Út Sài Gòn – (VNTB) – Hay thử một lần “âm thầm” làm phóng viên, tiếp cận với những hoàn cảnh thất nghiệp hay ngày chỉ ăn 1 cữ mì gói, xem có đúng như những gì ông mặc định hay không?
23 tháng tám, 2021, Sài Gòn bắt đầu bước vào chuỗi ngày siết chặt hơn chỉ thị 16 với nhiều quy định nghiêm ngặt khi ra đường. Hình ảnh người lính vai đeo súng đứng gác ở các ngả đường cũng xuất hiện nhiều hơn vào thứ hai này.
– Có vẻ bây giờ tình hình thật sự căng ấy nhỉ!
– Anh đang nói vụ 2 tuần tới hả anh Tám?
– Ừ, đúng rồi đó chị Bảy. Lính gác rồi chốt chặn, mạnh tay hơn với những ai ra đường, và cả mạnh tay hơn với chủ tịch phường. Xem ra, có vẻ không chỉ dân căng mà chính quyền địa phương cũng căng.
– Thì căng vậy mới hy vọng hết dịch chứ anh. Chứ dân ra ngoài hoài sao được?
– Nói đi cũng nói lại chị à. Ai lại không sợ bệnh? Ai lại muốn chết vì dịch Covid-19 bao giờ hả chị? Nhưng vì chén cơm manh áo, người ta phải ra đường, kiếm cách mưu sinh thôi.
Ai có nhà thành phố thì không lo, tiền trọ có thể được miễn đi nhưng còn các khoản khác thì sao? Nhớ rằng, tiền điện hay tiền nước giảm, chỉ giảm thôi, chứ không phải miễn. Rồi còn tiền ăn, tiền uống, tiền điện thoại, tiền Internet thì sao? Đó là chưa kể tiền phòng thân khi bệnh hoạn hay quan hôn tang tế. Hơn hết, khi mở cửa lại, có chắc hồi phục liền không?
– Vì cái chung thôi, chứ nói như anh, ai cũng có lý do để ra đường.
– Ừ thì vì cái chung, người ta chấp nhận ở nhà. Chị nhớ lại đi, những ngày đầu tiên ở thời gian 9-7-2021, đường sá có đông không? Các bài báo lúc đó ghi nhận từ camera trên các ngả đường, vắng hoe. Nhưng từ thời điểm đó đến nay, là bao lâu? Ngay cả những nhà khá giả, dè sẻn lắm, cũng có lúc khó khăn, huống gì người nghèo khó.
– Chính phủ sẽ hỗ trợ người nghèo.
– Người nghèo nào nhận được tiền từ chính phủ chưa? Hay tiền đó từ phía chính quyền thành phố? Đó là chưa kể đến việc kẻ có người không. Người nghèo ở thành phố có bao nhiêu người, đang trú ở đâu, chị có chắc sẽ đảm bảo đủ cho họ ăn uống từ đó đến nay không?
Giống như giờ cho người vô gia cư tập trung lại vào bảo trợ xã hội, nghe qua rất nhân đạo, nhưng làm cách nào để đảm bảo đời sống cho họ những ngày nào thì không ai nói tới. Đó là chưa kể đến việc, có ai trong số những người vô gia cư đó ám ảnh cái trung tâm bảo trợ xã hội không? Không phải cứ muốn nói gì là ép chính quyền địa phương phải làm như vậy được.
– Thật ra tui thấy chính sách chống dịch của bác Đam tốt mà, một cán bộ vì Nhân dân.
– Tốt hay không thì tui không dám khẳng định, nhìn thành phố thời gian qua cũng biết rồi. Chỉ có điều, nó cạn, không sâu tí nào cả. Cứ loay hoay hết xét nghiệm rồi ở nhà, không ra đường. Còn cái khái niệm dân sinh, an sinh thì có vẻ chưa ổn lắm.
– Chưa ổn là do chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm.
– Nói nào ngay, trách chính quyền thành phố hay phường, xã, quận, theo tui, không đúng. Thời gian qua, dằng dai miết, họ mệt không, mệt chứ; muốn hết cảnh này không, tui nghĩ là muốn chứ. Nhưng là chính quyền địa phương, họ phải có biện pháp dung hòa chứ. Đâu thể quá cứng, coi thường tính mạng người dân được. Cũng đâu thể vì “những tấm hình vô tri vô giác” mà đẩy người nghèo vô đường cùng, bất nhẫn lắm.
Thật ra thế này, cứ cho biện pháp của ông Đam hiệu quả đi, nhưng ít nhiều sẽ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Xong xuôi, ông Đam lại trở về Hà Nội, nhận cơn mưa lời khen.
Trong khi đó, người dân nghèo khó phải đón nhận một bầu trời xám xịt. Họ biết chửi ai? Có chửi cũng chửi chính quyền thành phố, đã gây ra cho họ cảnh này. Nhưng họ nào biết, cả “hệ thống chính trị” vào cuộc mà, chính quyền thành phố dù có muốn giúp lắm cũng đâu thể làm được gì!
Chợt nhớ lại dân gian có câu, những điều trông thấy chưa hẳn là sự thật, và thầy cô ở trường đại học cũng từng dạy “khoa học là hoài nghi”. Ấy thế mà, chỉ mới mắt thấy, ông phó thủ tướng kiêm trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đã mặc định rằng dịch ở thành phố vẫn còn là do ý thức của người dân, giãn cách mà ra đường vẫn ầm ầm.
“Thị sát dân tình” không phải chắp tay sau đít đi tới nhà mà phường dẫn tới, để báo chí chụp hình đâu ông phó thủ tướng ạ. Nếu muốn biết rõ dân tình như thế nào, vì sao ông không thử một lần “đóng vai” người lang thang, nghèo đói trong 1 tháng xem như thế nào?
Hay thử một lần “âm thầm” làm phóng viên, tiếp cận với những hoàn cảnh thất nghiệp hay ngày chỉ ăn 1 cữ mì gói, xem có đúng như những gì ông mặc định hay không?
Đó không chỉ là vì dân mà còn là cái tình giữa người với người, giữa lãnh đạo với nhân dân…
Úy mà thôi, dẫu gì thì ngài ấy cũng là trung ủy chứ bộ…