Bàn về chủ nghĩa xã hội và đảng cộng sản Việt Nam

- Quảng Cáo -

Rất cảm ơn anh Đào Tiến Thi đã phản hồi quan điểm của tôi, “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội cũng được, miễn là không dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản!” với ý kiến, “Em lại ngược với anh Cù Huy Hà Vũ: Ai lãnh đạo cũng được, miễn là không xây dựng CNXH”.

Trên cơ sở ý kiến của anh Đào Tiến Thi, tôi thấy cần giải thích vì sao tôi có quan điểm như vậy.

Cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội là mang lại công bằng xã hội và phúc lợi cho đại đa số người dân, nhất là tầng lớp lao động (working class).

Thế nhưng cách thức thực hiện Chủ nghĩa xã hội thì về cơ bản có hai trường phái: Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê Nin và Chủ nghĩa xã hội dân chủ.

- Quảng Cáo -

Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê Nin chủ trương Đảng cộng sản – lực lượng tiền phong của giai cấp vô sản – độc quyền cai trị quốc gia theo phương thức toàn trị (Đảng cộng sản kiểm soát tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, độc quyền tư tưởng dẫn đến đàn áp mọi quan điểm, tổ chức chính trị và văn hóa bất đồng/đối lập).

Chế độ toàn trị của Đảng cộng sản mang lại ít nhất hai hậu quả nghiêm trọng sau:

1. Các quyền con người cơ bản (tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do báo chí, biểu tình…) bị triệt tiêu trên thực tế. Bằng chứng là cho đến nay ở Việt Nam đã không có các luật cụ thể hóa các quyền này cho dù được Hiến pháp quy định. Nghiêm trọng hơn nữa, chính quyền Việt Nam còn hình sự hóa việc thực hiện các quyền này và bỏ tù những người thực hiện mà tôi, Cù Huy Hà Vũ, là một trong số rất nhiều nạn nhân.

2. Đại đa số người dân, nhất là tầng lớp lao động như công nhân, nông dân bị trấn lột tài sản bởi chính sách Nhà nước chỉ huy kinh tế (State economic control) và tiếp đó bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism).

Tại Việt Nam, từ 1975 cho đến 1986, chính sách Nhà nước chỉ huy kinh tế, thường được biết dưới cái tên “Nhà nước bao cấp”, đồng nhất với cấm đoán kinh tế thị trường đã gây lạm phát 900%, dẫn tới đại khủng hoảng kinh tế – xã hội. Thời kỳ đó, tôi chứng kiến tận mắt hàng đoàn người đi ăn xin ngay tại Thủ đô Hà Nội. Để có tiền nuôi bộ máy cầm quyền cùng công an, binh lính hàng triệu người, cũng như để tránh người dân vì bị bần cùng hóa mà nổi dậy vũ trang, Đảng cộng sản Việt Nam cực chẳng đã phải tiến hành “Đổi mới”, xóa bỏ Nhà nước bao cấp và thừa nhận kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, “Đổi mới” đã không dẫn tới kinh tế thị trường như rất nhiều người lầm tưởng.

Thực vậy, chế độ toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam loại trừ cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, từ chính trị – tư tưởng cho đến kinh tế. Do đó, kinh tế thị trường = tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là không thể có ở Việt Nam. Để tồn tại, doanh nghiệp tư nhân buộc phải hối lộ, móc ngoặc với giới cầm quyền để rồi trở thành các “sân sau” của giới này ở các cấp độ khác nhau. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” từ đây mà ra. Hiểu như vậy thì “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” không gì khác hơn là chủ nghĩa tư bản thân hữu. Điều này giải thích vì sao Mỹ và các nước tư bản tiên tiến khác đã không công nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường cho dù lãnh đạo Việt Nam vật nài đến mấy!

