Căm ghét và khinh bỉ

- Quảng Cáo -

Huynh Ngoc Chenh

Mỗi lần ngồi uống nước thấy người tàn tật hoặc già nua nghèo khó mang xấp vé số đến mời thì cảm thấy thương và xót cho họ.

Nhưng càng thương xót những người già nua tàn tật phải lê la suốt ngày đi mời chào bán vé số thì càng căm giận các công ty xổ số và sở tài chính các tỉnh thành lẫn bộ tài chính.

Cái bọn đặt ra cái nghề kinh doanh mà lợi dụng triệt để lòng thương xót của cộng đồng đối với những người không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động để tăng doanh thu quả rất đáng để khinh bỉ và căm giận.

- Quảng Cáo -

Sáng nay, Tui ngồi uống ly cà phê trong 1/2 tiếng đồng hồ để chờ vào cơ quan làm thủ tục giấy tờ ở một thị trấn tại Đồng Nai mà có đến gần 10 người vào mời mua vé số. Người già nua có, trẻ em có, người tàn tật có.

Họ xử dụng một lực lượng lao động không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động để phát triển kinh doanh mà không hề có một chút trách nhiệm gì với những người lao động này. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm ngành nghề…

Họ còn cho rằng họ đã tạo công ăn việc làm cho những người bất hạnh này, thế mới tởm chứ.

Là công ty của nhà nước, của ngành tài chính thì phải gương mẫu chấp hành luật pháp, phải ký hợp đồng lao động với người bán vé số, không ký với trẻ em, người già nua, người tàn tật không còn sức lao động.

Trẻ em phải cưỡng bức đến trường, người già nua và tàn tật phải được chăm sóc bằng quỹ an sinh xã hội lấy từ tiền thuế đóng góp của toàn dân. Tổ chức, cá nhân nào buộc các thành phần trên lao động phải bị xử lý theo pháp luật.

Viết đến đây, tui lại chuyển tình cảm căm giận và khinh bỉ đến nhà nước này. 45 năm phát triển trong hoà bình, được cả thế giới trợ giúp hàng trăm tỉ đô la, bán đi không biết bao nhiêu tài nguyên của cha ông để lại, thu không biết bao nhiêu là thuế mà vẫn không bỏ ra đồng nào để lo cho an sinh xã hội, lo nuôi dưỡng người già, người tàn tật mất sức lao động.

Nhà nước này không có một chút tình thương đến với người dân cùng khổ./.

- Quảng Cáo -