Người ta chỉ xem thường người Việt thôi…

- Quảng Cáo -

Lưu Trọng Văn – 

Chuyên gia kinh tế Lâm Minh Chánh kể lại cuộc gặp gỡ GS Nguyễn Văn Tuấn – người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Úc:

“Không chỉ làm việc và đóng góp cho nền y học của Úc, GS còn đóng góp rất nhiều cho y học và giáo dục Việt Nam.

Việt Nam cần mở rộng cửa hơn để đón nhận sự hỗ trợ, đóng góp của những người tài giỏi như GS Tuấn, và bớt đi mấy ông bất tài vô dụng”.

- Quảng Cáo -

Đáp lại lời của Lâm Minh Chánh, Nguyễn Văn Tuấn viết rất thẳng thắn như tính cách Nam Bộ của mình:

“Cái viễn cảnh mà anh Chánh nói đến về những người như tôi có thể giúp gì cho VN nó hơi xa. Nhiều người đã có nỗ lực, nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Tôi biết vài bạn đã về VN làm việc và chịu thoả hiệp ngầm thì ok, nhưng nếu không thoả hiệp thì chỉ ra đi thôi.

Người Việt Nam có vẻ trọng vọng ngoại hơn là người Việt đồng hương. Nhiều năm trước, tôi được một trung tâm ở Việt Nam mời giảng trong một seminar. Ở Việt Nam làm seminar rất nhiêu khê, vì nơi tổ chức phải làm thủ tục trình báo công an, và phải ký hợp đồng giữa người giảng và nơi tài trợ.

Người ta cho tôi biết rằng tiền thù lao cho bài giảng là X đôla, vì tôi là người Việt, còn nếu tôi là người nước ngoài thì thù lao là X + d. Rất rõ ràng. Số tiền thật ra chẳng là bao, nhưng cách phân biệt làm tôi thắc mắc là tại sao Giáo sư nước ngoài có tiền thù lao cao hơn Giáo sư nước ngoài nhưng gốc Việt.

Người ta không trả lời được, và chỉ nói là ‘Theo quy định’. Thật ra, tôi ngờ rằng chẳng có quy định nào cả; người ta chỉ xem thường người Việt thôi. Có lẽ trong cái nhìn của nơi tổ chức, Giáo sư gốc Việt thì không thể nào bằng Giáo sư Tây.

Thật ra, cái tâm lý vọng ngoại chẳng phải là hiện tượng gì mới. Các công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam có xu hướng mướn giám đốc điều hành nước ngoài về làm ở Việt Nam hơn là mướn giám đốc gốc Việt. Tại sao như vậy?

Chúng ta nghĩ giám đốc gốc Việt thì dễ làm việc hơn là người nước ngoài. Nhưng lý do rất đơn giản: giới doanh nghiệp phương Tây hiểu rằng người Việt nể phục người nước ngoài hơn, nên một giám đốc da trắng, tóc vàng và mắt xanh dễ điều khiển người Việt hơn là giám đốc Tây gốc Việt. Người phương Tây quả thật hiểu tâm lý người Việt.

Thành ra, tôi nghĩ phải làm sao xoá bỏ cái tâm lý vọng ngoại đó thì mới ok”.

Gã có đến Viện nghiên cứu Y học nơi GS Tuấn làm việc tại Sydney, Úc. Ở trên bảng vàng danh dự của Viện có chân dung của GS. GS nói với gã về những tình cảnh khi GS cùng nhiều nhà khoa học gốc Việt về VN cộng tác. Lúc đầu rất vui vẻ như người nhà nhưng khi đụng việc thì cứ ngãng dần ra và bị bật thành… khách lạ.

Cũng tại Sydney, gã tìm gặp TS Nguyễn Tấn Hùng chuyên gia sáng chế thiết bị y tế nổi tiếng của Úc, người được đề cử là Công dân tiêu biểu của bang New South Wales nhờ chế tạo thành công chiếc xe lăn điều khiển được bằng ý nghĩ khi có thể tự vận hành bằng chính bộ não robot của nó để vượt qua chỗ đông người…

Gã rất buồn là TS Hùng đã quên tiếng Việt nhiều, nói tiếng Việt rất khó khăn. Lý do? TS nhiều năm tự co mình lại. Ông có về VN nhưng rồi ông chỉ lựa chọn việc giúp đào tạo sinh viên VN tại Úc – một công việc không phải liên quan đến chính giới VN.

Tại sao?

Câu trả lời của GS Tuấn đã khái quát quá rõ.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

 

- Quảng Cáo -