Buộc vào rồi lại cởi ra … như chơi

- Quảng Cáo -
Đã qua một tuần Sài Gòn bị lệnh “Ai ở đâu yên đó” để chống dịch bệnh do virus Corona đang hoành hành khi mà số người nhiễm tăng nhanh chóng, kèm theo đó là số người tử vong cũng tăng chóng mặt.

Đây là đợt tiếp theo của những đợt “Giãn cách xã hội” được tiến hành trước đó hàng tháng trời.

Những biện pháp được coi là “Quyết liệt” và “khẩn trương”, với lực lượng hùng hậu binh sĩ đổ bộ vào Sài Gòn cùng với AK chặn mọi ngõ ngách trong Thành phố, xe bọc thép và xe bắt người chạy rầm rập đêm đêm. Cùng với những tuyên bố của người đứng đầu quân đội rằng “Đây là một trận chiến, không thắng không về”, người ta nghĩ rằng đợt này, chắc hẳn virus sẽ bị hệ thống AK của đội quân tự nhận là “Bách chiến bách thắng” nã cho tơi bời và chiến thắng là điều có thể nhìn thấy được sau 2 tuần biến cả thành phố gần chục triệu dân thành trại lính trong thời kỳ cấm trại.

Những tuyên bố hùng hồn của những quan chức cộng sản rằng cứ “Ai ở đâu yên đó” mọi việc đã có quân đội lo. Tất cả mọi thành phần xã hội khác đã căng mình gánh chịu những vất vả suốt từ đầu mùa dịch đến nay để mong đảm bảo cho đời sống người dân Thành phố được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu, nay bị giải tán để nhường chỗ cho binh lính.

Và kế hoạch của các quan chức cộng sản là những người lính sẽ ôm tất cả những việc từ đi chợ, đưa hàng, canh gác… để thành phố tồn tại với những khẩu hiệu trên miệng quan chức rằng: “Không ai bị bỏ rơi”, “không ai bị bỏ lại phía sau” và “không để người dân lên mạng kêu đói, kêu khổ” hay “không để ai bị thiếu đói v.vv…

- Quảng Cáo -

Điều mà những người cộng sản, dù đã quản lý thành phố với chục triệu dân bao nhiêu năm nhưng vẫn không hiểu được nhưng nhu cầu của nó hàng ngày cũng như những phức tạp của hệ thống dân sinh thành phố ra sao.

Với tư duy của người cộng sản, thì chẳng lẽ con voi to lớn cỡ đó, ta còn giết sạch đến mức rừng Trường Sơn không còn bóng dáng con nào, thì con virus kia không thể là đối thủ của AK và xe bọc thép.

Thế nhưng, chỉ riêng việc cung ứng thực phẩm cho thành phố, mỗi ngày đến 800 tấn thịt lợn, cũng đủ để cả hệ thống quân đội và cán bộ chạy mướt mồ hôi. Đó là chưa kể muôn vàn nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người luôn phát sinh và trở thành những yêu cầu cấp thiết. Thế nên, việc nhà cầm quyền cho chiến sĩ đi chợ hộ dân mỗi tuần một lần là điều không thể đáp ứng được nhu cầu nảy sinh hàng ngày của cuộc sống người dân.

Mặt khác, hệ thống giao thông, khu dân cư chằng chịt của thành phố với muôn ngàn ngõ ngách, hẻm hóc khác nhau, ngay cả người dân sống ở Thành phố từ nhỏ còn bị lạc thì nói gì đến mấy chiến sĩ từ rừng sâu xuống thành phố.

Do vậy, những ngày qua, sau khi tiếp quản thành phố từ những nhóm thiện nguyện, từ những tổ chức Xã hội dân sự tự phát vốn lâu nay đã âm thầm đi khắp mọi ngõ ngách Sài Gòn đem đến cho người dân những thứ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ, thì đám “quân chủ lực” cũng như dân quân tự vệ của nhà nước đã bị động và lúng túng, bối rối trước một nhiệm vụ bất khả thi.

Thế là trong khi đời sống người dân lâm vào bế tắc không lối thoát vì không những không có tiền phải chịu đói mà ngay cả người có tiền cũng không thể mua được hàng hóa. Những tiệm thuốc trống trơn, những siêu thị sạch nhẵn hàng hóa là đặc trưng của thời kỳ dịch bệnh. Thì cũng những khi đó, hàng trăm tấn hàng hóa, rau quả đã bị để thối, bị hư hỏng và bỏ đi vì không thể lưu chuyển, không thể phân phối đến người dân.

Những con đường cung ứng cho thành phố từ các vùng nguyên liệu, từ các nhà hảo tâm, từ các sự trợ giúp ở mọi miền đến Sài Gòn đã bị chặn đứt. Hàng hóa tăng giá vùn vụt mà vẫn khan hiếm.

Không chỉ có thế, ngay cả trong dịch bệnh, căn bệnh truyền đời và mãn tính của cộng sản là tham nhũng và bè cánh đã có nhiều cơ hội nảy sinh và hoành hành khắp nơi.

