Áp lực lạm phát

- Quảng Cáo -

Hàn Lam (VNTB)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định rằng áp lực lạm phát trong Nhâm Dần này là rất lớn.

Rất đơn giản, theo bà Hương, đó là vì nguồn nguyên liệu cho sản xuất ở nước Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu. Khi giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao sẽ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tác động vào giá thành sản phẩm, từ đó sẽ khiến giá hàng hóa tăng theo.

Lạm phát từ các gói kích cầu?

- Quảng Cáo -

Con số thống kê cho biết tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế Việt Nam là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.

Một thực tế khách quan khác là lúc nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp chưa thể phục hồi ngay lập tức hay trở lại như thời điểm trước dịch. Điều này làm cho nguồn cung cho thị trường thiếu hụt, đẩy giá tiêu dùng, hàng hóa tăng cao.

Ngoài ra, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng đánh giá chính sự thiếu hụt lao động từ khi dịch Covid-19 bùng phát, là áp lực gia tăng lạm phát, áp lực cho nền kinh tế trong việc phục hồi sản xuất. Vì các doanh nghiệp muốn có lao động thì phải trả lương cao hơn, tăng thêm chi phí đào tạo.

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên; lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như: xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng. Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.

Lạm phát sẽ ở mức hai chữ số như giai đoạn 2009 – 2011?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khá thận trọng khi bình luận rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6 – 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là một thách thức trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Hoạt động kinh tế đang dần thích nghi, chung sống an toàn với dịch bệnh. Năm 2022 dự báo, dịch COvid-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron nên các ngành dịch vụ thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn. Nhưng sẽ khả quan hơn năm 2021 nhờ việc nỗ lực thích ứng trong điều kiện bình thường mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022. Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao.

Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.

Có thể dễ dàng nhận thấy áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất lớn mà con số thống kê chưa thể hiện hết. Trong đó, giá nhiều yếu tố đầu vào đang tăng cao, có loại tăng gấp 2 – 3 lần trong một năm. Những yếu tố này đều chờ đợi để phản ánh vào giá hàng hóa khi cầu tiêu dùng phục hồi và có nguy cơ kéo theo hệ quả lạm phát cao như giai đoạn 2009 – 2011./.

- Quảng Cáo -