Cùng với chủ trương đóng cửa rừng, chương trình trình trồng 1 tỷ cây xanh, trong đó 700 triệu cây sẽ trồng phân tán và 300 triệu cây tập trung cho phục hồi rừng, là thông điệp rất ấn tượng về mặt nâng cao ý thức của quan chức và người dân đối với cây cối. Nhưng ta không nên kỳ vọng mục tiêu của chương trình sẽ thành hiện thực khi được triển khai bởi một bộ máy quan liêu với nhiều quan chức cấp cao không hiểu như thế nào là rừng, không phân biệt nổi như thế nào là rừng nguyên sinh và rừng tái sinh, rừng tự nhiên và rừng sản xuất.
Điều đáng buồn là hơn nửa thế kỷ nay nếu cộng diện tích rừng trồng theo báo cáo chắc phải rộng hơn diện tích toàn lãnh thổ nước Việt ta, nhưng rừng nguyên sinh thì mất dần còn rừng tái sinh thì hầu như không thấy đâu.
“Trồng rừng”, dù là tái sinh rừng tự nhiên hay trồng rừng sản xuất, cũng không phải là năm nay trồng 100 ha keo lá tràm để 4 năm sau chặt bán biến thành đất trọc rồi trồng tiếp 100 ha nữa để báo cáo thành 200 ha. Rừng là một quần thể gồm cây gỗ, cây bụi, cỏ dại, động vật và vi sinh vật, quần thể đó tồn tại trong mối quan hệ tương tác với đất đai, nước ngầm và sự tuần hoàn của khí hậu. Không hội đủ các yếu tố đó không thể nói là rừng, dù là “rừng sản xuất”. Rừng sản xuất là do con người trồng, nhưng cây trồng phải được sống trong quần thể nói trên, nó cho phép con người khai thác nhưng không được gây hại cho quần thể của rừng.
Muốn tái sinh rừng trước tiên phải không làm gì cả trên diện tích rừng đã mất. Không được chạm vào chúng. Phải giữ cho được những khu rừng tự nhiên còn sót lại, bảo vệ cho được thú hoang, chim chóc và côn trùng. Gió, thú hoang, chim chóc và côn trùng sẽ làm nhiệm vụ gieo hạt, chúng gieo hạt tốt hơn rất nhiều so với chúng ta gieo trồng. Không cấm săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ không bao giờ tái sinh được rừng, không cấm thuốc trừ sâu thuốc diệt cỏ sẽ không bao giờ tái sinh được rừng. Chúng ta chỉ có thể phụ giúp gió, thú hoang, chim chóc và côn trùng gieo hạt để cho rừng được tái sinh nhanh, chứ không thể nào thay thế được chúng.
Trồng cây phân tán ở đô thị thì Ok. Nhưng trồng cây ở nông thôn hiệu quả nhất là khuyến khích làm vườn rừng và nông nghiệp tự nhiên. Đừng nói làm vườn rừng và nông nghiệp tự nhiên không đủ sống. Bậc thầy nông nghiệp tự nhiên Nhật Bản là Fukuoka tiên sinh đã chứng minh rằng, làm nông nghiệp tự nhiên, so với nông nghiệp hiện đại trên cùng một diện tích, sẽ cho ra một sản lượng không hề thua kém nhưng chi phí chỉ bằng 1/10.
Nước ta có ít nhất ba thế hệ u mê lầm lạc đối với cây cỏ nhưng vẫn kiêu ngạo tưởng mình hay. Các văn nhân vận động gây quỹ trồng cây tiền hô hậu ủng để làm chánh trị là tự do của các vị, nhưng các vị trước hết nên đuổi những câu thơ kiểu như “Đi ta đi khai phá rừng hoang…” ra khỏi sách giáo khoa và nói “Không” với những gì làm hại chim chóc thú hoang côn trùng cây cỏ. Ai thích chơi golf thì cứ chơi, nhưng tay cầm gậy đánh golf còn miệng thì hô hồi phục rừng là đạo đức giả đó. Vì các sân golf đang tàn phá rừng và làm ô nhiễm nguồn nước tàn bạo nhất.
Lão nông phu 10 năm làm bạn với cây cỏ tập tễnh làm vườn rừng, tự thấy hổ thẹn với chim chóc. Lão tin vào những người khiêm nhường âm thầm phụ giúp chim chóc trồng cây chứ không tin vào các chương trình tiền hô hậu ủng./.
#nạnphárừng