Nga đánh Ukraine để làm gì?

Tổng Thống Nga Putin. Ảnh: Swarajya
Tổng Thống Nga Putin. Ảnh: Swarajya
- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng – Việt Tân |

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã bước qua tháng thứ tư kể từ khi Nga đưa 100 ngàn quân đóng dọc theo biên giới phía Đông cùa Ukraine vào đầu tháng Mười Một, 2021, và sẵn sàng tấn công nước này nếu gia nhập khối NATO.

Trước những “hăm dọa” của Hoa Kỳ và khối NATO sẽ trừng phạt nặng nếu Nga tấn công Ukraine, Nga tuyên bố không chuẩn bị tấn công Ukraine mà chỉ là tập trận nhằm gây áp lực lên Hoa Kỳ và NATO phải chấp nhận 8 yêu sách về việc giải quyết toàn bộ vấn đề an ninh quanh khu vực của nước Nga.

Trong lúc tình hình đôi bên căng thẳng, ngày 15 tháng Hai, 2022 Tổng Thống Putin tuyên bố là đã cho di chuyển một số lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine và cần một thời gian khá dài để rút hết lực lượng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và NATO cho biết Nga không thực hiện việc rút quân, mà còn tăng thêm lực lượng bao vây với tổng số lên tới gần 200.000 quân bao vây 3 mặt của Ukraine và tìm mọi lý lẽ để tấn công, như vu cáo Ukraine đang phạm tội “diệt chủng” đối với những người nói tiếng Nga đòi ly khai ở vùng Donbas.

- Quảng Cáo -

Căng thẳng Nga và Ukraine không chỉ mới bắt đầu từ bốn tháng nay mà đã xảy ra từ năm 2014 khi Nga xâm chìến Crimea và xúi giục người Nga tại hai tỉnh Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass, phía Đông của Ukraine nổi lên đòi tự trị, tạo ra cuộc xung đột vũ trang giữa chính quyền Ukraine với các lực lượng quân đội ly khai khiến cho hơn 14.000 người thiệt mạng trong nhiều năm qua.

Câu hỏi đặt ra là Tổng Thống Putin gây áp lực lên Ukraine lần này để làm gì và liệu có tấn công vào Ukraine hay không?

Mưu đồ của Putin tại Âu Châu 

Vào ngày 12 tháng Bảy, 2021 trên trang web chính thức của Điện Kremlin đã đăng một bài viết của Tổng Thống Nga Vladimir Putin “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine.”  Qua bài viết này, ông Putin cho rằng người Nga và người Ukraine có cùng một dân tộc, “các quốc gia anh em,” thuộc một nhóm được gọi là Velikorossy (“Người Nga vĩ đại”) và nhóm còn lại là người Ukraine, Malorossy (“Người Nga nhỏ bé”). Putin cũng nghĩ như vậy về Belarus — đó là nơi bắt nguồn tên quốc gia, họ là Belorusy, hay “Người Nga da trắng.”

Tất cả những người Russia đó đều xuất phát từ các quốc gia kế thừa và các quốc gia chính của Kievan Rus ban đầu, được cai trị bởi các thành viên khác nhau của triều đại Rurikid. Triều đại đó bắt nguồn từ Novgorod, sau đó chuyển thủ đô đến Kiev hay còn được đánh vần là Kyiv – vào năm 882. Triều đại đó trở thành thủ đô lớn của liên bang Rurikid.

Chính dòng dõi chung này đã làm cho mối quan hệ của Nga với Belarus và Ukraine rất khác so với mối quan hệ những nước khác từng nằm trong khối Liên Xô cũ như: Kazakhstan, Estonia, Georgia, v.v., những nước này có thể là đồng chí, nhưng người Ukraine và người Belarus là họ hàng. Cả Nga, Belarus và Ukraine đều tuyên bố nhà nước Rurikid này là tổ tiên văn hóa và chính trị của họ. Putin hết lòng tán thành luồng suy nghĩ này để cho rằng: “ngai vàng của Kiev giữ một vị trí thống trị của tổ tiên người Nga,” và đòi hỏi Ukraine phải thuộc về Liên Bang Nga. Trong bài viết này, Putin đã dựa vào lời của nhà tiên tri Oleg về Kiev “Hãy để nó là mẹ của tất cả các thành phố của Nga,” hầu thống lĩnh khu vực.

