Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn.
Từ tháng 9 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp. Ở lần tăng gần nhất, hôm 26-10, mỗi lít xăng E5 RON 92 lên mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 là 24.330 đồng một lít – ngưỡng cao nhất 7 năm, kể từ tháng 9-2014.
“Nếu trước dịch, một bình gas 12 kg chỉ 340.000 đồng, nay tăng lên 500.000 đồng. Tiền xăng xe tăng thêm 100.000 đồng một tháng. Giá các mặt hàng như sữa, gạo, thực phẩm cũng tăng cao khiến chi phí đi chợ mỗi tuần tăng gần 500.000 đồng….”, một bà nội trợ ở Sài Gòn tính toán, và cho rằng với tình hình này, gia đình của bà năm nay làm sẽ không có dư.
Một bà nội trợ khác cho hay đang rất lo lắng khi sữa bột cho em bé đang tăng cao so với trước đây. Hầu hết các loại sữa nhập đều tăng 10.000-15.000 đồng một hộp.
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Marketing, Chuỗi cửa hàng thực phẩm Farmers Market thông tin, các nhà sản xuất, nhập khẩu đã báo tăng giá hàng hoá từ giữa cuối tháng 10, đầu tháng 11. Cụ thể, giá tăng 5-15%, có một số sản phẩm tăng đột biến đến 30%. Do đó, đại diện Farmers Market dự báo giá hàng hoá có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp Tết năm nay khi nhu cầu thị trường tăng cao.
“Xu hướng tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác” – ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối giờ chiều 6-11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế.
Thông tin về tác động của đại dịch, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý I, tăng lên 12,8 triệu người trong quý II và hơn 28,2 triệu người trong quý III. Trong quý III, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/ tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua: Số lượng lao động có việc làm quý III là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thiếu việc làm quý III là 4,46% tức hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.
Về vấn đề tài chính, thì gói cấp bù lãi suất hiện đã khó có thể giảm thêm, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định điều này khi dự kiến giữ nguyên lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm.
Còn việc tăng trưởng sôi động ở hiện tại của thị trường chứng khoán cũng không hẳn mang lại lợi ích giảm áp lực tín dụng từ huy động sơ cấp, mà ngược lại còn có khả năng hút dòng tiền từ ngân hàng. Điều này được thể hiện khá rõ qua số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, thoái vốn thành công trong 9 tháng qua, cũng như số lượng doanh nghiệp niêm yết mới (trừ nhóm chuyển sàn) thời gian qua rất ít./.