Sài Gòn đang có chiến dịch phun xịt khử khuẩn nơi công cộng để tẩy virus nCov. Tôi nghĩ KHÔNG nên theo đuổi cách làm này vì sẽ không đem lại hiệu quả mà còn tăng nguy cơ bệnh tật cho công chúng.
Năm ngoái tôi có một cái note giải thích tại sao phun xịt khử khuẩn ngoài trời không có hiệu quả. Hôm nay xin đề cập lại với những bằng chứng khoa học cụ thể để các bạn biết và tham khảo.
- Lí do thứ nhứt: 99% ca lây lan là trong nhà
đa số các ca nhiễm xảy ra trong nhà và building (indoor) chớ không phải ngoài trời (outdoor). Hàng loạt nghiên cứu bên Tàu và Âu châu đã khẳng định điều đó. Xin trình bày một số kết quả nghiên cứu khoa học như sau:
–Một nghiên cứu bên Tàu năm ngoái cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trong nhà là 7322/7324 (gần 100%), so với ngoài trời là 2/7324 hay 0,03% [1].
– Một nghiên cứu khác cũng bên Tàu với cỡ mẫu nhỏ hơn cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trong nhà là 96% so với ngoài trời là ~4% [2].
– Tương tự, một nghiên cứu khác trên gần 11.000 ca nhiễm, kết quả là 99,1% là lây nhiễm trong nhà, chỉ có 0,9% là lây nhiễm ngoài trời [3].
- Lí do thứ hai: cơ chế lây lan
Đến nay thì chúng ta đã biết cơ chế lây nhiễm của con virus. Nó lây truyền qua những giọt bắn từ người bị nhiễm. Những giọt li ti này đi vào không khí khi người bị nhiễm ho hay hắt hơi, và những người đứng gần có thể bị nhiễm.
Con virus này nó tồn tại trong không khí chừng 3 giờ đồng hồ, nhưng nó tồn tại 2-3 ngày trên bề mặt các vật dụng làm bằng inox hay sắt thép [4]. Có nghiên cứu cho biết nó có thể tồn tại trên vật dụng trong nhà đến 9 ngày [5]. Do đó, phun xịt ngoài trời không có hiệu quả gì cả.
- Nếu có vệ sinh thì có thể làm ở trong nhà hơn là ngoài trời. Những nơi trong nhà hay lây nhiễm nhiều nhứt, theo một phân tích ở Pháp là như sau (theo thứ tự):
- Nhà ở (13%)
- Phương tiện đi lại công cộng (12%)
- Nhà hàng, quán ăn (7%)
- Nơi làm việc (2%)
- Trường học (~2%)
- Bệnh viện (1.7%)
Vấn đề là phun xịt hoá chất ‘bừa bãi’ như thế có thể gây tác hại cho công chúng [6].
Trước đây (năm ngoái) ở vài nước (Nam Hàn, Đài Loan, Ý) họ tổ chức những đoàn xe xịt hoá chất khử khuẩn, nhưng họ cũng phải bỏ chiến dịch này vì không có hiệu quả mà lại tốn tiền. Ngay cả WHO cũng không khuyến cáo phun xịt như thế.
Do đó, tôi nghĩ chúng ta nên làm theo ‘ánh sáng’ của khoa học: ngưng chiến dịch phun xịt khử khuẩn như hiện nay ở TPHCM. Thay vì làm vậy, nên tổ chức những đoàn tình nguyện khử khuẩn ở những ghế đá công viên (khi hết lockdown)./.
_____
[1] Qian H , et al. Indoor transmission of SARS-CoV-2 Indoor Air. doi:10.1111/ina.12766. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/ina.12766
[2] Lan F-Y, et al. Work-related COVID-19 transmission in six Asian countries/areas: a follow-up study. PLoS One 2020; 15:e0233588. https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0233588
[3] Leclerc QJ, et al. CMMID COVID-19 Working Group. What settings have been linked to SARS-CoV-2 transmission clusters? Wellcome Open Res 2020; 5:83. https://wellcomeopenresearch.org/articles/5-83/v2
[4] https://www.medrxiv.org/…/2020.03.09.20033217v1.full.pdf
[5] https://www.journalofhospitalinfection.com/…/fulltext
[6] https://oem.bmj.com/content/74/9/684