Bài viết nói trên đã cho thấy rõ mưu đồ của Tổng Thống Putin trong việc củng cố và bành trướng quyền lực của mình và nước Nga tại khu vực Âu Châu. Thứ nhất là giữ cho bằng được Belarus và Ukraine nằm trong gọng kềm của Nga. Thứ hai là buộc NATO trở lại trước năm 1997, tức hủy quy chế thành viên NATO của một số quốc gia từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô cũ để cho Nga tái xây dựng lại đế chế của mình như trước khi sụp đổ năm 1991.

Nói cách khác, Putin muốn thay đổi lại trật tự Âu Châu và mưu đồ này đã khởi động từ 2014 khi động binh chiếm Crimea và xúi giục người Nga tại vùng Donbass, phía Đông của Ukraine, nổi lên đòi tự trị để tạo một vùng trái độn của lực lượng thân Nga trong lãnh thổ Ukraine. Việc Nga chuyển một tài liệu tới Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với cáo buộc Ukraine đang phạm tội “diệt chủng” đối với những người nói tiếng Nga ở vùng Donbas là đang chuẩn bị kịch bản mà Hitler từng làm.

Năm 1938, Đức Quốc Xã đã đòi hỏi Anh, Pháp và các nước khác ở Âu Châu đồng ý nhượng vùng Sudetenland của Tiệp Khắc với danh nghĩa “bảo vệ người dân nói tiếng Đức.” Thủ Tướng Anh Neville Chamberlain chấp nhận yêu cầu của Hitler. Sau khi tiếp thu vùng Sudetenland, Đức Quốc Xã động binh chiếm Tiệp Khắc, xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ vào đầu năm 1939.

Putin sẽ tấn công Ukraine?

Ngày 3 tháng Mười Một, 2021, Tình báo Ukraine hốt hoảng thông báo có 100.000 quân Nga với hơn 1.000 phương tiện cơ giới gồm xe tăng, thiết giáp, pháo binh đã tập trung tại khu vực biên giới cách Ukraine khoảng 250 cây số. Một tuần sau, ngày 10 tháng Mười Một, NATO đưa ra cảnh báo Nga về “hành vi gây hấn” sau khi Hoa Kỳ phát hiện “các đợt điều động binh sĩ và khí tài bất thường” của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine.

Trước những thông tin nói trên, Tổng Thống Putin lên tiếng cáo buộc các nước trong khối NATO đã cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine và tiến hành các cuộc diễn tập quân sự “khiêu khích Nga,” nên buộc lòng Nga phải đưa 100 ngàn quân đến gần biên giới Ukraine để bảo vệ lực lượng ly khai vùng Donbass đang bị chính quyền Ukraine đe dọa, đồng thời yêu cầu NATO đưa ra bảo đảm mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine không bao giờ được kết nạp vào liên minh NATO.

Ngày 7 tháng Mười Hai, 2021, trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai Tổng Thống Biden và Putin, ông Biden cảnh báo rằng sẽ “trừng phạt kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp khác” nếu Putin phát động chiến dịch tấn công Ukraine. Ngày 16 tháng Mười Hai, Liên Minh Âu Châu (EU) và NATO cảnh báo về “những hậu quả chiến lược to lớn nếu Nga phát động tấn công vào lãnh thổ Ukraine.”

Để phản đòn về những áp lực của Hoa Kỳ và NATO, Nga đưa ra 8 yêu sách vào ngày 17 tháng Mười Hai, được coi là “lằn ranh đỏ” mà Nga muốn Hoa Kỳ và NATO phải đáp ứng như: NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí ra khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan; NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz (Caucasus) nếu chưa có sự đồng ý của Nga. Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.

Phản ứng chung của Hoa Kỳ và NATO là không chấp nhận 8 yêu sách của Nga, đặc biệt khối NATO bác bỏ mọi thỏa thuận có điều khoản ngăn Ukraine gia nhập liên minh, cho rằng điều này phụ thuộc vào Kiev và 30 quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, để tỏ thiện chí và tìm cách xoa dịu căng thẳng, đại diện Nga, Hoa Kỳ và NATO đã găp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 10 tháng Giêng, 2022, nhưng sau vài buổi họp tay ba, họ đã đi vào bế tắc vì bất đồng quá trầm trọng. Nói cách khác, giải pháp ngoại giao mà Nga chờ đợi Hoa Kỳ và NATO chấp nhận các yêu sách của Điện Cẩm Linh hoàn toàn bế tắc.

