Câu nói của bà Thêu lặp lại tới vài lần trong phiên toà “Ngày xưa khi làm cách mạng, người cộng sản kêu gọi bằng tuyên ngôn người cày có ruộng, đến khi giải phóng xong, lắm kẻ có chức quyền (bà Thêu nêu ra cụ thể một cái tên) có tới vài ngàn héc-ta đất, còn người dân như chúng tôi chưa được trăm mét đất. Thế mà bè lũ cướp đất còn đuổi tôi ra khỏi giai cấp nông dân, sống không có đất để làm, chết không có đất để chôn, trong khi đất đai là máu thịt thiêng liêng của người nông dân…”.
Bà ấy nói kể cả có đánh đập, có bắn chết, có kết án bao nhiêu năm thì bà vẫn cần phải được nói, cần phải được bảo vệ và đòi công bằng trước phiên toà đang xét xử mình. Và bà kể ra 13 năm đi khiếu kiện đất đai một cách ôn hoà hết sức tường tận, nhưng đã liên tục bị bắt giữ và còn bị buộc tội cũng như bị xét xử nhiều lần, song bà vẫn kiên trì để theo đuổi vụ kiện của mình cùng người dân Dương Nội.
Trong phiên toà, có một tình tiết mà Hội đồng xét xử cho rằng vì điều kiện khó khăn mà không đáp ứng được các đề nghị của luật sư, tôi nói rằng nếu đó là lý do để yêu cầu các luật sư thông cảm, thì tại phiên toà này, trước cả cuộc đời con người và với hoàn cảnh ngặt nghèo của bà Thêu lẫn cậu Tư, với thời gian và các khó khăn dài đẵng trong tuyệt vọng như thế, chẳng đáng để tất cả chúng ta phải đưa ra một cái nhìn cảm thông đúng nghĩa mà xem xét lại bản án này?
Bản án phúc thẩm vẫn giữ nguyên án sơ thẩm, với 8 năm tù và 3 năm quản chế cho mỗi người./.