Gió Bấc – RFA
Hệ thống tuyên giáo Việt Nam hô hào không mệt mỏi “chiếc áo đẫm mồ hôi”, “mỗi phường xã một pháo đài”, buổi kiểm tra trực tuyến vạch mặt chỉ tên Bí Thư Kiên Giang không thuộc lòng số ca Covid … để tô vẽ sự sâu sát của lãnh tụ anh minh nhưng chưa nghe ai hỏi nội hàm của khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” và “sống chung với dịch” khác nhau chỗ nào? Vì sao sống chung với dịch mà cả nước vẫn vung hàng ngàn tỉ đồng tìm diệt, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng? Lưu thông hàng hóa vẫn ách tắc, sản xuất đình đốn, người dân vẫn bị cách ly trong nghèo đói và ngân sách cạn kiệt.
Báo chí lề phải và cả một số Fbker đình đám không tiếc lời ngợi khen Thủ Tướng anh minh đã bắt thóp ông Bí Thư Kiên Giang không thuộc bài hôm nay tỉnh mình có bao nhiêu ca nhiễm như là phong cách, phương pháp làm việc khoa học, mới mẻ vạch mặt chỉ tên quan chức địa phương thiếu trách nhiệm, kém năng lực…
Show truyền hình trực tuyến: vai nào diễn kém?
Với góc nhìn khách quan, show truyền hình trực tuyến trên lại bộc lộ hai mâu thuẫn nghiêm trọng trong kế hoạch chống dịch ở tầm vĩ mô. Trước hết là lãnh đạo đảng có cần thuộc lòng con số ca nhiễm covid của địa phương hàng ngày không? Đây là chức trách của Bí Thư hay của Giám Đốc CDC?
Theo logic Bí Thư tỉnh ủy không thuộc lòng số ca nhiễm của tỉnh là yếu kém thì e rằng bác Cả nhà ta cũng chẳng giỏi giang gì! Từ đầu mùa dịch đến nay, TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phát biểu chỉ đạo rất dài, rất lâu về dịch bệnh nhưng chưa bao giờ trả bài về con số này, cho dù là các phát biểu đó được chuẩn bị trước.
Nếu Thủ Tướng hoặc một vị quan chức cấp cao nào đó cắc cớ cật vấn, chắc hẳn là bác Cả sẽ không hề lúng túng, không ấp úng mà nhẹ nhàng “thưa anh, tôi làm lãnh đạo đảng, trách nhiệm tôi là chủ trương, quyết sách chống dịch chứ không phải những con số ca nhiễm lẻ tẻ đó!”
Vấn đề quan trong hơn khi Thủ Tướng đã xác định phải chấp nhận “sống chung với dịch” thì đi tìm con số ca nhiễm mỗi ngày, phải cách ly tiêu diệt F0 có còn là nhiệm vụ, là biện pháp chống dịch quan trọng hàng đầu nữa hay không? E rằng chính nội dung kiểm tra, chất vấn và chỉ đạo này lại một lần nữa bộc lộ định kiến sai lầm chiến lược của người đứng đầu chính phủ đồng thời là Trưởng Ban Phòng Chống Dịch cấp quốc gia.
Ngày 17-9, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Nhi Đồng,một Fbker có gần nửa triệu người theo dõi đã viết dòng trạng thái ngắn về sự vô lý khi tìm diệt F0 trong thời điểm hiện nay.
“Một căn bệnh nhiễm trùng mới rồi dần thành cũ. Chỉ có miễn dịch từ vaccine và miễn dịch tự nhiên (bệnh xong tự hết) mới hết lây thêm.
Vi rút gây bệnh Covid bây giờ nó đã như vậy rồi.
Bệnh mà không nặng tự hết càng thích vì có miễn dịch tự nhiên.
Tới lúc này bảo vệ người nguy cơ bằng vaccin là chính.
– Bây giờ là F0 không có gì phải hoảng loạn như trước đây. Không cần tìm kiếm lung tung khi F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, vì họ tự hết hay hết hồi nào không hay.
KHÔI PHỤC KINH TẾ, HOÀ NHẬP THÔI ĐỂ DẦN XEM COVID CHẢ LÀ CÁI ĐINH GÌ”(1)
Chỉ sau 8 giờ, bài viết này có 22.000 lượt like, 1000 ý kiến bình luận và 1.200 người chia sẻ. Điều này cho thấy nhận thức của giới chuyên môn và công chúng với cuộc chiến tìm diệt F0 đã rõ ràng đến mức nào.
Tìm diệt F0: Ai cần trò chơi tốn kém này?