Ngày 14 tháng Giêng, 2022, Nga tấn công mạng quy mô khiến nhiều trang web quan trọng của chính phủ Ukraine bị đánh sập. Ba ngày sau, ngày 17 tháng Giêng, Nga đưa nhiều đơn vị đến Belarus tham gia các hoạt động trong khuôn khổ tập trận để củng cố năng lực “chống hành vi xâm lược từ bên ngoài” nhắm vào thành viên  liên minh Nga và Belarus. Hoa Kỳ và NATO cho rằng Tổng Thống Putin đã thật sự chuẩn bị chiến tranh nên Hoa Kỳ đã yêu cầu thân nhân các nhân viên ngoại giao ở Ukraine về nước, và cảnh báo công dân Mỹ không đến các nước Đông Âu vào lúc này.

Trong lúc đối phó với Hoa Kỳ và NATO, Tổng Thống Putin đã bay đến Bắc Kinh vào ngày 4 tháng Hai, vừa “hỗ trợ” tinh thần lễ khai mạc Olympic Mùa Đông 2022 đang bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây tẩy chay vì những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, vừa tìm kiếm sự hậu thuẫn của Tập Cận Bình qua việc ký thông cáo hợp tác chung giữa hai nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bận rộn tổ chức Olympic và không muốn những bất ổn của thế giới bùng phát vào lúc này, nên có thể đây là “yêu cầu” khiến ông Putin để ngỏ khả năng giải quyết căng thẳng thông qua ngoại giao.

Hiện có hai luồng dư luận liên quan đến câu hỏi liệu Nga có tấn công vào Ukraine hay không?

Thứ nhất, sau những nỗ lực ngoại giao thất bại, Nga sẽ tấn công Ukraine ngay sau khi Olympic 2022 bế mạc. Có ba kịch bản xâm lược được đưa ra tùy theo Putin muốn gì trong đợt tấn công này:

Kịch bản 1: Làm phân hóa Ukraine bằng cách công nhận và sáp nhập hai tỉnh Donetsk và Luhansk thuộc khu vực Donbass vào nước Nga như cách Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia hai khu vực ly khai của Georgia. Điều này cho phép Nga tránh leo thang quân sự nhưng vẫn đạt chiến thắng. Tuy nhiên, với kịch bản này, ông Putin không giải quyết được mưu đồ của mình vì Hoa Kỳ và NATO sẽ đáp trả bằng cách tăng cường phòng thủ ở phía Đông, dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh mà Điện Cẩm Linh muốn tránh.

Kịch bản 2: Mở cuộc tấn công hạn chế để chiếm vùng Donbass và một tỉnh ở miền Đông của Ukraine gồm hải cảng Mariupol, thành phố công nghiệp Kharkiv. Qua kịch bản này, Nga sẽ chiếm các cảng quan trọng dọc theo bờ biển phía Nam của Ukraine, khiến cho Ukraine có thể rơi vào tình trạng bị phong tỏa từ bên ngoài. Nhưng lực lượng của Nga sẽ phải đối mặt với cuộc chiến trong thành phố vô cùng khó khăn, và có thể bị sa lầy vì bị tiêu hao lớn do những đánh phá du kích của lực lượng dân quân Ukraine.

Kịch bản 3: Tấn công toàn diện vào lãnh thổ Ukraine với các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển và kể cả tấn công mạng. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất và thuận lợi cho Nga vì Nga sẽ thiết lập ưu thế trên không và hải quân càng nhanh càng tốt. Trong khi đó Nga điều lực lượng trên bộ tiến về phía Kharkiv và Sumy ở phía Đông Bắc, các lực lượng đóng ở Donbass, Crimea tiến về phía Nam và Đông của Ukraine. Lực lượng Nga từ Belarus tiến vào Kiev, vừa ngăn chặn lực lượng Ukraine tăng viện từ phía Nam và phía Đông và đẩy nhanh sự đầu hàng của chính quyền Ukraine. Nga sẽ chiếm đóng một thời gian và rút lui sau khi đạt được một giải pháp ngoại giao thuận lợi.

Thứ hai, Nga chỉ tạo ra những áp lực để đo lường phản ứng của Hoa Kỳ và NATO và qua đó, buộc Ukraine phải thi hành Thỏa Thuận Minsk II ký vào năm 2015 nhằm đối thoại với phe ly khai tại vùng Donbass mà Nga đứng phía sau.

