Trần Ngọc Thêm: Thêm một anh dở chứng!

Khẩu hiệu "Tiên học lễ - Hậu học văn" treo ở một cổng trường học. Ảnh: Dân Việt
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Mới đây, thêm một ông “dở chứng” xuất hiện làm cho cộng đồng mạng ồn ào sau vụ miếng thịt bò dát vàng của Tô Lâm. Nhân vật “dở chứng” này là Trần Ngọc Thêm, chức danh đầy đủ là Giáo Sư, Tiến Sĩ Khoa Học của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Cái “dở chứng” của ông Thêm là đề nghị nhà trường bỏ khái niệm “trồng người” và bỏ câu “Tiên học lễ – Hậu học văn.”

Trong một cuộc hội thảo giáo dục với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục của Quốc Hội tổ chức vào ngày 21 tháng Mười Một, ông Thêm đưa ra lý luận rằng tính thụ động là đặc trưng chính của người Việt Nam. Để xã hội phát triển, giáo dục phải tạo ra những con người chủ động từ đó mới có con người sáng tạo. Khi giáo dục đề cao chữ lễ, tức đề cao sự phục tùng, sự sáng tạo bị mất đi nên câu “Tiên học lễ – Hậu học văn” không còn phù hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Trong chế độ độc tài đảng trị, thỉnh thoảng người ta lại phát hiện một số anh có chức danh to bỗng phát ngôn sảng như người từ trên trời rơi xuống. Trước đây trong lãnh vực chữ nghĩa Tiếng Việt đã có ông “giáo sư” Hồ Ngọc Đại với công trình Sách Tiếng Việt Lớp 1 công nghệ giáo dục đã bị loại năm 2019. Rồi đến ông Phó Giáo Sư Bùi Hiền đưa ra phát minh cải tiến bộ chữ cái Tiếng Việt làm thiên hạ điên đầu. Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là những cách dạy tiếng Việt theo chủ quan của một vài cá nhân, nếu không áp dụng được thì những cái cải tiến thành cải lùi ấy sẽ bị đào thải theo thời gian cũng chẳng sao.

- Quảng Cáo -

Nay lại có ông Trần Ngọc Thêm tiến bộ hơn, mạnh dạn đề nghị bỏ hẳn câu “Tiên học lễ – Hậu học văn” vì cho rằng nó không hướng tới tài năng để phát triển sự sáng tạo, mà chỉ dạy và bắt đứa trẻ đi học phải vào khuôn mẫu tạo ra sự thụ động.

Khen chê một tư tưởng cũ hay đề nghị bỏ như ông Thêm làm cũng là chuyện bình thường, vì các trào lưu tư tưởng nhân loại vẫn luôn luôn bị vượt qua và thay thế khi chính nó không còn phù hợp trong đời sống. Chẳng hạn tư tưởng chủ nghĩa cộng sản, ngày nay sau một cuộc thử nghiệm kéo dài hàng trăm năm, đã thoái trào và chỉ còn giá trị nghiên cứu trong các thư viện. Nhưng trong phát biểu của mình, ông Trần Ngọc Thêm có 2 cái sai về ý niệm và chính sách.

Về ý niệm đào tạo con người, câu “Tiên học lễ – Hậu học văn” chỉ nói lên nhu cầu giúp cho người đi học biết lễ nghĩa trong đời sống hàng ngày giữa người và người, chứ không phải để tạo ra khuôn mẫu giết chết sự sáng tạo hoặc thần phục một lãnh tụ thần thánh nào đó.

Mặc dù có những ảnh hưởng của Nho Giáo không thể tránh khỏi, nhưng chữ “lễ” trong câu “Tiên học lễ…” của văn hóa Việt Nam không hoàn toàn nằm trong 5 giềng mối tổng quát của đạo Nho gọi là ngũ thường nhằm ổn định nhân tâm trong thời loạn lạc.

Do đó không thể kết luận như ông Thêm, chữ lễ ràng buộc sức sáng tạo con người làm cho xã hội không phát triển. Nhìn trong thực tế nền giáo dục Miền Bắc trước đây hoàn toàn xa rời câu “Tiên học lễ…” để hướng về chính sách “tiên học chủ nghĩa Mác-Lê” thế mà xã hội ngày càng chậm tiến, nghèo đói và tụt hậu mọi mặt. So với nửa nước còn lại, học sinh thời Việt Nam Cộng Hòa thấm nhuần “Tiên học lễ – Hậu học văn” nên trong nhà biết hiếu kính cha mẹ, trong trường biết kính trọng thầy cô, ra đường biết giúp đỡ người già cả thậm chí đứng lại dở nón khi đám tang đi qua. Đó là những nền móng của một xã hội phát triển mà sự xuất hiện không phải ngẫu nhiên. Không có ông Khổng Tử nào dạy hay ép buộc những điều đó, ngoài chữ lễ của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Còn về chính sách, nếu quốc gia coi trọng khoa học kỹ thuật, biết đào tạo và sử dụng người tài thì chữ lễ vẫn là yếu tố cần thiết để sáng tạo và phát triển. Thể chế toàn trị ở Việt Nam ngày nay không thể làm điều này mà muốn giữ độc quyền cai trị nên lấy chính sách giáo dục “hồng hơn chuyên” để đào tạo cán bộ trung thành với đảng.

Là người trong ngành giáo dục, đáng lẽ ông Giáo Sư Thêm cũng thừa biết cái họa chậm phát triển và tụt hậu hiện nay của Việt Nam không đến từ “Tiên học lễ – Hậu học văn” mà bắt nguồn từ tư duy giáo dục sai lầm của người cộng sản.

Ngày nay nhân loại đã bước vào kỷ nguyên 4.0 mà đảng CSVN vẫn kêu gào kiên định tiến lên xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng là chính sách sai chứ không phải ý niệm sai.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -