Ngô Nhân Dụng – VOA
Mỗi người đều có thể nhớ một kỷ niệm sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001 mình đang làm gì, lúc nào thì nghe tin.
Sáng hôm 11 tháng Chín 2001, tiếng điện thoại kêu đánh thức tôi dậy trước 7 giờ. Nhắc lên, chỉ được nghe một câu: “Mở ti vi ra coi.” “Cái gì? Nhà tôi không có ti vi!”
Nghe báo tin máy bay đâm vô hai tòa cao ốc ở New York, khói còn bay mù mịt; cả nước Mỹ đang chấn động; tôi đề nghị tòa soạn nơi tôi đang làm việc vào thời điểm ấy phải làm gấp một số báo in xong vào buổi trưa, cho độc giả vùng Little Sài Gòn biết chuyện gì mới xảy ra. Gọi cho mọi người, phân chia công việc, ra khỏi nhà lúc 8 giờ. Đến 12 giờ trưa, độc giả được báo tin trên radio đã nờm nợp kéo tới, xe nối đuôi xếp hàng trên đường Moran, thò tay ra nhận một tờ báo 8 trang rồi lái xe đi.
Đối với dân New York, một chiếc máy bay đâm vô một tòa cao ốc có thể cũng là chuyện bình thường. Ngày hôm sau người ta sẽ sửa mấy cửa kính bể, quét dọn rác dưới đường, rồi cuộc sống lại trở về như cũ. Nhưng không! Không phải một chiếc máy bay cánh quạt hai chỗ ngồi với những phi công loạng quạng mà là hai máy bay chở hàng trăm hành khách mới cất cánh từ phi trường! Và hai tòa nhà hơn 100 tầng lầu đã sập đổ!
Chưa hết, gần 3 ngàn người chết cháy! Cả thế giới sững sờ, thương cảm. Một giáo sư người Canada, Margaret MacMillan, mới nhắc lại hình ảnh những người Nga ở Moscow đi ngoài đường cũng khóc. Nhật báo thiên tả ở Pháp, Le Monde, viết tựa lớn trên trang nhất: “Tất cả chúng ta là người Mỹ!” Trước sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nhiều người Trung Hoa đem hoa tới đặt ở chân tường.
Ngày hôm sau, người Việt ở Mỹ kể nhau nghe chuyện những đồng bào của mình thoát nạn. Một anh làm việc ở World Trade Center. Thường ngày, anh tới sở làm lúc 9 giờ sáng. Bữa đó, khi bước ra cửa “metro” xe điện ngầm, anh ghé mua ly cà phê rồi dừng chân trước một sạp báo bên đường, nhấm nháp và ngắm nghía bìa mấy tờ tạp chí in màu. Anh đến trễ, vừa kịp nhìn lên thấy tòa nhà bốc khói.
Nhiều người đã chạy thoát trước khi hai cao ốc sụp đổ, nếu họ làm việc ở những tầng lầu phía dưới những tầng 70, 80 là nơi bị máy bay đâm vào. Một văn phòng ở tầng thứ 25, nghe tiếng nổ lớn và thấy tất cả rung chuyển, nhưng người giám đốc ngần ngừ không làm gì cả. Một nhân viên của ông sáng nay rủ ông lên tầng thứ 106 dự một buổi thuyết trình, ông mới bảo rằng ông sẽ lên sau. Một bà thư ký kêu lên: “Tôi quyết định đây này! Chạy! Chạy ra cầu thang!” Mọi người theo, ra đường rồi chạy luôn đi thật xa trước khi tòa cao ốc sập tan tành.
Trên báo Wall Street Journal Peggy Noonan mới kể chuyện một thanh niên 24 tuổi, làm ở tầng thứ 104 tòa nhà phía Nam. Ai cũng nhớ Welles Crowther, anh luôn luôn mang trong túi đeo lưng một chiếc khăn màu đỏ. Nhiều người chế nhạo, trông anh chít cái khăn đỏ trên đầu giống một nông dân đang ra ruộng. Welles chỉ cười, đáp lại: Với cái khăn này, tôi sẽ thay đổi thế giới! Ngày 11 tháng Chín năm 2001, Welles đã giúp bao nhiêu người ra khỏi phòng chạy xuống cầu thang. Anh chạy xuống, chạy lên nhiều lần, dùng cái khăn đỏ bịt mũi vì khói tuôn mù mịt. Bố mẹ anh ở nhà chờ tin, không bao giờ gặp con nữa. Gần một năm sau, bà mẹ đọc trên báo New York Times một câu chuyện ngày 11 tháng Chín. Trong bài, nhiều người kể họ đã sống sót nhờ được một thanh niên đeo khăn đỏ cứu giúp. Bà mẹ đưa tấm hình Welles cho những người sống sót coi, họ nhận ra. Đúng, đó là anh chàng đeo khăn đỏ đã cứu họ.
Có những “anh hùng vô danh” khác, như gần 300 lính cứu hỏa đã đi vô tòa nhà đang tỏa khói mù mịt qua các cửa sổ trên mấy tầng cao. Họ biết đây là một sứ mạng “thập tử nhất sinh.” Nhưng vẫn thản nhiên bước tới. Vợ con, cha mẹ nhiều người còn được nghe họ gọi điện thoại trước khi tắt tiếng vĩnh viễn.
