Đề nghị chính phủ chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong thời gian đại dịch covid-19

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu

Đại dịch Covid -19 mang đến tai hoạ điêu đứng cho cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, và toàn thể quốc gia. Để vượt qua đại dịch Covid -19 cần sự chung tay đồng lòng của toàn quốc.

Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương giảm giá điện, giá nước để hỗ trợ người dân trong thời gian đại dịch. Đây là chủ trương đúng, thể hiện sự đùm bọc lẫn nhau để vượt qua hoạn nạn.

Thế nhưng còn một lĩnh vực khác rất quan trọng nữa cần sự chỉ đạo của Chính phủ. Đó là giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.

- Quảng Cáo -

Hàng triệu người vay tiền ngân hàng đang khốn đốn vì cách ly, giãn cách. Họ không được hoạt động, bị bó tay bó chân, bị đóng cửa hàng quán và cơ sở kinh doanh mà vẫn phải trả lãi suất vay hàng tháng cho ngân hàng. Cùng lúc họ lại phải vay khoản tiền mới của ngân hàng để thanh toán tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, đảo nợ…hy vọng cầm cự qua thời Covid. Nợ chồng nợ. Lãi chồng lãi. Họ đối mặt với thua lỗ, nợ nần, mất nhà cửa, tiền bạc, tài sản thế chấp.

Thế mà trong suốt gần 2 năm 2020-2021, chưa có ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vì đại dịch Covid -19. Đó là điều phí lý.

Trong khi đại đa số nhân dân, các doanh nghiệp bị điêu đứng vì Covid – 19 thì ngân hàng lại tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Số liệu thống kê từ 28 ngân hàng cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 99.558 tỷ đồng, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lấy vài thí dụ cụ thể.

– Lợi nhuận của Techcombank 6 tháng đầu năm 2020 là 6.738 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 11.536 tỷ đồng, tăng 71,2%.

– Lợi nhuận của Vietcombank 6 tháng đầu năm 2020 là 10.982 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 13.570 tỷ đồng, tăng 23,56%.

– Lợi nhuận của Vietinbank 6 tháng đầu năm 2020 là 7.460 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 10.850 tỷ đồng, tăng 42%.

Thống kê 28 ngân hàng đều tăng lợi nhuận. Trong số đó,10 ngân hàng lãi trước thuế cao nhất thứ tự là: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, BIDV, MB, ACB, HDBank, VIB và MSB (xem đồ thị trong ảnh phía trên) (https://vietnambiz.vn/top-10-ngan-hang-co-loi-nhuan-cao…).

Ngân hàng không sinh ra tiền. Ngân hàng không đẻ ra sản phẩm. Ngân hàng là cái “túi giữ tiền trung gian”. Tiền lời của ngân hàng phần lớn là tiền của người vay.

Để 28 ngân hàng có được khoản tiền lời trước thuế 99.558 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 thì hàng triệu khách vay phải khốn đốn, có hàng vạn người vỡ nợ, phá sản.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong thời gian diễn ra đại dịch Covid -19 để hỗ trợ người dân. Sự tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian đại dịch Covid không phản ánh tài năng của ngân hàng, cũng không hiện lên bức tranh mạnh khoẻ của nền kinh tế, mà nó là bằng chứng về sự cố gắng trong “giãy chết” của người đi vay.

Muốn lấy lãi suất từ người đi vay thì phải để cho người đi vay sống sót. Sự hỗ trợ bằng giảm lãi suất vay của ngân hàng trong thời gian đại dịch Covid – 19 là rất cần thiết để giúp cho người vay cầm cự qua thời đại dịch, giúp cho toàn bộ nền kinh tế không bị phá vỡ.

Lời từ lỗ của người khác là điều không bền vững. Phải là trường hợp cùng thắng.

Tầm nhìn của Chính phủ khác với góc nhìn của ngân hàng.

MỘT CON NGỰA ĐAU CẢ TÀU BỎ CỎ./.

- Quảng Cáo -