Putin chưa dám tấn công Ukraine vì biết là sẽ phải đối đầu với sự trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Âu lớn chưa từng có. Trong những công cụ trừng phạt này, SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication – Hiệp Hội Viễn Thông Tài Chính Liên Ngân Hàng Toàn Cầu) được coi là “biện pháp trừng phạt hạt nhân” có tác động mạnh nhất tới Nga.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới. Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính trên thế giới gần như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước này, gây cú sốc bất ngờ cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt những bên mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng Mỹ Kim.

Viễn cảnh xung đột Nga – Ukraine

Đêm giao thừa năm 1999, Putin được cố Tổng Thống Nga Boris Yeltsin nhượng quyền lên lãnh đạo nước Nga trong bối cảnh suy thoái toàn diện vì cuộc khủng hoảng kinh tế và những rối ren từ cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996). Trong phát biểu vào đầu năm 2000, tân Tổng Thống Putin đã cam kết trước quốc dân rằng “Vẫn còn quá sớm để xóa bỏ tư cách cường quốc của Nga. Tôi sẽ đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới.”

Trải qua 20 năm (2000-2020)  thăng trầm của nước Nga, Putin bao giờ cũng đau đáu về sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và luôn luôn chờ đợi thời cơ phục hoạt lại quyền lực của nước Nga như trước năm 1991. Putin cũng như Tập Cận Bình cho rằng nước Mỹ đang suy yếu, và việc Tổng Thống Donald Trump quyết định đàm phán với Taliban để rút quân ra khỏi Afghanistan bằng mọi giá từ năm 2018 đã là cơ hội cho Putin bắt đầu chuẩn bị cuộc trường chinh phục hoạt quyền lực của Nga tại Âu Châu, mà việc động binh vùng biên giới Ukraine vào tháng Mười Một, 2021 chỉ là bước khởi đầu.

Do đó, nếu vì một lý do nào đó, Putin không tấn công Ukraine vào lúc này thì cuộc chiến cũng sẽ bùng nổ trong tương lai khi mà Putin đã và đang chuẩn bị để lãnh đạo nước Nga suốt đời. Putin và cả Tập Cận Bình tin rằng khi Hoa Kỳ phải đối đầu với hai trận chiến: Ukraine với Nga và Đài Loan/Biển Đông với Trung Quốc sẽ bị phân tản lực lượng và buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận một trật tự thế giới mới với sự chi phối của ba cường quốc Hoa Kỳ – Nga – Trung Quốc.

Vì thế sự căng thẳng Nga – Ukraine hiện nay không chỉ là xung đột cục bộ tại Âu Châu mà chính Trung Quốc đang theo dõi các phản ứng của Hoa Kỳ và Liên Âu rất sát, chuẩn bị cho thế trận thống nhất Đài Loan và khống chế Biển Đông nhằm thay đổi trật tự tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá rằng những căng thẳng hiện nay dẫn đến các cuộc đột biến chính trị tại Ukraine và Đài Loan/Biển Đông sẽ xảy ra trong khung thời gian từ năm 2022 đến năm 2027 vì hai lý do:

Một là Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng phân hóa chính trị nội bộ một cách trầm trọng nên sẽ không đủ ý chí để can thiệp vào hai cuộc chiến nói trên xảy ra cùng lúc.

Hai là cả Putin và Tập Cận Bình đang chạy đua với thời gian để vừa củng cố quyền lực độc tôn, vừa muốn để lại di sản đã đưa nước Nga và Trung Quốc lên vị trí ngang hàng hoặc hơn Hoa Kỳ.

Tóm lại, căng thẳng Nga – Ukraine không đơn thuần là vấn đề an ninh khu vực mà chỉ là khởi điểm của một thế trận nhằm thách thức Hoa Kỳ và khối NATO để giúp cho Putin lượng định khả năng và lúc nào có thể phục hoạt lại đế chế Liên Xô cũ. Cả Tập và Putin cùng đang ngầm cộng tác để: Củng cố “đế chế” của mình, vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới; thách thức và làm soi mòn thế giới tự do, nếu được, hầu thỏa mãn bản chất xâm lược và tuyên dương sức mạnh của chủ nghĩa độc tài trước tình trạng phân hóa nội bộ của Mỹ.

Lý Thái Hùng

- Quảng Cáo -