TS Phạm Đình Bá (VNTB)
Bảo vệ môi trường là trốn thuế ?!
Theo cơ sở lý luận của tập đoàn lãnh đạo hiện nay, những người trong xã hội dân sự làm việc để bảo vệ môi trường thì phải bị truy tố là trốn thuế. Những người trong đảng làm việc bảo vệ môi trường thì bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Ngược lại, lãnh đạo nhỏ to có toàn quyền tàn phá môi trường để làm tiền, làm tiền và làm tiền cho lãnh đạo to thì “đời đời bền vững”.
Bảo vệ môi trường là trốn thuế – Bà Ngụy Thị Khanh, người nhận giải thưởng môi trường Goldman danh giá đầu tiên của Việt Nam, đã bị bắt vì tội trốn thuế.[1] Bà Khanh là người sáng lập và giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID. Bà đã bị bắt giam vào tháng trước, nhưng việc giam giữ bà ấy mới được truyền thông nhà nước xác nhận vào ngày 9 tháng 2 năm 2022. Bà Khanh, người đoạt giải Goldman năm 2018, đã vận động để Việt Nam áp dụng các chiến lược năng lượng xanh, vì vậy đưa bà ấy đến mâu thuẫn với tham vọng thúc đẩy sản xuất than của nhà nước và các tập đoàn liên hệ.
Vụ bắt giữ bà Khanh đã gây ra một cú sốc lớn cho những người hoạt động cho môi trường cũng như toàn bộ các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam.[2] Vụ nầy là hành động tiếp theo của cơ quan công an Việt Nam đối với các nhóm xã hội dân sự. Trước đó, cơ quan công an đã bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC), và ngày 11/1/2022, ông Lợi bị tòa án Hà Nội tuyên bốn năm tù. Vào ngày 24/1, luật gia về môi trường Đặng Đình Bách- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD) cũng bị tuyên án năm năm tù. Điều đáng nói là cả ông Lợi, ông Bách đều bị bắt giữ và tuy tố với tội danh tương tự như của bà Khanh – tội trốn thuế.
Tàn phá môi trường là lãnh đạo – Chuyện nầy thì đếm không xuể. Lầy ví dụ về bảo vệ và tàn phá môi trường ở bán đảo và ngọn núi Sơn Trà ở phía đông bắc thành phố Đà Nẵng.[3] Núi Sơn Trà cao gần 700m, được bao phủ bởi hơn 4.000ha rừng với hệ động, thực vật phong phú. Bán đảo Sơn Trà có 4.400ha được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên vào năm 1992. Đến cuối năm 2016, diện tích này bị mất đi 1/4, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận sử dụng phần đất này để phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia.
Theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng (1934-2005), những năm sau 1975, Sơn Trà vẫn là rừng nguyên sinh chưa từng có dấu vết của con người, với thiên nhiên vô cùng hùng vĩ.[4] Giáo sư Vượng gọi ông Hoàng Đình Bá, nhà khoa học và Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam Đà Nẵng những năm ấy, là ông “Thần Rừng”. Sau năm 1975, dưới sự điều khiển của ông, ngành lâm nghiệp tỉnh này đã căn bản phủ xanh toàn bộ đất trống đồi núi trọc chỉ hơn 2 năm. Lúc ấy, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công gọi ông Bá là con chim đầu đàn về lâm sinh không chỉ của Việt Nam mà là của cả Đông Nam Á.
Thế rồi, ông “Thần Rừng” đã bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu sau đó.[4] Ông bị kết tội là “tù binh của giai cấp tư sản”, do ông đã tận dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế để khôi phục và bảo vệ rừng, gắn việc khôi phục và bảo vệ rừng với lợi ích chính đáng của người dân.
Theo giáo sư Vượng – “Sơn Trà là thực thể thiên nhiên viên mãn, vẻ đẹp của nó chỉ có thể chiêm ngưỡng từ xa, đi trong đó như chúng tôi, dù bất khả kháng, nhưng cũng đã là sự thô lỗ bất kính rồi, huống hồ là “băm nát” nó.” Giáo sư đã viết một bút ký dài “Rừng vẫn chưa xanh lá” về cuộc đời ông Bá cùng số phận điêu linh của những cánh rừng, đăng trên tạp chí Đất Quảng vào năm 1989.[4]
Thế rồi, vì bài báo đó mà sau khi giáo sư Vượng rời Đà Nẵng ra Hà Nội vào năm 1991, chi bộ đảng đã gọi về thi hành kỷ luật “cảnh cáo”. Thủ trưởng cơ quan của ông Vượng xem ra rất áy náy, ông nói ông phải truyền đạt lại ý kiến của lãnh đạo tỉnh rằng “Nội dung bài viết thì đúng rồi, nhưng đồng chí là đảng viên mà lật lại một quyết định của Tỉnh ủy là đồng chí mắc sai phạm”.[4]
Thay lời kết: Tôi xin hỏi cơ quan công an vài câu hỏi. Đầu tiên, nếu bà Ngụy Thị Khanh, luật gia Đặng Đình Bách, nhà báo Mai Phan Lợi, giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà khoa học Hoàng Đình Bá và những người trong xã hội dân sự không đứng lên bảo vệ môi trường thì ai sẽ làm việc đó? Nếu họ không làm, thì chúng nó thiểu số lãnh đạo, gia đình và các tập đoàn do chúng dàn dựng lên để làm giàu, làm giàu và làm giàu sẽ hủy hoại môi trường sống của dân ta đến mức nào? Sau khi đảng cộng sản Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ sau cuộc cạnh tranh hệ thống với các nước có hệ thống xã hội mở,[5] khi dân ta sẽ xuống đường để đòi hỏi một trật tự xã hội mới, thì có bao nhiêu nhân viên công an có lương tâm để đứng về phía dân oan, dân nghèo và dân tộc? Ai trong các ông sẽ là những người đặt đất nước trên việc làm tiền, như cựu Đại tá An ninh Nguyễn Đăng Quang,[6] và cựu sĩ quan công an Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh?[7] Bộ các ông công an cứ tưởng là đời đời không đổi thay, phải vậy chăng?
__________________
Tài liệu:
Humphrey, C. Award-winning Vietnamese environmentalist arrested as rights groups fear ‘clamp down’. Wed 9 Feb 2022; Available from: https://www.theguardian.com/…/award-winning-vietnamese….
RFA. Có hay không bàn tay của Trung Quốc trong vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường? 10/02/2022 February 13, 2022]; Available from: https://www.rfa.org/…/is-china-involved-in-arrest-of-a….
Wikipedia. Sơn Trà. [cited February 13, 2022; Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C6%A1n_Tr%C3%A0.
Sơn Trà ký sự – Kỳ 1: Chuyện về ông “thần rừng”. 04/05/2017 [cited February 13, 2022; Available from: https://www.thiennhien.net/…/son-tra-ky-su-ky-1-chuyen…/.
White House. Summit for Democracy Summary of Proceedings December 23, 2021; Available from: https://www.whitehouse.gov/…/summit-for-democracy…/.
Mạc Văn Trang. Nguyễn Đăng Quang đã trở lại bình thường. 26-10-2019 [cited February 13, 2022; Available from: https://baotiengdan.com/…/nguyen-dang-quang-da-tro-lai…/.
Wikipedia. Anh Ba Sàm. February 13, 2022]; Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_Ba_S%C3%A0m.