Trọng Thành – RFI
Báo chí Nhật Bản hôm qua, 12/02/2022, giới thiệu Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà chính quyền Mỹ vừa công bố. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington kêu gọi “các quốc gia cùng chí hướng” nỗ lực vượt bậc để xây dựng những hợp tác đủ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. An ninh là nội dung xuyên suốt trong chiến lược. Bảo vệ an ninh tại eo biển Đài Loan là một trọng tâm.
Tài liệu chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (Indo-Pacific Strategy of the United States), dài 19 trang, công bố ngày 11/02/2022, tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy một “khu vực tự do và mở.” Hoa Kỳ nhấn mạnh “quyết tâm củng cố vị thế lâu dài” của nước Mỹ tại Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong số các hành động chính sẽ được thực hiện trong vòng từ 12 đến 24 tháng tới, chính quyền Biden cho biết sẽ tăng cường “khả năng răn đe” chống lại các hành động quân sự nhắm vào Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác.
Theo chiến lược vừa được công bố, Trung Quốc, thông qua các hành động “ép buộc và gây hấn,” đang theo đuổi mục tiêu mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực, và tìm cách trở thành “cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới.” “Các quốc gia cùng chí hướng” với Hoa Kỳ cần xây dựng được các “hợp tác chưa từng có” trong thập niên mang tính quyết định này, để chống lại mưu toan của Bắc Kinh “làm thay đổi các quy tắc và chuẩn mực,” mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới đang “được thụ hưởng.”
Đài Loan, Đông Nam Á và Nam Á là các khu vực trọng tâm. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ lo ngại về áp lực gia tăng của Trung Quốc với Đài Loan. Washington khẳng định “các đối tác trong và ngoài khu vực” cần nỗ lực đóng góp để “duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc hỗ trợ khả năng tự vệ của đảo.” Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ đặc biệt khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc, vượt qua những bất đồng sâu sắc do nhiều tranh chấp về lịch sử và lãnh thổ, để tăng cường hợp tác, bởi “gần như mọi thách thức lớn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương” đều đòi hỏi sự hợp tác đặc biệt chặt chẽ Nhật – Hàn, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Á.
Chính quyền Biden dự kiến tăng cường 5 hiệp ước liên minh với các quốc gia tại khu vực (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan). Ngoài 5 hiệp ước liên minh song phương nói trên, Chiến lược của Mỹ nhấn mạnh đến hợp tác với “các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các đảo Thái Bình Dương.”
Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản) cũng sẽ được củng cố như một nhóm khu vực “hàng đầu” có sứ mạng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như ứng phó với đại dịch Covid, hay hợp tác về chuỗi cung ứng. Chính quyền Biden cũng sẽ mở rộng các hợp tác của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt trong việc “tư vấn, huấn luyện, triển khai và xây dựng lực lượng.”