Lê Quang – Ước Mơ Việt Tân
Trong bản nhạc “Cát Bụi”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cụm chữ “cát bụi tuyệt vời”. Không rõ ý ông là gì, nhưng bên ngoài thế giới âm nhạc, trong giới xây cất thì cát bụi quả thật là tuyệt vời. Nói cho đúng thì cát thật là tuyệt vời, còn bụi là đồ bỏ.
Cát là vật liệu vô cùng cần thiết để làm xi-măng, để xây nhà cửa, cầu đường, các công trình kiến trúc, để làm thủy tinh, để làm các con chip điện tử,… Trong thế kỷ 20 và 21, các nhu cầu này ngày càng nhiều, càng đòi hỏi nhiều vật liệu như cát, sỏi, xi-măng. Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc thì mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 50 tỉ tấn cát. Với đà này cát ngày càng thiếu hụt và chẳng ai biết là khi nào thế giới này sẽ hết cát.
Thoạt nghe điều này chúng ta tưởng là chuyện đùa. Các sa mạc trên thế giới đầy cát mà làm sao có thể hết được. Thật ra cát sa mạc không dùng được cho việc xây cất vì sau bao năm bị gió đẩy đưa, hạt cát bị vo tròn. Trong khi đó hạt cát ở bãi biển, ở đáy sông, đáy biển thì lởm chởm, góc cạnh. Loại cát góc cạnh, lởm chởm thì mới bám chặt vào nhau khi làm xi-măng và trong xây cất. Còn cát sa mạt hạt tròn không bám vào nhau để làm gạch vững chắc được.
Quốc gia tiêu thụ cát nhiều nhất là Trung Quốc. Chỉ trong ba năm từ 2011 đến 2014, Trung Quốc sản xuất xi-măng nhiều hơn Hoa Kỳ sản xuất trong một thế kỷ qua. Ngoài việc làm xi-măng, nhiều quốc gia còn nạo vét cát để bồi đắp bờ biển, xây đảo nhân tạo như Hà Lan, Singapore, Dubai.
Ở Việt Nam việc nạo vét cát bừa bãi ở các con sông vùng đồng bằng Nam bộ cũng gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven sông.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến đời sống của dân, khai thác cát bừa bãi còn làm nguy hại đến hệ sinh thái tại nơi khai thác.
Để tránh “khủng hoảng cát” xảy ra trong tương lai, các chuyên gia đề nghị thế giới phải giám sát việc khai thác cát toàn cầu; cắt giảm nhu cầu dùng cát bằng cách thay thế các loại vật liệu khác, tái sử dụng gạch cũ bằng cách nghiền nát. Các chuyên gia khác thì tìm cách nghiên cứu biến đổi cát sa mạc để có thể dùng được trong việc xây cất.
Mong là trong tương lai con người sẽ không cất lời than tiếc “ôi cát bụi tuyệt vời” khi thiếu cát.