Phạm Lê Đoan (VNTB)
Dưới thời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, xăng dầu là mặt hàng xa xỉ cần phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% tính trên giá nhập tại cảng.
Mỗi lít xăng RON 95 bán ra ở Việt nam đang chịu 44% thuế và phí, với gần 37,5% là thuế và 6,5% là phí.
4 loại thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT): 10% (tính trên giá bán), thuế nhập khẩu: 10% (trên giá nhập tại cảng), thuế tiêu thụ đặc biệt: 10% (trên giá nhập tại cảng), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95, dầu diesel là 2.000 đồng…
Ngoài ra chưa kể các loại phí khác gồm phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, lợi nhuận doanh nghiệp…
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, một số đại biểu cho rằng trong cơ cấu tính giá xăng dầu còn hàm chứa “nhiều yếu tố phức tạp”, có nhiều loại thuế đánh vào giá thành xăng dầu bán ra là chưa hợp lý. Đơn cử như cần sự giải thích vì sao xăng dầu vẫn tiếp tục ‘chung mâm’ với bia rượu, thuốc lá theo một sắc luật mang tên thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành dưới thời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng?
“Vừa áp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu là không hợp lý” – ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), nhận xét như vậy trong một trao đổi với giới truyền thông.
Theo vị chuyên gia này thì rất đơn giản, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp, nên sắc thuế tiêu thụ đặc biệt vốn chỉ nhằm cho hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, lại được áp vào xăng dầu là quá vô lý. Bởi nếu nói xăng dầu góp phần gây ô nhiễm thì đã được điều chỉnh qua thuế môi trường đang thu rất cao, đến 4.000 đồng/ lít xăng và 2.000 đồng/ lít dầu diesel.
Có thể lý giải dưới thời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thì Việt Nam còn lệ thuộc vào chuyện nhập khẩu xăng dầu nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt khả dĩ chấp nhận, nay theo báo cáo thành tích kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ XIII thì Việt Nam nay tự chủ được 70% xăng dầu tiêu thụ trong nước, nên việc vẫn tiếp tục duy trì mức 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu đã trở nên không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, g cho rằng để ổn định kinh tế vĩ mô, giá xăng dầu hiện tại phải được giảm mạnh, dưới mốc 25.000 đồng/lít mới bảo đảm tính bền vững cho phục hồi kinh tế.
Muốn vậy, theo ông Mại, bằng công cụ thuế phí, cơ quan điều hành có thể giảm đáng kể giá xăng dầu tại kỳ điều hành tới.
“Xăng lên 30.000 đồng/lít khi giá dầu thế giới vọt lên trên 130 USD/thùng. Hiện tại, dầu thế giới đang trong khoảng 105 USD/thùng, nếu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cộng thêm giá thế giới thấp hơn tại kỳ điều hành trước, cơ quan quản lý tính toán tạm không thu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm nay, giá xăng dầu sẽ về mức ổn định dưới 25.000 đồng/lít theo kỳ vọng của nền kinh tế” – ông Nguyễn Mại phân tích.
Một ghi nhận từ cộng tác viên trang Việt Nam Thời Báo tại Tây nguyên cho biết, bước sang tháng 3, nông dân vùng Tây nguyên đang tất bật chăm sóc cho niên vụ cà phê mới. Tuy nhiên, tâm trạng chung của những người trồng cà phê là lo lắng chưa biết sản lượng cà phê cuối năm nay sẽ như thế nào, giá cả có cao hay không, chỉ có chi phí đầu tư ban đầu thì đã tăng đến chóng mặt.
Nông dân trồng cà phê ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, âu lo chuyện xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực không hề nhỏ đối với những người trồng cà phê. Giá xăng dầu tăng, kéo theo giá các vật tư cũng tăng, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người trồng cà phê vốn đã khó khăn lại càng khó thêm…
Lãnh vực ngư nghiệp cũng không kém bi đát từ giá xăng dầu.
Ghi nhận tại cảng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hiện tại chỉ lèo tèo vài thuyền đánh bắt gần bờ vẫn còn đang hoạt động, còn lại tàu cá lớn thì im lìm sắp hàng dài đầy cảng cá. Ngư dân nói rằng cần bỏ khoản thuế môi trường khi bán nhiên liệu cho ngư dân. Theo ngư dân thì đánh thuế bảo vệ môi trường để hạn chế ô tô cũng hợp lý vì xu hướng dùng xe điện, còn tàu cá thì không có nhiên liệu thay thế.
Ra khơi hay nằm bờ? Đó là câu hỏi của hơn 11.000 ngư dân trên 1.700 tàu cá ở Đức Phổ. Ra khơi thì chịu cảnh lỗ vốn, còn nằm bờ thì biết lấy gì nuôi cả gia đình? Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ nói: “Có tình trạng ngư dân của phường đành phải cho tàu cá nằm bờ chờ giá nhiên liệu xuống. Vì thời điểm này ra khơi, đánh bắt với sản lượng như các năm thì ngư dân lo sợ thua lỗ”…
Có ý kiến rằng thay vì Tổng bí thư chọn việc đóng cửa ngồi biên soạn sách vở cho lý luận tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thì ông nên dành nhiều thời gian hơn trong thị sát dân tình, lắng nghe những luận bàn đa chiều thế sự. Bởi đặc thù ở Việt Nam trong quản lý thì ý kiến quyền lực cao nhất trong mọi vấn đề không phải đến từ Quốc hội, mà là từ Bộ Chính trị.
Như vậy trước mắt trong chuyện các sắc thuế về nhiên liệu này, với tư cách đứng đầu Bộ Chính trị, cần thiết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo gấp rút tu chỉnh Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mà chính ông ký ban hành lúc là chủ tịch Quốc hội./.