Như trong phần 1 đã trình bày, văn hóa có những đặc điểm:
– Tính vận động
– Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều
– Tính đa nguyên
– Tính kế thừa hoặc mai một
– Tính chính trị
– Tính chi phối
– Tính đại diện
– Tính trách nhiệm.
Một trường phái lớn, nhận được nhiều đồng thuận trên thế giới. Trường phái đó cho rằng, văn hóa là tất cả những cái đẹp của nhân loại. Trong quá trình vận động và tác động của xã hội loài người, những cái đẹp này được tạo ra, sử dụng rồi truyền bá, trao đổi giữa các quốc gia, cũng như giữa các dân tộc để học hỏi và chuyển giao cho nhau những điều tốt đẹp ấy, nhằm để nhân loại ngày càng cảm thông và dễ dàng chung sống với nhau trong hòa bình và nhân ái.
Chính sự cảm thông về văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc, từ đó tác động lên nền chính trị mọi quốc gia, rồi chính trị sẽ được cải sửa, sao cho thích nghi dần, theo xu hướng ngày càng văn minh.
Tuy nhiên, ở trường phái khác, văn hóa – nói chính xác hơn – là sản phẩm của loài người, do loài người tạo ra và phục vụ cho loài người, do đó văn hóa không chỉ là những cái đẹp cần kế thừa, truyền bá, học hỏi, chuyển giao lẫn nhau mà trên hết, văn hóa là những gì phù hợp với xã hội cụ thể, trong những quốc gia cụ thể. Điều này lý giải tại sao có những nền văn hóa, những nét văn hóa đã mai một dần trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Luận điểm này cũng nhằm giải thích thêm, có những loại hình văn hóa phù hợp với quốc gia này, dân tộc này nhưng không chắc được quốc gia khác, dân tộc khác chấp nhận.
Ngay tại Việt Nam, người ta dễ thấy những nét văn hóa ngày càng mất dần trong đời sống hiện tại, như: tảo hôn, thách cưới, môn đăng hộ đối về văn hóa kết hôn hoặc chèo cổ, hát bội về văn hóa âm nhạc hoặc cải lương cũng dần dần thu hẹp phạm vi hoạt động và tính kế thừa cũng dần dần mờ nhạt, giống như kinh kịch của Trung Hoa. Còn nhiều nét văn hóa cũng mai một dần, mặc dù không thể nói nó không đẹp, như: đi thưa về trình đối với thanh thiếu niên Việt ngày nay, ra đường gặp đám tang cần ngã mũ chào v.v…
Trong khi đó, có những nét văn hóa không ai có thể chấp nhận nhưng nó vẫn đang thể hiện dày đặc và sinh sôi rộng khắp tại Việt Nam, trong những năm gần đây. Đó là văn hóa ngoa ngôn (nói láo) và lộng ngôn (nói quá sự thật, tức là phóng đại, cường điệu sự vật – hiện tượng). Tại sao nét văn hóa này, dù rất xấu và nguy hại vô song trong đời sống mà nó ngày càng phát triển, theo chiều hướng thật sự đáng lo ngại ở mức cao nhứt, về nhân cách và nhân phẩm cho người Việt và đặc biệt đối với lớp trẻ Việt Nam? Bởi đơn giản, văn hóa là những gì phù hợp với xã hội cụ thể. Khi xã hội đó vẫn cần sự có mặt của nó thì nó không có lý do gì để mai một. Điều này sẽ khiến cho vô số người phải giựt nảy mình, khi soi chiếu lại hiện trạng văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn đang ngập tràn và lênh láng trong xã hội Việt Nam đương đại. Đó cũng chính là quốc đề gai góc, bắt buộc những nhà xã hội học, tâm lý học, chính trị học phải đau đầu suy nghĩ và dám nhìn thẳng vào sự thật, khi gắn kết văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn với tính chính trị trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Tại Việt Nam, văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn, ngày càng phát triển rộng về mặt địa lý và thấm rất sâu trên mọi lĩnh vực, với tốc độ nhanh dần – đều đặn, trong mọi ngành nghề, đang hiện diện tại Việt Nam. Để chứng minh điều này, cần nhắc về thuộc tính đại diện của văn hóa, với hai loại hình chiếm ngự lớn và chi phối rộng trong đời sống người Việt: Thể Thao (bóng đá – môn được coi là “vua”) và Âm Nhạc (vốn là nhu cầu tối thiểu nhứt nhưng cũng cao nhứt cho con người với đặc tính giải trí).
