ nổi mà thôi.

Trong các đại gia bất động sản Việt Nam ngoài Phạm Nhật Vượng muốn nhảy sang công nghệ thì hầu hết là không có tầm làm như vậy. Cũng thừa nhận là ông Vượng rất giỏi, nhưng đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam là không hợp với những gì liên quan tới chất xám. Vì thế, có dồn vốn vào công nghệ thì ngành này cũng không tiêu hóa hết, vì thế nguồn vốn xã hội bị “nắn dòng” rót vào bất động sản và chứng khoán là điều dễ hiểu.

Nền kinh tế Việt Nam như con ngáo ộp to xác nhưng không có thực lực. Trong các tỷ phú Việt Nam thì số tỷ phú bất động sản chiếm tỷ lệ cao so với các nước. Những đại gia này làm giàu cho bản thân, cho quan chức và để lại cho người dân một nỗi khổ là không thể mua nổi nhà. Bất động sản bị thổi giá làm người dân khó mà an cư. Mà đã không an cư thì làm sao lạc nghiệp được? Lợi ích nhóm và sự điều hành yếu kém của chính quyền CS đã đẩy tình trạng xã hội Việt Nam rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một miếng đất ở Thủ Thiêm mà hét giá còn cao hơn cả đất đắc địa ở New York thì đó là một dấu hiệu tồi tệ.

Bất động sản một cái lỗ hút tiền của xã hội, trong cái lỗ ấy những “đầu nậu” được bảo kê của chính quyền đánh chén thỏa thích. Vì thế, họ chỉ làm giàu cho họ, làm giàu cho quan chức thoái hóa và đẩy dân thường vào cảnh ngày càng xa vời với ước mơ có nhà. Những đầu nậu đó là tội đồ nhiều hơn công lao. Dù cho những Trịnh Văn Quyết, những Lê Thanh Thản, những Lê Viết Lam vv… có bị “thịt” thì nền kinh tế Việt Nam về bản chất vẫn không khác. Đầu nậu này bị “thịt” thì đầu nậu khác cũng ngoi lên và bức tranh nền kinh tế Việt Nam vẫn thế. Bản chất đó nó được sinh ra từ một nền chính trị vì lợi ích thiểu số thì bản chất nó chỉ có thế thôi, không bao giờ thay đổi được./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.thebalance.com/how-does-real-estate-affect…

https://www.kiena.vn/…/bat-dong-san-chiem-ty-trong-ngay…

- Quảng Cáo -