Không phải đến bây giờ khi độ phủ Vacxin có khá hơn, con số tử vong hàng ngày có giảm dưới 300, mà ngay từ tháng 5, tháng 6, khi dịch có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng các chuyên gia dịch tễ, các nhà khoa học độc lập đã lên tiếng cảnh báo, không nên đổ tiền, công sức xét nghiệm đại trà, bóc tách cách ly tập trung người bị nhiễm vì đó là giải pháp tốn kém, không hiệu quả.
Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn từ Viện Grant Australia từng có nhiều ý kiến phản biện với xét nghiệm đại trà đã chỉ ra rằng “Xét nghiệm là đi tìm bệnh, không phải tìm ca dương tính. Theo tôi, nên suy nghĩ đến chiến lược xét nghiệm mà tôi gọi là ‘focused screening”. Theo đó, ưu tiên theo các nhóm có nguy cơ từ cao đến thấp:
• Người có triệu chứng giống như covid
• Người đã từng tiếp xúc với người bị nhiễm
• Người có nguy cơ phơi nhiễm như đi lại nhiều, người chăm sóc bệnh nhân, người về từ nơi khác, nhân viên y tế, v.v.
• Người sống ở những nơi có mật độ dân số cao
Cần phải có dữ liệu để mô hình hoá chiến lược và đánh giá hiệu quả kinh tế – lâm sàng (cost-effectiveness) trước khi triển khai xét nghiệm”. (2)
Rất tiếc, từ diễn ngôn hào nhoáng mà mù mờ sáo rỗng của lãnh tụ anh minh, toàn bộ nguồn lực của đất nước bị hút vào cuộc chơi tốn kém tiền của, sức lực sinh mạng là truy tìm, tiêu diệt F0 trên diện rộng. Kiên Giang, Tiền Giang bị điểm mặt vì nhẹ tay tìm diệt F0.
Chừng như bị ám ảnh bởi thành tích ngăn chặn F0 năm 2020, người ta muốn tái lập thành tích mới ở tầm vóc lớn hơn.
Với thế hệ lớn tuổi từng tham chiến ở Miền Nam trước 1975, nhiều người đến chết vẫn còn thắc mắc tại sao chiến dịch Mậu Thân 1968 không còn yếu tố bất ngờ, thiệt hại nhân mạng đã quá lớn, cấp trên vẫn chỉ đạo tiếp tục mở đợt 2, quân chết như rạ nhưng vẫn không cho rút, vẫn phải bám vùng ven để ăn bom ăn pháo. Suy đoán hợp lý duy nhất là cấp dưới phải chịu đấm do cấp trên cần mâm xôi thành tích lấn át tiếng vang của Điện Biên Phủ.
Lại có kẻ theo thuyết âm mưu thực dụng liên hệ từ công văn danh mục đơn thuốc của Bộ Y Tế bị thu hồi đến việc ngoáy mũi trên từng cây số này cho rằng do lợi ich sân trước sân sau. Còn sản xuất que là còn ngoáy mũi.
Canh bạc lớn, ngân sách thua cháy túi!
Trở lại sau show truyền hình trực tuyến, kết quả của lời mắng nhiếc là cả nước tăng tốc, thần tốc ngoáy mũi trên diện rộng.
Tỉnh Kiên Giang chi 128 tỷ đồng để tầm soát diện rộng mỗi lần 475.000 mẫu tại khu vực phong tỏa, vùng đỏ, vùng cam và 5-10% dân vùng xanh. Kế hoạch trên sẽ được triển khai 3 lần vào ngày 17, 19 và 21/9. Riêng vùng xanh sẽ xét nghiệm 5-7 ngày một lần. (3)
Tương tự, Tiền Giang cũng có chương trình xét nghiệm đại trà quy mô cực lớn, cực kỳ tốn kém nên sáng 17-9 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý vẽ lại bản đồ nguy cơ dịch COVID-19 của Tiền Giang xuống đến ấp để có chiến lược xét nghiệm phù hợp. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết chi phí xét nghiệm của Tiền Giang đã giảm ngay 100 tỉ đồng khi đổi phương án, đưa quy mô xét nghiệm từ cấp xã xuống cấp ấp. (4)
Phải ngoáy mũi cho bằng chị bằng em, theo chủ trương tìm diệt của trên, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu chậm nhất đến cuối tháng 9-2021, phải hoàn thành việc xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn (5)
Nhà báo Nguyễn Triều phóng viên báo Tuổi Trẻ thường trú tại Cà Mau đã viết trên Fb “Cà Mau từ đầu dịch đến giờ kiên cường giữ được tỉnh xanh với tổng số ca F0 toàn tỉnh chỉ xấp xỉ một ngày cao nhất của Tiền Giang. Các ca nhiễm ở Cà Mau hồ sơ dịch tễ khá rõ ràng, không quá phức tạp. Nhiều địa phương của Cà Mau cô Vy chưa léo hánh tới.
