Thiên hạ luận: Việt Nam có điều luật nào cấm lập đảng chính trị?

- Quảng Cáo -

Hiền Lương – (VNTB) – Việt Nam chưa có luật về đảng chính trị, nên pháp lý cho lập đảng chính trị hiện vẫn là chờ đợi.

***

Hiến pháp 2013, dành Điều 4 để nói về vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam:

Điều 4.

- Quảng Cáo -

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Tuy nhiên một luật chuyên ngành về các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có, mặc dù Đảng được thành lập từ đầu năm 1930.

Có ý kiến, nếu như các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lẽ gì đó họ buộc phải ‘trả thẻ Đảng’ – ví dụ như chịu các mức kỷ luật nội bộ theo Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, mà Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành chẳng hạn, thì vì sao họ lại không được quyền vận động hình thành những tổ chức chính trị mới vẫn theo đúng mục tiêu tối thượng ghi ở Hiến pháp 2013, là “trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.

Ý kiến trên sẽ có ngay câu trả lời là thể chế chính trị Việt Nam không chấp nhận “đa đảng”.

Thế nhưng ngay cả ý kiến đó cũng khó chỉ ra là trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, có cụ thể điều khoản nào cấm “đa đảng”?

“Tôi cho rằng giờ nếu có Đảng Lao động Việt Nam thì cũng không hề là đối kháng với Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì cả hai đều có chung mục đích là bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của giới cần lao. Trong quá khứ, cụ Hồ cũng là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Ngay cụ Lê Duẩn, cụ Đỗ Mười cũng từng là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam… Có ai nói họ là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đâu kia chứ!” – một ý kiến.

Ở đây dân chủ thường được nhìn nhận dưới góc độ chính trị, là hình thức tổ chức chính trị của xã hội dựa trên sự công nhận nhân dân như là nguồn gốc của quyền lực, dựa trên các quyền của nhân dân trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia và trao cho công dân một loạt quyền và tự do thực sự.

Trong thế giới hiện đại, hình thức chính thể cộng hòa dân chủ – như đã có lúc cụ Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đang được nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố và theo đuổi.

Sở dĩ dân chủ có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ xuất phát từ điều quan trọng đối với mỗi người là quyền tự do và quyền tham gia vào các công việc của quốc gia. Đặc điểm quan trọng nhất, bản chất nhất của dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng cá nhân con người của các chủ thể khác trong xã hội: “Sự công nhận nhân phẩm của mọi người trên toàn thế giới và các quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới” – trích Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948.

Như vậy, có thể đi đến nhận định mà không hề chút nào gọi là “tự diễn biến – tự chuyển hóa”: dân chủ có thể được coi là giá trị xã hội và chính trị dưới hình thức các quyền con người. Chiếm một phần không nhỏ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia là các quy định về quyền con người, về cách thức thực hiện các quyền đó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Và thế thì giả dụ mai này có sự trở lại của Đảng Lao động Việt Nam, thì đó cũng là tất yếu của giá trị dân chủ, chứ không gì phải nặng nề của chụp chiếc mũ hình sự hóa của bản án “an ninh quốc gia”.

- Quảng Cáo -