Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nam (VNTB)

Sống chung với COVID nhưng vẫn cần phải chiến thắng đại dịch

Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn, ngay cả nước có độ bao phủ cao về vắc xin, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đoạn trích trên nằm ở “Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19” hôm 29-8-2021.

- Quảng Cáo -

Nội dung cuộc họp trực tuyến nói trên được đánh giá là bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19. Bởi virus Sars-Cov-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, và đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được trong khi người tiêm đủ vắc xin vẫn nhiễm và lây truyền virus.

Cách tiếp cận vẫn phải theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ. Việt Nam sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa hệ thống bệnh viện quá tải thì sẽ tiến hành phong tỏa.

Cách diễn đạt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực ra đang là ứng xử phổ biến hiện nay ở hầu hết các quốc gia.

Mấy tuần lễ trước, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị thay đổi tư duy, cách thức chống dịch khi chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) bổ sung thêm, ngành thuỷ sản đã xác định sẽ phải “sống chung” với đại dịch lâu dài do nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà kinh tế học đã nhận định nhân loại sẽ phải “sống chung với đại dịch”.

Cho đến nay, cần minh định rõ, mục đích chính của tiêm vắc xin không phải để chống bị nhiễm, mà là hạn chế đến mức thấp nhất bị tử vong khi nhiễm, do vậy ai cũng cần được tiêm.

Thế nhưng khá bất ngờ khi trong ngày 1-9-2021, tin tức báo chí cho biết Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đồng hành, chung sức phòng chống dịch Covid-19, cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19.

Rất có thể ở đây chỉ là mẫu câu ‘hô khẩu hiệu’ dạng ‘quen tay’ của bộ phận thư ký khi soạn văn bản cho bộ trưởng, bởi nếu vẫn giữ tâm thế chiến thắng đại dịch Covid-19 là ‘thắng giặc’, thì mọi chuyện sẽ trở lại vòng luẩn quẩn như lâu nay.

Sẽ thuyết phục hơn khi người đứng đầu Bộ Y tế cầu thị kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học không phân biệt chính kiến chính trị, xoay quanh những điều mà dường như cả hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn còn gì đó lấn cấn, nên rất cần sự yểm trợ ‘bên ngoài’ – bởi người Việt mình hay nói đại ý, người ở trong thì quáng, ở ngoài thì sáng:

(a) Chúng ta sẽ phải sống chung ra sao với con virus này, vì chúng ta không có cách nào xoá bỏ nó;

(b) Mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời. Chỉ tạm thời thôi, bởi vì khi biến thể Delta xuất hiện thì tất cả trở nên vô nghĩa;

(c) Có ý kiến rằng hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng: tiêm vaccine và tự nhiên (sau khi bị nhiễm và bình phục sẽ có kháng thể);

(d) Đa số các ca nhiễm sẽ tự bình phục mà không cần đến đặc trị;

(e) Nhưng một số nhỏ ca nhiễm cần phải nhập viện và khi nhập viện họ có nguy cơ tử vong cao.

Xin nhớ rằng chúng ta chỉ sống chung với con virus thôi; không thể sống chung với dịch về lâu dài. Rất có thể ở đây ông thủ tướng ‘thuận miệng’, hoặc vì là chưa phân biệt rõ hai khái niệm ‘sống chung với virus’ và ‘sống chung với dịch’ nên đôi khi dễ dính vạ miệng khi diễn đạt dễ hiểu lầm là ‘sống chung với dịch’ vậy thôi./.

#coronavirus #csvnchốngdịch

- Quảng Cáo -