TTO
Thôn “nhốt” cả gia đình 4 người suốt 7 ngày
Thông tin đến Tuổi Trẻ vào ngày 16-1, anh Nguyễn Xuân B. (38 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) bức xúc cho biết từ chiều ngày 9 cho đến 16-1, bố mẹ đẻ cùng 2 con của anh phải chịu cảnh “giam lỏng” trong nhà ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình) chỉ vì trở về từ “vùng đỏ” của Hải Phòng.
Trước đó, sau khi Hải Phòng công bố cấp độ dịch thuộc “vùng đỏ”, 2 con anh B. phải chuyển sang học trực tuyến nên gia đình tranh thủ nghỉ làm để đưa các con (10 tuổi và 7 tuổi) về gửi ông bà nội tại thôn Cao Bạt Lụ bằng xe cá nhân.
“Sau khi cho các cháu về nhà, mẹ tôi có chủ động đưa các cháu ra trạm y tế xã để khai báo y tế và làm test nhanh COVID-19, đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, cán bộ trạm y tế xã vẫn yêu cầu các con tôi phải cách ly y tế tại trạm.
Mẹ tôi xin cho các cháu về cách ly tại nhà thì trưởng thôn khóa trái cửa và cầm chìa khóa. Bố mẹ tôi và hai cháu nhỏ bị “giam lỏng” trong nhà từ ngày 9-1 đến ngày 16-1, dù ông bà và các cháu không tiếp xúc với người bị COVID-19, không phải là F1 mà chỉ từ vùng đỏ về”, anh B. bức xúc.
Ông Nguyễn Thành Khoa – chủ tịch UBND xã Nam Cao – cho biết xã không chỉ đạo hay quy định mà các trưởng thôn tùy trường hợp linh động xử lý để tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Dực – chủ tịch UBND huyện Kiến Xương – khẳng định huyện không chỉ đạo về việc “giam lỏng” này.
Ông Dực cho biết sẽ kiểm tra ngay và chấn chỉnh nếu đúng như nội dung người dân phản ảnh
***
PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh – kêu gọi các địa phương tạo điều kiện để người dân về quê đón Tết trong thời điểm Việt Nam đã chấp nhận ngưng chiến lược “Zero COVID”, chấp nhận có người nhiễm trong cộng đồng.
Ông Phu nói: “Chúng ta đã tiêm vắc xin đạt tỉ lệ cao, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Thay vì cấm đoán, chúng ta nên cần thống nhất việc thực hiện từ trên xuống dưới, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ra cát cứ, cảnh “ngăn sông cấm chợ” như trước đây”.
* Nhưng thưa ông, vẫn có một số địa phương yêu cầu cách ly người về quê. Trong tình hình dịch hiện nay có thật sự cần thiết?
– Theo tôi, việc cách ly và xét nghiệm, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể và hợp lý. Cụ thể, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã “thổi còi” một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Các địa phương nên tạo điều kiện cho người dân, người lao động xa quê về quê đón Tết an toàn.
* Để đảm bảo phòng dịch trong điều kiện có thêm biến chủng, nếu không yêu cầu cách ly thì nên ứng xử như thế nào để việc đi lại dịp Tết được thuận lợi hơn?
– Chúng ta cần phải làm tốt việc kiểm soát và phản ứng với rủi ro. Tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Vì thế, dù về quê ăn Tết thì người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh.
Người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, an toàn phòng dịch khi tham gia giao thông, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết.
Về quê cúng giỗ tổ tiên, gặp gỡ cha mẹ, con cái nhưng không tổ chức các hoạt động đông người, không nên tổ chức ăn uống linh đình, nên hạn chế thăm nom, tụ tập, và nhất thiết phải khai báo y tế…
Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vắc xin mà chủ quan, lơ là.
Với tình hình hiện nay, ông thấy Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng và có thể sống chung với dịch an toàn?
– Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường. Bên cạnh chủng virus Delta, chúng ta lại tiếp tục đối phó với chủng Omicron lây lan nhanh và có thể có những biến chủng tiếp theo. Tỉ lệ tiêm vắc xin trên toàn thế giới chưa đồng đều, nhiều nước tỉ lệ tiêm chưa cao, COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Nhưng tương lai COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, như cúm mùa chẳng hạn, khi mà chủng virus gây bệnh nhẹ đi về độc lực và nguy cơ, khi mà số người mắc nhiều lên nhưng không gây quá tải hệ thống y tế, tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu cao lên, có thuốc điều trị hiệu quả…
Trong lúc này, chúng ta có thể “chung sống với dịch” nhưng phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chung sống an toàn.
* Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn mới về phân loại cấp độ dịch. Theo ông, phân loại mới nên dựa vào các tiêu chí nào là phù hợp và cần thiết nhất?
– Việc sửa đổi phân loại cấp độ dịch là cần thiết vì hiện nay chúng ta đã tiêm vắc xin đạt tỉ lệ cao, tỉ lệ số ca nặng trên số ca nhiễm thấp hơn trước đây rất nhiều, chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch, trong điều trị, đặc biệt năng lực của y tế cơ sở trong việc tiếp cận người nhiễm để tư vấn, hướng dẫn, can thiệp y tế kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế…
Cần sửa cách đánh giá cấp độ dịch, để cách xếp cấp độ dịch phù hợp với thực tế hiện nay. Theo tôi, đánh giá cấp độ dịch vẫn phải dựa trên 3 tiêu chí của nghị quyết 128/CP của Chính phủ, đó là:
1 – Tỉ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
2 – Độ bao phủ vắc xin.
3 – Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Nguồn: Tuổi Trẻ