Tối 24/1/2022 vợ chồng tôi nhận được Thư Mời dự buổi “Lễ Tri ân Người Phụng Sự” từ cô Đặng Thị Thu Huyền. Đến nơi mới biết, CLB và cũng chính là “Bếp ăn 0 đồng” Tâm Vui và Tía Tô … tổ chức tri ân những người đã góp công sức, nguồn lực giúp cho những “Bếp ăn không đồng” hoạt động mấy tháng để hỗ trợ chống dịch covid-19 diễn ra khốc liệt tại TP Hồ Chí Minh.
Kim Chi được mời với tư cách người đã vận động được một số bạn bè, học sinh cũ góp phần hỗ trợ mấy “bếp ăn không đồng”; tôi tham dự với tư cách người đã viết bài cổ vũ, động viên những việc làm thiện nguyện dấn thân không biết mệt mỏi, giữa đại dịch của các CLB này…
Đến đây mới được gặp mặt những người thật, nghe kể những câu chuyện thật vô cùng cảm động. Cô Đặng Thị Thu Huyền – Chủ nhiệm CLB Tâm Vui, cô Lê Thị Ngân – Chủ nhiệm CLB Tía Tô đều là những Phật tử đã làm cơm chay trợ giúp các bệnh nhân ung thư, bệnh nhi… từ lâu, lúc thấy dịch covid bùng phát thì chuyển sang phục vụ bệnh nhân covid. Lúc đầu nghĩ là chỉ phục vụ các bệnh nhân ăn chay, sau rồi các bệnh nhân khác và cả các bác sĩ, nhân viên y tế cũng thích được ăn những bữa cơm/cháo chay thực dưỡng; và không ngờ cứ bị cuốn vào “cơn lốc” covid suốt mấy tháng liền, mỗi ngày làm việc đến 14 -15 tiếng, cho đến tháng 11 thì hai cô Chủ nhiệm và nhiều thành viên kiệt sức phải nghỉ đi dưỡng sức hơn một tháng… Những bếp ăn này thu hút nhiều tình nguyện viên hầu hết là Phật tử, người nào mệt thì tạm nghỉ, người khác lại tiếp sức; cao điểm có ngày làm đến hơn 3000 suất cơm, rồi còn chè/ súp/ bánh… phục vụ bữa ăn phụ cho các bác sĩ, nhân viên y tế…
Đội ngũ phục vụ (phụng sự) gồm những người cung cấp thực phẩm, những người chế biến, những người đưa thức ăn vào bệnh viện… đều làm việc thiện nguyện hết mình, mà phần nhiều là phụ nữ.
Tôi đặc biệt quan tâm đến sự chia sẻ của bác sĩ Khang. Bác sĩ cho biết, ông đã ở bệnh viện suốt từ tháng 7 đến tháng 11 mới về nhà, nhiều anh em đến tháng 12 mới được về. Những ngày đầu, vô cùng vất vả, khó tả nổi. Những ngày ấy mệt quá, thấy những bệnh nhân ăn cơm chay, nhiều bác sĩ, y tá cũng ăn cơm chay thấy dễ ăn, nhẹ người hơn… Ông hết sức cảm phục và biết ơn những bếp ăn này đã bền bỉ, bám sát nhu cầu ăn uống của bệnh nhân, nhân viên y tế để cung cấp những món ăn, nước uống hợp khẩu vị, trong một môi trường làm việc vô cùng căng thẳng, vất vả dài ngày …
Lúc nghỉ chờ tặng quà, tôi tranh thủ hỏi ông: Anh nói, theo dõi các bệnh nhân, thấy những người ăn chay thường dễ vượt qua covid hơn, vì lẽ gì?
Qua câu chuyện trao đổi, có thể rút ra mấy điều khá thú vị.
Một là, người ăn chay ít mập, ít bị mỡ máu… máu ít bị vón cục như những người ăn nhậu nhiều thịt, thường mập và nhiều bệnh nền…
Hai là, người ăn chay thường tu tập Thiền, nên biết thở sâu; còn nhiều người không học thở, nên không biết thở khi phổi bị tổn thương; họ cứ ngáp như cá trên cạn, không biết “thở bụng”… Nghe chuyện người lớn mà “không biết thở”, hơi buồn cười, nhưng đó là chuyện thật!
Ba là, yếu tố tinh thần. Nhiều người, nhất là những người trẻ khoẻ, khi bị nhiễm covid thì chủ quan, nhưng khi chuyển nặng thì hoang mang, hoảng loạn, rất nguy hiểm. Trong khi đó những người có tu tập nhận thức được lẽ vô thường và tâm họ an định hơn, họ bình tĩnh, tự tin hơn trong lúc chữa trị. Yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng…
Hoà thượng Thích Bửu Chánh khi thuyết pháp cũng nhấn mạnh yếu tố tinh thần nhất là tình thương yêu đã giúp rất nhiều cho dân ta vượt qua đại dịch. Và đừng có sợ. Cái chết không đáng sợ bằng nỗi sợ chết!
Lúc chia tay, cô Thu Huyền còn tâm sự với Kim Chi:
Em là một Phật tử Thuần Thành, hiểu sâu giáo lý Phật đà, tin sâu nhân quả và ước nguyện Cuối Cùng là tiếp nối sự trao truyền của các bậc Minh Sư thực hành Bồ Tát đạo.
Suốt thời gian tâm dịch ở Sài Gòn và cho đến bây giờ, em vẫn làm thiện nguyện trong lặng lẽ âm thầm, tận tâm tận lực với ước nguyện duy nhất mong sao chia bớt những nỗi khổ niềm đau của những người kém may mắn. Chia sẻ những khó khăn cũng như khích lệ động viên những người đang âm thầm lặng lẽ hy sinh vì đại dịch. Em không muốn nói gì về mình nhưng lại muốn ghi ơn và tri ân công hạnh những người đã hiểu, đồng hành và ủng hộ việc em làm.
Em dành tất cả tình yêu thương và tri ân sâu sắc đến các bậc Minh Sư, các bậc thiện tri thức, các bậc Trưởng Lão tiền bối đã tin tưởng để em vững vàng dấn thân phụng sự vô điều kiện.
Thành kính tri ân đến Chư Tăng Ni Chùa Từ Hiếu quận 8, Quan Âm Tu Viện Phú Nhuận, Tịnh Thất Lộc Uyển Hóc Môn, Chùa Kiều Đàm quận 9, Chùa Phổ Quang Di Linh Lâm Đồng… đã cho con cơ hội để phụng hiến.
Biết ơn Quý Đạo Hữu Tri thức: Nghệ Sỹ Kim Chi, Tú Lan, Trinh Huỳnh, Thị Cúc, Thi Thi… đã cùng đồng hành trên hành trình thiện nguyện.
Nơi diễn ra Lễ Tri ân là Tịnh thất tư nhân, có tên: “TRI ÁM NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO”, nơi sưu tập, bảo tồn Nghệ thuật Phật giáo rất công phu và tuyệt đẹp; đồng thời đây cũng là một địa điểm thờ Phật, sinh hoạt tâm linh. Tôi sẽ giới thiệu sau về địa điểm tuyệt diệu này./.
Mạc Văn Trang