Những căn nhà chứa đầy gạo, lương thực thực phẩm và hàng cứu trợ của Phường, của Tổ trưởng dân phố, của cán bộ… nhưng người dân hoàn toàn chỉ được hưởng trên Tivi, đã làm nảy sinh những uất ức và phản ứng dữ dội trong dân chúng.

Và mấy ngày qua, hàng loạt khu dân cư đã bất chấp lệnh phong tỏa, canh gác rằng “Ai ở đâu yên đó” để vượt ra ngoài đi kêu cứu, kêu đói… Hàng loạt khu dân cư đã trương biển kêu gọi cứu trợ, tố cáo tham nhũng và cầu cứu sự giúp đỡ của xã hội vì họ đang trong tình trạng kiệt quệ về nguồn sống và sức khỏe.

Điều đó hẳn nhiên phải xảy ra. Bởi như cha ông ta đã nói: “Đói, thì đầu gối phải bò. Cái chân phải chạy, cái giò phải đi”. Chẳng ai có thể ngồi im chịu chết hoặc nhìn con cái mình đói đến lả người chỉ để nhằm nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị của nhà nước. Bởi với họ, nguy cơ chết vì dịch chưa đến, họ đã có thể phải chết vì đói tại nhà mình.

Những biện pháp của nhà nước nhằm đối phó với hiện tượng này là gì và nó hữu hiệu ra sao?

Trước hết là bắt bớ, phạt nóng, phạt nguội những người đưa thông tin kêu đói, kêu khổ lên mạng xã hội. Hàng loạt vụ bắt bớ, phạt tiền cũng như phạt tù những người đưa hình ảnh thực tế họ đang đối mặt lên mạng xã hội… nhằm đe dọa người dân nói lên những gì mà cuộc sống của mình đang phải đối diện.

Những tội danh mơ hồ được gán ghép như “Xuyên tạc tình hình chống dịch”, “Nói xấu cán bộ, công an”… đủ cả những lý do được đặt ra cách vu vơ, quy kết nhất mà không thể trả lời câu hỏi mà dư luận quan tâm rằng: Vậy thì đời sống của người dân những nơi đó có đói khổ thật không? Có đúng họ đã không hề nhận được sự giúp đỡ như hệ thống tuyên truyền của nhà nước không?

Nhưng, biện pháp đó không thể che giấu được tất cả. Vì chẳng có ai có thể che đậy được cả một hệ thống, một mặt thật của cả thành phố chục triệu dân và càng không ai che giấu được cơn đói khi nó đang hoành hành.

Và thế là cả thành phố không ai bị bỏ lại phía sau, chỉ có hàng loạt các khu vực dân cư bị bỏ sót ở phía trước nơi có dịch bệnh mà không ai đoái hoài đến họ.

Và cả thành phố “không ai bị thiếu đói”. Bởi hơn một nửa người dân Thành phố đã đủ và thừa đói. Mới đây, Sài Gòn đã phải yêu cầu Trung ương viện trợ 145.000 tấn gạo và 29.700 tỷ đồng nhằm cứu 4,7 triệu dân đang bị đói là một chứng minh.

Thế rồi, ngày hôm qua, nhà nước đã phải huy động 25.000 shipper để giao hàng cho người dân và từ bỏ phương pháp “giao cho bộ đội đi chợ hộ”. Nghĩa là nhà cầm quyền đã chính thức thừa nhận sự phá sản của một cách làm với tư duy cái gì cũng có thể làm được bằng sức mạnh của súng đạn và duy ý chí.

Và như vậy thì lực lượng quân đội với hàng vạn chiến sĩ, binh khí và thiết bị được đưa vào thành phố chỉ để ngắm chơi, chỉ để hù dọa hoặc dương oai diễu võ nhằm ngăn chặn cơn phẫn nộ của người dân.

Và người dân lại phải trả tiền cho những màn đó nhằm hù dọa chính mình. Cũng như người dân Sài Gòn, vốn đã cung cấp từ ¼ đến 1/3 ngân sách của cả nước, nay hơn một nửa số dân đói mà phải bóp bụng mà chịu im nhìn binh lính ôm súng đứng canh.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, từ khi dịch bệnh xuất hiện và hoành hành khắp nơi trên thế giới. Từ những nước giàu có văn minh đến những đất nước còn lạc hậu và nghèo nàn, chưa có đất nước nào đưa người dân vào cảnh đói kém và bị đe dọa mạng sống một cách nghiêm trọng như ở Sài Gòn, Bình Dương và các thành phố lân cận trong những ngày này, kể cả những nơi dịch bệnh nặng nề như Ấn Độ, Miến Điện hay những nước châu Phi.

Và cũng ít khi thấy những thất bại nhãn tiền như tại Việt Nam thời gian qua dưới sự lãnh đạo của đảng độc tài. Và điều thất bại lớn hơn cho đảng, đó là đảng đứng nhìn thất bại mà không thể chống đỡ, không thể biện minh hoặc tuyên truyền ngược như điều thường thấy xưa nay.

30/08/2021

- Quảng Cáo -