Trận bóng đá Việt Nam – Mã Lai Á mới nhứt với kết quả Việt Nam thắng đậm 3 – 0, đi kèm những lời bình luận viên trên sóng tivi, lộng ngôn tới mức, khiến ngay những người rất yêu thích bộ môn “thể thao vua” cũng cảm thấy khó chịu. Còn về những thể hiện trong đám đông cuồng nhiệt sau trận thắng, người ta sửng sốt về sự ngây ngất chiến thắng đội nhà, từ lớp trẻ với ngôn từ thô tục, bỉ ổi mà nó dường như đang trở thành bình thường, trên cửa miệng thanh niên ngày nay. Khi sự bình thường lên ngôi trong trường hợp như thế này, tất sự bất thường về nhân cách và nhân phẩm con người Việt Nam đã hiển hiện và chiếm ngự gần như là vị trí trung tâm với “tư cách” không thể thiếu được, để bày tỏ sự tự mãn hão huyền núp dưới danh nghĩa “tự hào dân tộc”. Tại đây, người ta thấy tính chính trị chi phối dữ dội nhưng thoạt nhìn qua bề ngoài, không mấy ai chịu nhìn nhận.
Tính chính trị chi phối văn hóa bóng đá và văn hóa xem bóng đá, không chỉ dừng lại ở những lời lẽ thô tục, bỉ ổi như vậy mà âm hộ phụ nữ đã được nhắc tới, kể cả trong trường hợp thắng hay thua. Âm hộ phụ nữ bỗng trở thành nơi tốt đẹp nhứt để ngợi ca, khi người hâm mộ bóng đá tạo một biểu tượng với hình dáng đó và gọi là “thần”; cũng từ cái tốt đẹp nhứt, bỗng biểu trưng hoàn hảo đó lọt tõm xuống tận đáy vực văn hóa bằng con chữ “vãi L…”. Nó xuất hiện rộng khắp, để cười cợt đội Mã Lai Á thua trận. Làm sao có thể hiểu được, sự cười cợt bên bại trận như vậy là văn hóa, nếu không chấp nhận văn hóa là những gì phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay (?). Thật khó chối cãi luận điểm – “nét văn hóa” này vẫn phù hợp với đời sống xã hội Việt Nam.
Trở lại tính đại diện của văn hóa ở lãnh vực Âm Nhạc, cô hoa hậu Việt Nam – Đỗ Thị Hà dự thi Hoa hậu Thế giới 2021. Trong phần dự thi tài năng, cô Hà dùng đàn T’rưng diễn tấu bản nhạc “Cô Gái Vót Chông”, vốn được nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác từ những năm thuộc thập niên 60′ thế kỷ trước, với ca từ gây rợn tóc gáy về cuộc chiến quá vãng của VNDCCH cùng chiến thắng được cho là “vẻ vang”, khi “xiên thây quân cướp nước” được hiểu rõ là quân nhân Hoa Kỳ. Dư luận chê cười cách cô hoa hậu Đỗ Thị Hà mang “văn hóa Việt Nam” ra trình diễn, trong bối cảnh người Mỹ viện trợ hơn 24 triệu liều dung dịch gọi là giúp người Việt Nam chủng ngừa cho cúm Tàu đang hoành hành dữ dội. Người ta cũng hiểu rõ, không phải tự nhiên cô Hà có quyền chơi bản nhạc cũ, vừa sắt máu vừa dã man như vậy, nếu như Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch không cho phép. Do đó, một lần nữa, cần khẳng định, văn hóa không bao giờ mang tính độc lập, như nhiều người nghĩ. Tính chính trị đã chi phối văn hóa. Hiện tượng cô hoa hậu chơi bản nhạc sắt máu cũng không thoát khỏi phạm vi văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn vốn thấm sâu trong người Việt, hàng chục năm qua.
Yêu thương – quý mến hay hận thù – ghét bỏ chỉ là vỏ bọc văn hóa núp dưới một thể chế chính trị đơn nguyên độc đảng tại Việt Nam hiện nay, mà người đời thường gọi “kẻ sống hai mặt”. Điều này không thể nào thể hiện rõ hơn, với chính sách “đu dây” trong lãnh vực ngoại giao – quốc phòng của nhà nước CHXHCNVN.(Còn nữa)