Hệ quả của “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” / Chủ nghĩa tư bản thân hữu là các doanh nghiệp “sân sau” tha hồ cướp tài sản của dân hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua cướp tài sản công/quốc gia. Bằng chứng là hằng hà sa số vụ doanh nghiệp cướp đất thuộc quyền sử dụng của dân như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Thủ Thiêm, vụ Đồng Tâm…, tăng giá xăng dầu, lập trạm thu phí giao thông vô tội vạ, cướp nhà, đất thuộc công sản như vụ Vũ Nhôm…, cướp tài nguyên thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản với giá rẻ mạt…

Dĩ nhiên, một khi các quyền con người cơ bản bị triệt tiêu, đại đa số người dân bị trấn lột tài sản thì không thể có công bằng và phúc lợi xã hội. Tóm lại, Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê Nin chỉ tạo bất công xã hội và đi ngược lại phúc lợi của đại đa số người dân. Do đó, Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê Nin thực chất là phản Chủ nghĩa xã hội (Marxist-Leninist socialism is per se anti-socialist).

Ngược lại với Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê Nin do Đảng cộng sản độc tài thực hiện, Chủ nghĩa xã hội dân chủ được thực hiện bởi một hay nhiều đảng cánh tả trong thể chế dân chủ – đa đảng. Nói cách khác, đảng theo Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện học thuyết này sau khi cầm quyền với tư cách đảng chiến thắng trong bầu cử lập pháp được tổ chức một cách tự do, công bằng và hợp pháp. Thực tế cho thấy với các cấp độ khác nhau, các chính sách xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện bởi các đảng cánh tả Tây Âu như Đảng xã hội Pháp, Đảng Lao động Anh, Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển và các đảng cánh tả khác ở Bắc Âu. Với sự cầm quyền của các đảng cánh tả, công bằng và phúc lợi xã hội ở Bắc Âu cao vào bậc nhất thế giới.

Kết luận lại, tôi cho rằng Chủ nghĩa xã hội chỉ gây hại cho dân, cho nước nếu nó được thực hiện bởi Đảng cộng sản chủ trương độc quyền cai trị quốc gia theo phương thức toàn trị. Còn nếu được thực hiện trong thể chế dân chủ – đa đảng, bao gồm Đảng cộng sản, học thuyết này có thể có ích cho dân, cho nước.

Nói như vậy có nghĩa một khi từ bỏ tư tưởng độc quyền cai trị quốc gia và chấp nhận cạnh tranh chính trị trong hệ thống dân chủ – đa đảng, Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thực hiện Chủ nghĩa xã hội sau khi nắm quyền một cách chính danh với tư cách đảng chiến thắng trong bầu cử Quốc hội.

Khi đưa ra ý kiến “Ai lãnh đạo cũng được, miễn là không xây dựng CNXH” rất có thể anh Thi nhìn nhận Chủ nghĩa xã hội chỉ có một – Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác -Lê Nin và Chủ nghĩa này là tiêu cực, là xấu xa. Nếu đúng thế thì cũng là điều dễ hiểu vì Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền tư tưởng luôn mặc định Chủ nghĩa xã hội gắn với học thuyết Mác – Lê Nin, làm nhiều người dân trong nước ngộ nhận như vậy. Nhưng ngay cả khi nhận thấy rằng còn có Chủ nghĩa xã hội dân chủ, anh Thi vẫn hoàn toàn có quyền bác bỏ nó nhân danh tự do tư tưởng.

Về quan điểm “Ai lãnh đạo cũng được” thì tôi thấy không ổn. Thực vậy, nhiều chính quyền không hề dính dáng đến Chủ nghĩa xã hội, nếu không muốn nói là chống Chủ nghĩa xã hội, lại là kẻ thù của dân chủ và nhân quyền. Ví dụ: Ảrập Xê Út trong vụ giết và chặt xác nhà báo bất đồng chính kiến Khashoggi năm 2018, Taliban ở Ápganixtan với sự cai trị tàn bạo, nhất là đối với phụ nữ…

Theo tôi, trong thời bình, sự lãnh đạo chỉ chính danh với tư cách là kết quả của sự lựa chọn của người dân trong khuôn khổ bẩu cử đa đảng, tự do, công bằng và hợp pháp.

Hoa Kỳ 3/11/2021

C.H.H.V.

Tác giả gửi BVN

- Quảng Cáo -