Gà mắc tóc

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan

“Gà mắc tóc”, là câu tục ngữ NR biết đến từ thời cắp sách, song mãi đến khi nuôi gà mới thấy hết ý nghĩa của nó. Khi hai chân gà bị những sợi tóc rối quấn vào nhau khiến nó không bước đi bình thường được. Cứ lúng ta lúng túng, té lên té xuống khi cố bước đi, đứng cũng té mà đi càng té…

Cứ như câu chuyện đang đồn, chưa rõ thực hư việc một đại gia bất động sản điều mấy trăm thầy cô và sinh viên trường y Hải Dương và hàng ngàn nhân viên của mình vào Sài Gòn “giải phóng Miền Nam” khỏi đại dịch, không may bị dư luận phản ứng quá mạnh, phải tính bài chuồn đưa hàng ngàn “chiến binh” này ra đảo Phú Quốc cách ly cho yên chuyện.

Khốn nỗi trong mùa dịch, phương châm ở yên tại chỗ là góp phần chống dịch tốt nhất, vì chẳng ai biết người đối diện với mình có là F0 ? Không ai hoan nghênh đưa số đông người từ vùng này đến vùng khác, nhất là từ những vùng dịch đang bùng phát mạnh như Sài Gòn. Vì vậy, có thể chẳng địa phương nào dám “sâm mình” tiếp nhận một số đông người từ vùng dịch Sài Gòn đến địa phương mình, vì lo ngại đó có thể là những “quả bom virus”, hậu họa khôn lường.

- Quảng Cáo -

Tin đồn thêm ly kỳ khi khẳng định đảo Phú Quốc từ chối tiếp nhận những người có thể mang “bom virus”… Ly kỳ hơn nữa khi không đi Phú Quốc được, đại gia đang thu xếp để đưa số “chiến binh” này về Nha Trang. Liệu Nha Trang có nể nang tiếp nhận ? Và nếu Nha Trang cũng từ chối thì… Đúng là đại gia đang như gà mắc tóc, ở cũng không yên mà đi cũng không được.

Một chuyện rất có thể trở thành gà mắc tóc, đó là việc “bắt chẹt” người dân phải có giấy thông hành test virus âm tính khi mua bán trong chợ, hoặc khi đi từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác. Một lần test tốn vài ba trăm ngàn nhưng chỉ có giá trị từ 3 – 7 ngày, thì có nước chết mẹ người dân, nhất là những người ở vùng giáp ranh các tỉnh thành phải qua lại ranh giới của nhau làm việc hàng ngày, hoặc cánh tài xế liên tỉnh.

Nhưng khốn nỗi, bất cứ loại kít test nào, dẫu cho kết quả âm tính chính xác đến mười mươi, thì cũng chỉ có giá trị bảo đảm âm tính từ lúc lấy mẫu thử trở về trước, không thể bảo đảm từ lúc lấy mẫu thử trở về sau. Bởi không ai dám chắc một người sau khi lấy mẫu thử không bị nhiễm virus liền sau đó, đó là chưa kể kết quả giả âm tính lần một vẫn thường xảy ra.

Vì đặc tính của virus cúm Tàu là không thể test một lần là có kết quả chính xác, hiện tượng virus giả âm tính vẫn xảy ra thường xuyên, một lần test virus chưa thể khẳng định là âm tính thật hay âm tính giả, ít nhất phải hai lần test, nhiều trường hợp phải qua rất nhiều lần test mới lòi ra dương tính.

Cho nên test chỉ là phương tiện tầm soát tìm kiếm dịch để truy vết ngăn chặn, để hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng bước đầu giúp cho việc điều trị, hoặc để xác định bệnh nhân đã hết bệnh virus hay chưa… Không thể sử dụng test làm giấy thông hành, vì như đã nói ở trên, kết quả test âm tính chỉ có giá trị (tương đối) từ lúc lấy mẫu test trở về trước, không bảo đảm âm tính từ lúc lấy mẫu test trở về sau. Cho nên các giới chức địa phương sử dụng test thử như là giấy thông hành để bảo đảm khách vãng lai hay khách lưu trú vào địa phương mình không mang theo virus là không có cơ sở, vô tình gây khó khăn thêm cho cuộc sống của người dân vốn đang bị giảm thu nhập trầm trọng vị giãn cách, và cũng vô tình làm nền kinh tế đất nước suy yếu thêm, nhưng hoàn toàn không bảo đảm được khách nhập vào địa phương mình không nhiễm virus. Nói cách khác, test âm tính chỉ cản phần nổi của tảng băng virus, phần chìm “bom tấn” của tảng băng virus thì test âm tính không ngăn cản được.

