Dân có được quyền chỉ trích lãnh đạo?

Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Việt Nam vẫn đang bỏ tù những nhân vật này. (Photo Tập hợp từ Facebook)
- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh (VNTB)

“Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày” – Obama

Công dân có được quyền bày tỏ ý kiến, phê phán và chê trách đối với đường lối chính sách phát triển quốc gia và năng lực phẩm chất của các vị lãnh đạo? Nôm na là liệu người Việt có được quyền chỉ trích lãnh đạo giống như bà Nguyễn Phương Hằng chỉ trích ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM?

Một luật sư lập luận: Các ý kiến bày tỏ tuy đều có xu hướng bất lợi cho các cơ quan Đảng Cộng sản và Nhà nước hiện tại nhưng nếu chỉ vì thế mà xử lý hình sự thì đó là mất dân chủ. Bởi lẽ không phải là người ta nói dối xuyên tạc sự thật mà là chỉ nêu ra những sự thật nhưng là những sai lầm bất lợi.

- Quảng Cáo -

Việc quy kết tội là áp đặt bất công bởi lẽ công dân phải được quyền giám sát và quan chức chính quyền phải chịu sự kiểm soát của người dân, vì quyền lợi của họ phải đi kèm với trách nhiệm.

Đối với những lời lẽ chỉ trích chê bai về đường lối lãnh đạo của tổ chức chính trị, thì công dân được quyền làm việc đó. Bởi chất lượng của chính sách và năng lực của cán bộ ảnh hưởng đến mức độ phát triển và ấm no hạnh phúc của người dân. Tổ chức chính trị hoàn toàn có đủ nguồn lực để giải đáp phản biện làm rõ chính sách đường lối của mình để giữ uy tín.

Củng cố cho lập luận trên của vị luật sư, một nhà báo cho rằng trong Di chúc để lại, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Đảng đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vậy thì để “Đảng ta thật trong sạch” cần thiết những ông bà chủ của các “đầy tớ thật trung thành” ấy phải có quyền chỉ trích cụ thể các cá nhân “đầy tớ”, qua đó góp phần cho cái việc vẫn hay được tuyên truyền là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”.

Còn nhớ, trong bài phát biểu của Tổng thống Obama trước người dân Việt Nam ngày 24 tháng 5 năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam, có đoạn như sau:

“Và chúng tôi không phải không bị chỉ trích, tôi thú thực với bạn như vậy. Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày. Nhưng chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn”.

Nôm na của đoạn trích trên, đó là theo ông Obama, thì quyền con người không phải là mối đe dọa, mà là nền tảng cho sự phát triển.

Thế thì tại sao người Việt lại chưa thể được quyền chỉ trích lãnh đạo, phải chăng nhân quyền ở Việt Nam không cùng cách hiểu phổ quát của người Mỹ?

Diễn đạt theo văn phong tuyên giáo Đảng thì để có hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực, ngoài đổi mới nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên… thì công tác giám sát lại khẳng định ở tầm quan trọng đặc biệt.

Công tác giám sát quan trọng bậc nhất đó là hoạt động giám sát của nhân dân, là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Một khi dân biết và bàn luận thì họ có quyền chỉ trích. Phía bị chỉ trích, nói như ông Obama, chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Với những lập luận, viện dẫn ở trên cho thấy cần có cách hiểu phù hợp “nhân quyền” khi cáo buộc các tiếng nói phản biện trái chiều là vi phạm điều luật hình sự số 116, 117, và cả điều luật 331 của Bộ luật hình sự hiện hành./.

- Quảng Cáo -