Khi tưởng nhớ 2,977 người tử nạn, dân Mỹ cũng không quên những hành khách anh hùng trong chuyến bay 93 của United Airlines. Họ liều chết tấn công mấy tay không tặc giết phi công cướp máy bay. Tất cả đều chết. Nhưng nhờ thế, chiếc máy bay không đâm vào Tòa Bạch Ốc hay trụ sở quốc hội, những định chế tượng trưng cho quyền lực của nền dân chủ nước Mỹ.
Ngày 11 tháng Chín thay đổi nước Mỹ. Nước Mỹ không còn là một cõi an toàn, như ngay trong thời các cuộc đại chiến thế kỷ trước. Chính phủ có thêm bộ Nội An. Hai guồng máy an ninh, FBI bảo vệ trong nước và CIA lo chuyện bên ngoài, từ đó bắt đầu cộng tác, trao đổi tin tức mật thiết hơn. Các công sở, tư sở đều đặt máy dò vũ khí cho mọi người đi qua. Hành khách chấp nhận đến phi trường sớm hơn, xếp hàng chờ mở từng cái bị, từng va li khám xét, và rút hết mọi thứ trong túi quần, túi áo bỏ ra ngoài. Trước ngày 11 tháng Chín chưa có mấy thủ tục phiền phức đó.
Và thế giới cũng thay đổi. Vụ khủng bố đã đưa chính phủ Mỹ tới quyết định tấn công Afghanistan. Các nước trong cả khối NATO ủng hộ gửi quân theo giúp. Dần dần, thế giới cũng thay đổi. Khi Mỹ đánh Iraq, chỉ có Anh quốc nhiệt liệt tán thành. Trong khi Mỹ bị cầm chân ở hai chiến trường này, Nga chiếm Crimea, gây loạn ở Ukraine. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-08, Trung Cộng nghĩ rằng kinh tế tư bản đang đến ngày tàn, bắt đầu nuôi giấc mộng chia đôi thế giới trước khi lên làm bá chủ. Iran gây ảnh hưởng trên Iraq và Syria nhờ cùng theo giáo phái Shi A, rồi bành trướng thế lực ở Trung Đông. Sau 20 năm, thế giới cũng nhìn nước Mỹ bằng con mắt khác. Các đồng minh lo ngại trước một cường quốc không chắc đáng tin tưởng và đã thất bại.
Sau Afghanistan và Iraq chính người dân Mỹ cũng thấy đóng vai “cảnh sát thế giới” không lợi lộc gì, thà rằng quay về lo chuyện trong nước mình. Nhưng nước Mỹ không thể từ bỏ thế giới bên ngoài, vì tất cả đều quan hệ đến nền kinh tế Mỹ. Trước đây người ta gọi Mỹ là “Đế quốc Coca Cola.” Bây giờ, Mỹ vẫn là một “Đế quốc iPhone” hay “Đế quốc Silicon.” Nếu mai mốt lại được coi là một “Đế quốc Vaccine” nữa thì càng tốt.
Ngược lại, thế giới cũng không thể nào thiếu một nước Mỹ. Dù không đóng vai cảnh sát tuần tiễu nhưng vẫn phải sẵn sàng, khi thấy ai kêu cứu vì bị các tay “cướp ngày” tấn công thì đóng vai “trừ gian diệt bạo.” Châu Á, châu Âu và cả châu Phi đều ý thức mối đe dọa của mưu mô bành trướng trong đầu các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Họ chỉ yên tâm khi biết còn quân đội và vũ khí Mỹ, có thể là tấm hàng rào vững chắc cản đường các đế quốc chuyên chế độc tài!
Bà MacMillan đã suy nghĩ về biến cố 11 tháng Chín 2001 và đặt câu hỏi: “Chúng tôi, người Canadians luôn nhìn nước Mỹ như một cô chị họ… và thường hay chỉ trích người Mỹ. Nhưng bây giờ chúng tôi, cùng nhiều nước tự do dân chủ khác, đang lo không biết nước Mỹ… sẽ rút về cô lập hay không. Chúng tôi sẽ phải một mình đối phó với Trung Cộng hay chăng?”
Chúng ta không quên rằng sau vụ 11 tháng Chín Mỹ đã thành công khi kêu gọi các nước cần hợp tác chống khủng bố. Ngay cả Nga và Trung Cộng cũng thấy cần cộng tác. Công việc này không nước nào có thể đứng bên ngoài. Tình báo các nước báo cho nhau biết tin tức một đường dây mua bán vũ khí lậu được phát hiện. Vệ tinh nhân tạo trao đổi tin tức về những chiếc tàu thủy chở các thùng container hoặc kiện hàng khả nghi. Hệ thống ngân hàng cả thế giới cùng theo dõi những vụ chuyển tiền có thể do các nhóm quân khủng bố gửi cho đồng đảng. Mỹ vẫn phải đóng một vai trò dẫn đầu trong tất cả những vụ cộng tác quốc tế đó.