Những ngày dịch vật rất buồn

Vũ Đức Đam
- Quảng Cáo -

Nguyễn Ngọc Già

Hậu quả của ngoa ngôn, lộng ngôn và ngụy ngôn
Trước hết, nên phân biệt ngoa ngôn (tức nói láo) và lộng ngôn (tức nói quá, nói hơn mức sự việc đã diễn ra mà lẽ ra mình cần hiểu vị trí, tiếng nói của cá nhân).  Hai khái niệm này giúp con người phải hiểu bản thân mình là ai, sức ảnh hưởng của bản thân mình đến dư luận trong và ngoài nước có hay không, mức độ ra sao và bản thân mình nói có mang tính ĐẠI DIỆN hay không.
Trong đời sống dân gian, giữa một bàn nhậu hay một góc cà phê; trong gia đình riêng hay một cuộc hội thảo; trong lớp học hay một cuộc cắm trại v.v… người ta có thể kể những câu chuyện tiếu lâm hay nói dóc, nói quá về một việc gì đó để tạo không khí nhẹ nhàng, vui tươi. Những hành vi đó không hề có lỗi, thậm chí cách pha trò duyên dáng lại là lợi thế cho người ta có thêm hành trang phong phú bước vào cuộc đời. Những câu chuyện như vậy, không được quy vào khái niệm “ngoa ngôn”, “lộng ngôn”.
Bên cạnh “ngoa ngôn” và “lộng ngôn”, người ta cũng biết khái niệm “ngụy ngôn”.  Người đời bắt gặp rất nhiều, ví dụ: ngụy biện, ngụy quân tử, ngụy tạo v.v… và không thể không nhắc lại khái niệm “ngụy quân-ngụy quyền” một thời nhà cầm quyền CSVN vu khống cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa làm tay sai cho “đế quốc Mỹ”.  “Ngụy” tức là giả tạo nhưng khoác dáng vẻ của sự thật. Ngụy ngôn tức là những lời nói ra có vẻ chân thật nhưng ẩn chứa bên trong đó là sự man trá, nhằm đạt mưu đồ của bản thân.
Một ông thầy có óc hài hước và tiếu lâm,  rất nên pha trò để thu hút học sinh. Tuy nhiên, trong giảng dạy chuyên môn, ông thầy phải hiểu rõ không được cung cấp kiến thức cho học trò dựa trên thói ngoa ngôn và tật lộng ngôn.
Thực tế hơn 76 năm qua tại miền Bắc Việt Nam và hơn 46 năm qua tại miền Nam Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam đang chìm lỉm trong môi trường gian dối và phóng đại mọi vấn đề.
Ranh giới giữa tiếu lâm – hài hước và ngoa ngôn – ngụy ngôn đã bị xóa nhòa. Quá trình biến cả xã hội Việt Nam trở thành “Vua Nói Dóc” trên thế giới, được khởi đầu bằng lịch sử ngụy tạo của nhà cầm quyền CSVN với chuyến hải hành từ chàng trai Nguyễn Tất Thành trốn trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, vào cái ngày định mệnh cách đây tròn 110 năm về trước.
Sự khác biệt của người Việt Nam trong mắt thế giới, được biến thành những bảng chữ khuyến cáo cảnh giác và cảnh cáo về thói hư tật xấu xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore v.v… đã bị chê bai, lên án từ lâu. Mặc dù, người Việt Nam chưa bao giờ có tự do nói chung và tự do về quyền bầu cử – ứng cử nói riêng nhưng buộc phải chịu chung dưới tên gọi “quốc nhục”. Nhân cách người Việt Nam cũng từ đó mài mòn và tụt dốc thê thảm!
Những ngày dịch vật rất buồn
Tp.HCM trong những ngày dịch vật từ virus Trung Cộng đang gây ra cảnh lầm than tăm tối!
Hàng triệu người dân khốn đốn, loay hoay và xoay sở đủ kiểu trước các biện pháp chống dịch của nhà cầm quyền CSVN. Hàng ngàn những tình huống đủ góc độ bi-hài-chính kịch đang diễn ra mà người dân Tp.HCM chưa bao giờ biết tới và cũng không thể nào hình dung ra nổi, rồi có lúc “chúng ta cùng tận hưởng” một “ngày đẹp trời” đến như thế…
Rất, rất và phải nói rất nhiều ý kiến từ dân chúng cho đến dân trong nghề y đã chỉ ra việc làm phản khoa học, duy ý chí của nhà cầm quyền CSVN đang gây lao đao cho cuộc sống thường nhật của dân nghèo và làm chao đảo hàng ngàn hãng xưởng trên vùng đất gần 10 triệu con người với diện tích hơn 2.000 cây số vuông!
Giới quan sát và chuyên môn kinh tế vẫn chưa hình dung ra nổi sự thiệt hại ghê gớm đến cỡ nào, từ cách làm gọi là “chống dịch như chống giặc” của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nhưng người dân thấy trùng trùng diệp điệp những thông tin gây choáng váng như sau:
– Ngày 4 tháng Bảy năm 2021, Bộ Công an khẩn trương xuất quân chi viện Tp.HCM [1]
– Ngày 14 tháng Bảy năm 2021, các đơn vị quân đội chuẩn bị lực lượng vận hành hơn 1.300 xe vận chuyển vaccine Covid-19 và thiết lập 8 kho lạnh tại các đầu mối [2].
– Ngày 15 tháng Bảy năm 2021, Bộ Y tế đã điều động cán bộ, tình nguyện viên khoảng 10.000 người, với 24 đoàn hỗ trợ các quận huyện tại TP HCM để khẩn trương dập dịch [3]
– Ngày 15 tháng Bảy năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Cà Mau về công tác phòng chống dịch bệnh [4].
– Ngoài đoàn y tế Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An cho đến Thái Bình cũng cử 410 nhân viên y tế vào Tp.HCM chống dịch [5].
Cùng với hơi hướm câu ca “trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của bác” là hàng ngàn mảnh đời lê lết, không miếng ăn, không chỗ trú thân, những phận người đang lang thang, vất vưởng với vẻ mặt thất thần, nơm nớp trong những chiều mưa xám xịt cả một vùng trời rộng lớn từ thành phố  “người đã ra đi”, để rồi mang về câu hỏi quặn thắt tâm can “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?”…
Sài Gòn đã mất vào ngày 2 tháng Bảy năm 1976 và nó được thay bằng Hồ Chí Minh. Dường như cái tên đó, trải qua 46 năm, chỉ mang lại những giọt nước mắt cùng tiếng nấc nghẹn, nên Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đang đề nghị [6] nhà cầm quyền CSVN đổi bằng cái tên nghe nhức nhối, lại khôi hài hết chỗ chê:  “Friendship City, thành phố nghĩa khí, thành phố bằng hữu” (!). 
Đô Thành Sài Gòn không cần diêm dúa, lai căng, dài dòng và kệch cỡm như vậy!
__________________
- Quảng Cáo -