Vậy thì kế hoạch xét nghiệm toàn dân trên địa bàn của Cà Mau có thật sự cần thiết không? Dù lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân tự thực hiện test nhanh và tự chi trả, ngân sách chỉ chi trả cho diện chính sách nhưng tổng chi phí cho chiến dịch này cũng là rất lớn” (6)
Cuộc chơi ngoáy mũi tốn kém hoành tráng và lãng phí nhất có lẽ là Hà Nội. Vốn nổi tiếng với câu “Hà Nội không vội được đâu” nhưng với ngoáy mũi thì Hà Nội rất thần tốc lập ra kỷ lục buồn là lấy hơn 3,1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 19 ca dương tính SARS-CoV-2. (7)
Bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên Tập báo Tuổi trẻ và hiện là Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao đã chiết tính ra chi phí để HN bắt 1 F0 là 30,13 tỉ vnđ, mất gần 600 tỉ để bắt được 19 con F0. Chưa tính chi phí các nguồn lực khác của cả XH phục vụ cho việc tổ chức xét nghiệm và cả thiệt hại kinh tế do giãn cách XH trong thời gian này.
Ông Nguyễn Đình Bin nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã dẫn thông tin bà Kim Hạnh trên Fb cá nhân và bình luận rằng “Đọc tin này, một câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi, xin trân trọng đề nghị các cao nhân luật gia lý giải giúp: Người có quyền cao nhất đã quyết định thực hiện việc này, rõ ràng là không cần thiết, nhưng đã gây thiệt vô cùng lớn cả về tiền bạc và nhân lực, có phải chịu trách nhiệm gì không trước pháp luật?” (8)
Bình luận của ông Nguyễn Đình Bin không phải là luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu mà là tiếng nói có trách nhiệm của một cựu quan chức cao cấp, có cơ sở thực tế. Báo chí đưa thông tin thối động là Bộ Trưởng Tài Chính báo cáo với Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội “ngân sách hết tiền” hay “ngân sách trống rỗng” dù vào tháng 7 Bộ này thông tin rằng ngân sách kết dư 62.000 tỉ đồng. Chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói riêng với báo Tiền Phong: “ngân sách hết tiền”, hay “ngân sách trống rỗng” là ngân sách dự phòng chứ không phải Ngân sách Trung ương. (9) Từ kết dư 62.000 tỉ đồng sau hai tháng đã thành trống rỗng quả là cuộc chơi cháy túi trong lúc dịch bệnh chưa có dấu hiệu kiểm soát.
“Vòng kim cô” con số F0
Vấn đề nghiêm trọng là sau hơn 2 tháng phong thành nghiệt ngã theo các chỉ thị 15,16,19… để săn bắt F0, không chỉ ngân sách nhà nước mà cả nền kinh tế quốc gia đã vượt qua lằn chỉ đỏ của sự khánh kiệt. Sức chịu đựng của người dân cũng đã tới mức giới hạn cuối cùng. Tại TP.HCM cứ nhấp nha nhấp nhổm điệp khúc ông Nên nói mở ông Hải nói chưa ông Mãi bảo chờ… Hóa ra TP.HCM rất muốn mở, nhưng vẫn phải đóng vì tất cả từ cái “vòng kim cố” không đạt 2 tiêu chí tiên quyết của Bộ Y Tế về con số F0.
Ngay sau khi có kiến nghị phản ánh của TP, Bộ Y Tế đã ra dự thảo cởi mở hơn nhưng nó vẫn còn là điểm vướng. Cụ thể là “Tiêu chí tiên quyết để được mở cửa kinh tế trở lại là kiểm soát được dịch bệnh theo quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18-8-2021 của Bộ Y tế: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày”. (10)
Với hai “vòng kim cô” cụ thể hóa số lượng F0 làm làm chỉ tiêu đóng, mở hoạt động của các địa phương một cách vô lý như vậy thì không biết đến bao giờ TP.HCM mới có thể mở cửa.
”TP.HCM không thể không mở cửa lúc này!”
Đó là một tuyên bố đầy bức xúc, một quyết tâm trong hoàn cảnh quẫn bách của ông Nguyễn Văn Nên, Bí Thư Thành Ủy TP.HCM. Nó nhẹ nhàng hơn nhưng đồng âm, đồng cảnh với các quyết định xé rào thời ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, lãnh đạo TP.HCM thời thập kỷ 1980.
