Qua mỗi vụ án chính trị mà tôi theo đuổi bào chữa cho thân chủ của mình, thành thực và không thể biện minh, ta chỉ thấy những phiên toà kết tội về tư tưởng đối với những thể nhân rất đỗi ôn hoà. Hoàn toàn thuần là việc kết tội một con người chỉ bằng những gì họ phát ngôn, một cách công khai.
Chẳng lẽ, một dân tộc và một hệ thống lại không còn tinh thần công bằng nào hơn là cố gắng chỉ để diễn giải và dùng quan điểm của mình (một tổ chức, một nhóm người) buộc tội một quan điểm (chính kiến) khác? Sức mạnh của một nhà nước không nằm ở việc trù diệt các quan điểm cho là trái ngược, mà là chấp nhận được nó và đảm bảo cho nó tồn tại như là một lẽ tất yếu của những vấn đề ngôn luận cơ bản và thiết yếu.
Bất kể quan điểm nào cũng đều phải được và bị chống lại bởi một hoặc nhiều quan điểm khác, chỉ khi đó nó mới có lý do để tự thân đứng vững. Dẫu gì, mỗi khi đọc các bản luận tội đều chỉ dựa trên các “suy kết” tư tưởng thông qua sự bày tỏ ngôn luận của người dân là một nỗi đau đớn và bi đát không thể nào diễn tả nổi. Mà đâu phải những thành phần nào ghê gớm, hầu chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn với các dạng bất công khác nhau dồn đẩy tới.
Những nông dân bị kết tội vì tư tưởng (với hành vi tuyên truyền) chống lại nhà nước, tại các phiên toà, chẳng là thực tế để thiết chế quyền lực thấy cái vấn đề của chính nó? Những nông dân, và sau đó là các tầng lớp trí thức, lại bị buộc vào những tội danh thuần là tư tưởng dưới dạng thực hành ngôn luận cho thấy sự bế tắc của cách thức quản trị và nghĩa vụ lắng nghe của hệ thống nắm quyền.
Vấn đề không chỉ là việc cải thiện, mà nó là một thẩm quyền về dân chủ cần được bảo đảm trên thực tế với bất kỳ người nào./.