Khi người dân giúp nhau mùa dịch

- Quảng Cáo -

NguyenTrangNhung’s blog

“Giúp nhau mùa dịch” là tên gọi của một số page và group Facebook được lập ra để trợ giúp về y tế, nhu yếu phẩm và một số phương diện khác cho những người gặp khó khăn do dịch bệnh.

Các page, group được lập ra (có lẽ phần nhiều là gần đây) bởi các cá nhân, nhóm tình nguyện, trong số đó có các y bác sỹ, các nhân viên y tế và cả những người hoạt động ngoài ngành y.

Group nổi bật nhất, được thành lập vào ngày 12/7 bởi bác sỹ Phan Xuân Trung (Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo, TP. HCM), đến nay có hơn 355 ngàn thành viên.[1] Các group ít hơn có số thành viên lên đến vài chục ngàn.

- Quảng Cáo -

Hoạt động chung của các page, group này là phát đi các thông điệp tìm kiếm trợ giúp và cung cấp trợ giúp, của một bên là những người cần được trợ giúp, và một bên là những người muốn trợ giúp, những nhà hảo tâm.

Về phía những người cần được trợ giúp, những thứ họ cần là phương tiện cấp cứu, vật tư về y tế, thuốc men, lời khuyên về tình trạng sức khỏe, thực phẩm, và có khi là cả sữa, bỉm cho trẻ nhỏ, v.v.

Về phía những người muốn trợ giúp, những thứ họ có cũng bao gồm như vậy, song thường thấy (trong khả năng của họ) là thuốc men, lời khuyên về tình trạng sức khỏe, thực phẩm, và tiền.

Riêng group của bác sỹ Phan Xuân Trung, mới đây, đã đưa vào hoạt động đường dây nóng để trợ giúp các trường hợp cấp cứu, hoặc liên quan đến Covid-19 và giải đáp các vấn đề khác.

Bênh cạnh các page, group Facebook, cần kể đến ứng dụng SOSmap của công ty TNHH công nghệ XTEX và một số nhà đồng phát triển, với chương trình “Yêu thương mùa Covid 2011” nhằm trợ giúp về nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn.[2]

Qua các cầu nối ấy, những người cần được trợ giúp và những người muốn trợ giúp đến với nhau, và sự trợ giúp từ những người muốn trợ giúp thường diễn ra nhanh chóng hơn bất cứ sự trợ giúp tương ứng nào từ phía chính quyền.

Trong khi chính quyền tỏ ra bối rối khi đối diện và giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch bệnh – vốn thuộc trách nhiệm của họ – các cầu nối như vậy, đối với nhiều người, đã trở thành những chiếc phao cứu sinh.

Nhiều người, trong hoàn cảnh bản thân hoặc người nhà ốm đau, bệnh tật, được đưa ra lời khuyên và được cung cấp thuốc men (có khi là miễn phí) để chữa trị.

Nhiều người khác, trong hoàn cảnh thất nghiệp, không còn tiền lẫn thực phẩm, lại phải nuôi con nhỏ, nhận được từ đây trợ giúp có thể là cả thực phẩm lẫn tiền để duy trì cuộc sống.

Nhưng không có cầu nối nào – với nguồn lực vốn khiêm tốn hơn nhiều so với nguồn lực của nhà nước – cùng các trở ngại khách quan, có thể trợ giúp tất cả hay hầu như tất cả mọi người.

Có những người đã mất người thân chỉ sau vài tiếng kêu gọi trợ giúp, vì tình huống cấp bách hoặc việc trợ giúp từ các cầu nối như vậy là bất khả thi.

Có những người – nhất là những người già, người nghèo, người neo đơn – vì những hạn chế về phương tiện hay kỹ năng, như không có smartphone, không có Internet, không biết tìm kiếm thông tin, có thể chẳng bao giờ tìm được các cầu nối ấy.

Để những tình huống đáng tiếc ít xảy ra hơn, cũng như để nhiều người được trợ giúp hơn, hẳn nhiên, câu chuyện sẽ không chỉ là các cầu nối cần hoạt động hiệu quả hơn, mà chính quyền cần có trách nhiệm hơn, trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của những người gặp khó khăn trong mùa dịch.

Chú thích:

[1] Group ‘Giúp nhau mùa dịch’ của BS. Phan Xuân Trung
https://www.facebook.com/groups/535988687600718

[2] Ứng dụng SOSmap
https://sosmap.net

- Quảng Cáo -