Tuyên bố trên được phát ra không phải từ cuộc họp Thành Ủy, hay HĐND mà sau cuộc lắng nghe ý kiến các chuyên gia y tế, kinh tế về phương án phục hồi kinh tế TP.
Những ý kiến bức xúc của các chuyên gia kinh tế thì quá rõ nhưng ngay với các chuyên gia y tế thì tất cả đều cụ thể hóa nội hàm khái niệm “sống chung với dịch” không đồng nghĩa với chăm chú đo đếm tìm diệt F0
Ông Lê Trường Giang – chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM – cho rằng “đến lúc TP cần có biện pháp mạnh hơn hoặc thay đổi cách nhìn về dịch để chuẩn bị cho việc mở cửa.
Vậy chúng ta có vũ khí gì? Đó là vắc xin và thuốc điều trị. Theo ông Lê Trường Giang, đây là hai vũ khí cần được sử dụng chủ lực để nhanh chóng giảm ca bệnh.
“Quan điểm của tôi là xét nghiệm không phải là vũ khí chống dịch mà là công cụ, vì vậy cần được sử dụng đúng mục đích thì mới hiệu quả. Cần xem xét nghiệm là để tìm được F0 để chăm sóc, chữa trị, tránh nguy cơ bệnh nặng hoặc xét nghiệm để đưa các đối tượng được xét nghiệm về lại cuộc sống bình thường, phục hồi sinh hoạt xã hội
Nguyên viện trưởng Viện Y tế cộng đồng TP.HCM Lê Hoàng Ninh nhận định chiến lược của TP là phải có vắc xin, không nên xét nghiệm đại trà gây lãng phí nguồn lực, phải xác định sống cùng virus, không thể diệt hết virus.”
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng cần xác định những mục tiêu cơ bản là giảm số người chết, giảm số người bệnh nặng, giảm di chứng và giảm thiệt hại kinh tế – xã hội.
Về chiến lược dập dịch COVID-19, phương châm không làm thừa, nếu không sẽ lãng phí tiền của, thời gian, tạo áp lực, căng thẳng… dẫn đến kiệt quệ”. (11)
Quyết tâm của ông Nguyễn Văn Nên rõ rằng có điểm tựa khoa học, phù hợp lòng dân nhưng liệu áo mặc có qua khỏi đầu? Liệu Sài Gòn có thể xóa bỏ được 300 pháo đài, hàng ngàn lô cốt, chiến lũy trường thành đang giăng bắt ngăn chặn F0 đang là niềm tự hào là chiến công của ai đó
Thành Phố Hồ Chí Minh dù có tự thân mở cửa nhưng các tỉnh lân cận của vùng kinh tế trọng điểm này liệu có dám tháo bỏ “vòng kim cô” khi Long An, Tiền Giang, vẫn đang trong cơn say ngoáy mũi truy quét F0?
Người dân Việt Nam không cần lãnh đạo cực nhọc tấm áo “đẫm mồ hôi”, không đòi ông Bí Thư tỉnh phải thuộc lòng con số ca nhiễm dịch. Người dân cần quan chức lãnh đạo có quyết sách đúng, đừng ném tiền và cả sức khỏe, tính mạng của dân qua trò chơi ngoáy mũi. Người dân cần nền y tế hiệu quả, thiết thực từ dự phòng đến điều trị chứ không chấp nhận bị nhốt trong các trại tập trung được mang tên Bệnh Viện Dã Chiến và càng không muốn bị khủng bố hàng ngày hàng giờ bởi hệ thống tuyên truyền đe dọa và dối trá.
1-https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3054894274832899&id=10…
2-https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1321228514991129
3=https://vnexpress.net/kien-giang-chi-128-ty-dong-xet-nghiem-dien-rong-43…
4-https://tuoitre.vn/doi-quy-mo-xet-nghiem-rieng-tien-giang-giam-ngay-100-…
5-https://tuoitre.vn/doi-quy-mo-xet-nghiem-rieng-tien-giang-giam-ngay-100-…
6-https://www.facebook.com/nguyen.trieu.10/posts/10208758413194925
7-https://tienphong.vn/ha-noi-lay-hon-3-1-trieu-mau-xet-nghiem-phat-hien-1…
8-https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/4502715443124086
9-https://tienphong.vn/bo-truong-tai-chinh-ho-duc-phoc-ngan-sach-sao-ma-tr…
10-https://tuoitre.vn/bo-y-te-huong-dan-lo-trinh-de-tphcm-tro-lai-trang-tha…
11-https://tuoitre.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-tp-hcm-khong-the-khong-mo-cua-l…