Thời gian nào để vừa làm quản lý, vừa có thể viết sách lý luận Đảng?

- Quảng Cáo -

Triệu Tử Long (VNTB)

Ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian làm Tổng bí thư đã dành khá nhiều thời gian cho viết lách sách về lý luận Đảng.

Ngày 11-11, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương khai mạc trưng bày “Sách lý luận chính trị 1/4 thế kỷ” tại trụ sở nhà xuất bản, số 6/86 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác giả được ghi học hàm, học vị trên bìa sách là giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng có các đầu sách như sau:

- Quảng Cáo -

-“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, phát hành năm 2008;

-“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, xuất bản lần đầu năm 2005, tái bản lần thứ hai năm 2012;

-“Chuẩn bị thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, phát hành tháng 7-2020;

-“Tầm nhìn chiến lược và ý chí vươn lên của dân tộc”, dày 560 trang, phát hành tháng 1-2021;

-“Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, và “Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới” cùng năm phát hành là tháng 9-2021.

Với một số tác phẩm kể tên ở trên, cho thấy dường như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà mô phạm lý thuyết với việc dành phần lớn thời gian cho viết lách thể loại sách chính trị nhằm tuyên truyền, cổ đọng cho chủ thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội màu sắc Việt Nam.

Lý lịch về sự nghiệp thăng tiến công danh của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông thích ‘tháp ngà’ của học thuật. Đơn cử, cuối năm 1964 – đầu năm 1965, trong không khí sục sôi đánh Mỹ ở miền Bắc, thanh niên học sinh Hà Nội đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm…

Một số thanh niên cùng lớp đại học với sinh viên Nguyễn Phú Trọng lên đường vào Nam chiến đấu, một số gọi là “phải ở lại” để tiếp tục học tập – chuẩn bị hành trang tri thức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Và nghe nói khi ấy, sinh viên Nguyễn Phú Trọng thuộc nhóm thứ hai.

Báo chí của Đảng tụng ca rằng chính mái trường đại học đã chắp cánh cho ước mơ của chàng trai Nguyễn Phú Trọng. Ông được học Văn học – ngành mà ông hằng yêu thích. Ông đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… những hồn thơ thấm đậm chất dân gian. Ông học vào loại giỏi, lao động cừ, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và Đoàn thanh niên.

Năm 1967, với sự hướng dẫn của giáo sư Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài: “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” với điểm tối ưu duy nhất của khoá đó. Cùng năm này (1967), ông được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam ở tuổi 23, một điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ.

Đảng viên Nguyễn Phú Trọng đã có gần 30 năm làm việc ở tạp chí Cộng sản, do đó viết – lách chủ đề về sắc màu tuyên giáo Đảng vừa là nghề, mà cũng là nghiệp của đảng viên Nguyễn Phú Trọng, đến độ khi ông đã thành người quyền lực nhất nước suốt 3 nhiệm kỳ, người ta vẫn thấy ông siêng năng viết và có tác phẩm lý luận Đảng phát hành đều đặn.

Có khác chăng là trong hơn chục năm qua, những gì mà đảng viên Nguyễn Phú Trọng viết đã thành ‘khuôn vàng – thước ngọc’ để đảng viên và cả quần chúng buộc phải nghe theo và tuân thủ – trong đó bao gồm cả ý kiến phát biểu trong lần góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”./.

- Quảng Cáo -