“Gia đình nạn nhân cho biết, D đang học lớp 6. Do áp lực về việc học tập, tối 16.12 làm bài thi không tốt nên D đã nhảy từ tầng 22 xuống”.
Cái câu này nghe rất sáng sủa, rõ ràng về nguyên nhân cái chết của em nhưng kỳ thực, với tôi, nó mơ hồ và tù mù, thậm chí đánh tráo bản chất vấn đề.
Việc học xưa nay, Đông cũng như Tây, chuyện làm bài thi “không tốt” vốn là bình thường và gần như không thể tránh được. Nó là lẽ thường, nhất là ở các nước phương Tây. Nhưng vấn đề là tại sao nó không khiến những đứa bé phải nhảy lầu? Người ta không được phép chỉ trích, không được công khai điểm thi, không được phép dán nhãn giỏi dốt cho đứa trẻ chỉ vì điểm số bài thi của nó. Còn ở ta, nó công khai là một “giải pháp”, thậm chí nâng lên thành triết lý “thương cho roi cho vọt”.
Giáo dục (truyền đạt và thủ đắc tri thức) không phải là thủ phạm, dù nó có khó đến đâu; chính sự phi giáo dục mới giết người. Khi những người làm giáo dục (và cả phụ huynh) là những người vô giáo dục thì trong mắt họ sẽ không có con người. Chỉ có điểm số, chỉ có mục tiêu, chỉ có thành tích… Sự chai sạn, vô cảm ngự trị khắp nơi, không mấy ai còn cảm thức về tình yêu thương và sự tinh tế rung động trước con người nữa. Thế là chỉ trích, mắng nhiếc, đe dọa, quát tháo, sỉ nhục, trừng trị, bỏ rơi… Học trở thành một sự đày đọa.
Tôi gọi đó là nền giáo dục không có con người. Nó vận hành như một cỗ máy vô hồn được lập trình trước, cứ băng băng lao đi trên đường ray, và sẽ nghiền nát tất cả những gì nó đụng phải. Có chăng chỉ là một tiếng động chóng vánh do cú va chạm, rồi vẫn tiếp tục bình thản lao đi.
Chỉ có con người mới có thể giáo dục con người, robot và ma quỷ không thể làm được việc ấy.
Tự bản thân ngành giáo dục không thể cải cách thành công, càng không thể sửa đổi con người, dù nó có thiện chí đến đâu. Nhất là trong tình trạng tha hóa toàn diện này. Nó phải được bắt đầu từ bên trên./.
Thái Hạo