Ngăn sông cấm chợ, nguyên nhân làm cho Sài Gòn thiếu rau củ

Xe chở hàng bị tắc nghẽn tại chốt kiểm tra ở Khu vực Tiền Giang.
- Quảng Cáo -

Hang Vu

Sài Gòn, thiếu rau củ quả, đây là sự thật. Ngày 9/7, chính quyền áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố, họ đóng cửa tất cả các chợ đầu mối và chợ truyền thống, yêu cầu người dân phải mua hàng tại các siêu thị.

Ngày thường, hệ thống siêu thị chỉ cung ứng cho khoảng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là các chợ truyền thống cung cấp.
Với quy định hiện tại, thì sức cung ứng của các siêu thị có tăng cường cũng không thể đáp ứng 100% nhu cầu của người dân toàn thành phố. Rau củ quả bị đẩy giá nên cao nhưng người dân vẫn không có để mua.
Nguồn rau củ quả tại các địa phương xung quanh Sài Gòn rất nhiều, như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đà Lạt… Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người nông dân tại các địa phương này không xuất hàng được phải bán với giá thấp do thương lái ép giá hoặc nhổ bỏ. Còn tại Sài Gòn thì lại không có rau. Người có tiền thì không mua được vì siêu thị hết hàng. Còn người nghèo vì giá cao nên không có tiền để mua.
Tại sao Sài Gòn lại thiếu rau xanh? Rất nhiều người lên tiếng rằng do người dân tích trữ nhiều nên dẫn đến thiếu hụt? Có phải như thế không?
Sài Gòn thiếu rau củ là do các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Và chuỗi cung ứng đứt đoạn chính là cái giấy yêu cầu thông hành âm tính với Covid-19 gây ra. Khi yêu cầu giấy thông hành khi đi qua các địa phương được đưa ra, rất nhiều chuyên gia đã phản đối vì sự vô tác dụng của nó trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chính quyền các địa phương không bỏ yêu cầu đó mà nhiều nơi còn thay đổi từ yêu cầu Test nhanh âm tính sang giấy xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR, càng gây khó khăn cho các đơn vị vận tải.
Người dân xếp hàng để vào siêu thị mua hàng tại Sài Gòn.
Thời gian để có 1 giấy Test nhanh khi mà các cơ sở Test đều quá tải là mất nửa ngày hoặc 1 ngày. Thêm việc các xe chở hàng phải dừng lại tại các điểm kiểm soát để xuất trình giấy thông hành càng làm cho thời gian vận chuyển kéo dài. Chi phí thời gian, chi phí giấy thông hành cùng với giá xăng tăng, đã làm cho giá cả của các mặt hàng rau củ quả tăng. Thêm vào đó do thời gian vận chuyển lâu hơn, nên hàng rau củ quả dễ hư hỏng.
Tại sao khi giãn cách Sài Gòn chính quyền không đưa ra giải pháp lưu thông hàng hóa, thực phẩm giữa các khu vực, giữa các địa phương để đảm bảo nguồn cung?
Tại sao đội ngũ tài xế là mắt xích quan trọng trong lưu thông, mà chính quyền lại không ưu tiên cho họ tiêm Vaccine, để bỏ thủ tục giấy thông hành âm tính Covid-19?
Tại sao không có chính sách xuyên suốt giữa các địa phương mà để ra tình trạng áp dụng các chính sách theo kiểu cục bộ?
Tại sao không thiết lập các mô hình chợ truyền thống cho phù hợp trong đại dịch để dân có thể dễ dàng mua thực phẩm đảm bảo nguồn cung và giá cả, mà bắt dân mua ở siêu thị trong không gian kín dễ lây nhiễm, giá thì cao?
Tại sao một nước nông nghiệp, mà dân lại thiếu rau?
Ngăn sông cấm chợ có phải là giải pháp để chống dịch không?
- Quảng Cáo -