Hàn Lam (VNTB)
Rút tiền tháo chạy trước Tết xem ra là an toàn nhất trước những biến động màu sắc thanh trừng nội bộ Đảng từ các bản án tham nhũng
Cơn “sóng” cổ phiếu bất động sản dịp cuối năm 2021 đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư nhảy vào hòng kiếm được lợi nhuận cao, không ít người trong số đó đã lựa chọn “all-in” toàn bộ tài sản vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau những nhịp tăng kéo dài tới đầu năm 2022, cơn sóng đã hạ cao độ, tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư theo đó cũng giảm dần số lãi, thậm chí nhiều người vì nhảy vào đúng đỉnh giá mà phải “kẹp hàng” và gồng lỗ. Mất niềm tin vào chứng khoán, nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu không kể đó là mã “vịt” hay là “thiên nga”.
Tâm lý số đông đã rạn nứt khá rõ khi các câu chuyện về đầu cơ kiếm tiền nhanh hay “đu trend”, “phím hàng” đã trở thành bài học đắt giá cho F0 tức nhà đầu tư mới trên sàn chứng khoán.
Hiện nay trên thị trường đang lan truyền các thống kê và lập luận rằng hiện tượng liên đới margin call (gọi bổ sung ký quỹ) đang xảy ra khiến thị trường lao dốc, nghĩa là khi không bán được những hàng đang bị “nhốt” do mất thanh khoản như mã FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros)… thì sẽ bán liên đới các mã trong danh mục.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, theo công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin hiện tại vào khoảng 154 ngàn tỷ đồng. Hiện tại, xét về quy định thì các công ty chứng khoán vẫn chưa cho vay hết khả năng dư nợ của họ, vì lượng vốn dư nợ margin của các công ty chứng khoán hiện nay khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Về mặt lý thuyết, các công ty chứng khoán có thể cho vay margin thêm nữa.
Thị trường chứng khoán còn bị ảnh hưởng bởi việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, đi kèm cảnh báo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ siết dòng tín dụng vào nhóm bất động sản và chứng khoán, là đòn đánh mạnh vào nhóm này và tạo ra tâm lý ‘domino’ rõ rệt.
Đánh giá về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng rất nhiều cổ phiếu công ty bất động sản, xây dựng trên thị trường sụt giảm, nhưng không có thanh khoản, đặc biệt là nhóm cổ phiếu FLC. Khi giá sụt giảm và không có thanh khoản thì bản chất nhà đầu tư không thể bán được cổ phiếu này để cân bằng trạng thái vay ký quỹ. Khi đó, công ty chứng khoán phải bán những cổ phiếu khác trong tài khoản của nhà đầu tư có thanh khoản cao hơn, mà hầu hết các mã này lại thuộc danh mục những cổ phiếu lớn.
Đây là lý do cổ phiếu bất động sản giảm mạnh, mất thanh khoản lại kéo theo vô số các mã vốn hóa lớn trong ngành chứng khoán, phân bón, hóa chất giảm theo, dù đây đều là cổ phiếu của những công ty có lợi nhuận cao nhưng cũng bị bán mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, lượng margin có khuynh hướng giảm hơn do thị trường chung diễn biến chưa tích cực, và có thể một số nhà đầu tư mong muốn bán cổ phiếu trước Tết.
Kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khởi sắc, ở mức 5,5% năm 2022 so với 2,6% của năm 2021. Tỷ lệ chích vắc-xin Covid của Việt Nam ở mức rất cao, hàng đầu thế giới. Các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên tất cả tin tốt ấy vẫn phủ gam màu u ám của hàng loạt vụ án tham nhũng liên tục được bổ sung vào danh sách có tên “vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi”.
“Ban Chỉ đạo” là cách nói tắt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Trưởng ban.
Rút tiền tháo chạy trước Tết xem ra là an toàn nhất trước những biến động màu sắc thanh trừng nội bộ Đảng từ các bản án tham nhũng, mà đó còn vì chưa biết chừng biến chủng Omicron có lại tạo ra cơn hoảng loạn đến từ các quyết định ngăn sông, cấm chợ như từng xảy ra với biến chủng Delta của con vi-rút Covid như hồi năm ngoái hay chăng…./.