Vì lẽ đó, cần đánh giá cao quyết định sáng suốt của TP Vũng Tàu khi rút lại quy định thông hành test âm tính của mình, vì nó không bảo đảm được virus không len lỏi vào địa phương mình, chỉ làm khó khăn thêm kinh tế tỉnh nhà. Dễ mình dễ người, quyết định thức thời này giúp nhân dân các tỉnh thành vùng ven như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… Và các tỉnh thành khác, đã bao năm qua lại làm ăn, sẽ tiếp tục qua lại làm ăn không bị khó dễ, giúp cho lưu thông hàng hóa vào tỉnh nhà bình thường để giảm tác động lạm phát cục bộ đang tăng cao do các tỉnh thành giãn cách gây khó khăn lưu thông, và hầu hết các nước trên thế giới đồng loạt nới lỏng tiền tệ để giải cứu kinh tế đang suy trầm vì dịch cúm Tàu. Bỏ thông hành test âm tính có thể gây rủi ro virus xâm nhập, nhưng duy trì thông hành test âm tính cũng không bảo đảm không có rủi ro virus xâm nhập, đằng nào cũng rủi ro thì nên chọn cách rủi ro có lợi về kinh tế và đời sống, không gây khó khăn thêm cho người làm ăn đang rất khốn khổ vì dịch bệnh kéo dài.

Quyết định của Vũng Tàu khiến Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thành khác đang máu lửa duy trì thông hành test âm tính phải lúng túng như gà mắc tóc trước áp lực dư luận vì ba vấn đề :

– Thông hành test âm tính có bảo đảm virus không xâm nhập?

– Thông hành test âm tính gây khó người khó ta, khiến người mình gặp khó khăn khi qua xứ khác làm ăn, khiến người xứ khác gặp khó khăn khi đến xứ mình làm ăn, vô hình chung mình chịu thiệt trước, chịu thiệt không đáng có do chính “cái bẫy” của mình. Đó là chưa kể thông hành test âm tính góp phần cản trở lưu thông hàng hóa tạo ra lạm phát như thời bao cấp cấm chợ ngăn sông ?

– Thông hành test âm tính không có lợi cho địa phương và nhân dân, nhưng lẽ nào không có lợi cho ai đó ? Vậy thế lực nào đang trục lợi?

Riêng TPHCM, ban hành giấy phép con đi lại mua bán làm ăn trong TP là thông hành test âm tính nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như đã nói trên, test âm tính không thể bảo đảm âm tính từ sau khi test, vô tình đưa đến hai mối nguy hiểm lớn :

– Một là nảy sinh tính chủ quan vì test âm tính nên tha hồ đi lại không cần ý thức giãn cách khiến dịch có thể bùng phát mạnh hơn như trường hợp đang xảy ra bên Chile. Dân Chile chủ quan vì số đông đã tiêm chủng vaccin cúm Tàu nên tha hồ tung tăng, và hiện đang phải nhận hậu quả kinh hoàng do dịch bùng phát mất kiểm soát.

– Hai là vì nóng vội làm ăn do bao ngày giãn cách túng quẫn, khiến hàng trăm người chen lấn làm test virus có thể là môi trường thuận lợi cho virus lây nhiễm.

Nghĩa là TPHCM dùng test thông hành để ngăn cản virus lây lan, ngăn cản được hay không chưa biết, nhưng điều có thể biết là nguy cơ dịch lan mạnh là rất có thể.

Nói tóm lại, thường thì “cái khó ló cái khôn”. Nếu lãnh đạo các địa phương không tỉnh táo cân phân thiệt hơn trước khi quyết định, không đón nhận cái khôn ló ra từ cái khó, thì coi chừng lâm vào cảnh “gà mắc tóc” vì đạp phải “cái bẫy” của chính mình.

#coronavirus #thẻthônghànhcovid

- Quảng Cáo -