Thiết lập tâm thế bình đẳng, dân chủ, và sự chững chạc bằng ngôn ngữ

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

“Con học sinh” là để phân biệt với thằng học sinh hay để phân biệt với con chó, con mèo, con gà, con lợn? Thương tiếng nước tôi…

Trường học (nhiều trường), nơi dạy và giữ gìn tiếng nói dân tộc, lại đang đều cùng nhau viết sai một cách ngớ ngẩn là “các con học sinh” và nhiều cái sai ngờ nghệch khác nữa, rồi đăng công khai trên web. Mà lạ, không giáo viên nào thấy giật mình nữa ư? Phá hỏng ngôn ngữ là một tội ác, tội ác hủy diệt văn hóa và con người mà không cần dao súng.

Chưa hết. Gọi học sinh là “con”, hãy dẹp cái lối xưng hô kẻ cả/thảo mai nhão nhoẹt ấy đi. Tôi thấy nhiều người, cấp 1, cấp 2, cấp 3, kể cả đại học, vẫn cứ xơi xơi gọi người học là “con”. Xưng “tôi” và gọi “trò”, bằng không thì cũng “thầy/cô” và “em”.

- Quảng Cáo -

Lên phường mà xưng con/cháu/em với nhân viên chính quyền là hỏng rồi. Học sinh và nhất là sinh viên, phải chăng cũng nên xưng tôi với giáo viên, giảng viên?

Ngôn ngữ là một nhà tù vô hình của tính cách và linh hồn. “Ngôn ngữ hướng dẫn thế giới quan” và tâm thế, hành vi của người nói. Người Việt nên tập xưng “tôi” trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là vai dưới đối với vai trên. Đó là một cách để thiết lập tâm thế bình đẳng, dân chủ, và sự chững chạc, đặng ra khỏi sự yếu nhược và tôn ti, để mà lớn lên, để giải thoát/giải phóng con người./.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -