Trung quốc và Iran: Một liên minh nguy hiểm

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh|

Vào tháng 8 năm ngoái, theo một thông tin bị rò rỉ, Trung Quốc đã thỏa thuận với Iran về một hiệp ước chiến lược kéo dài 25 năm, phát triển sách lược bành trướng Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Trung Đông.

Giờ đây, theo những bằng chứng mới, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Iran đã dẫn đến các thỏa thuận chiến lược bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khai thác mỏ và kỹ thuật cũng như quốc phòng, với các cuộc tập trận quân sự chung và phát triển các sân bay, bến cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng của Iran.

Vào ngày 27 tháng 3 vừa qua, Iran và Trung Quốc đã ký một Thỏa thuận Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, trong đó Trung Quốc sẽ đầu tư bất cứ nơi nào ở Iran, với những kế hoạch hợp tác đầu tư lên đến 450 tỷ USD vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu.

- Quảng Cáo -

Thỏa thuận này được Tehran chọn lựa vì nó sẽ củng cố chế độ độc tài Hassan Rouhani, và làm giảm bớt sự cô lập của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Iran.

Đối với Trung Quốc, hiệp ước có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc. Nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc hiện nay là Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia), một đồng minh thân cận của Mỹ. Tổng lượng Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia, hiện đang ở cao điểm 10,85 triệu thùng mỗi ngày. Các nhà cung cấp dầu Ả Rập khác của Trung Quốc ở vùng Vịnh Ba Tư có quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Sự phụ thuộc này trái ngược với chính sách chung của Trung Quốc là đa dạng hóa các nguồn năng lượng và không phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Vì thế, Bắc Kinh đã bất chấp Hoa Kỳ và phương Tây để chọn lựa một sự hợp tác chặt chẽ với chế độ Hồi giáo độc tài Tehran.

Chưa hết, trong một diễn biến gần đây, Trung Quốc còn tiến xa thêm một bước, được cho là đang giúp Iran lách các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

Theo tờ Al-Seyassah có trụ sở tại Kuwait, liên minh của Tehran và Bắc Kinh đã thành lập một bộ máy tài chính có tên là Chuxin Bank, hoạt động tại Iran từ năm 2016. Ngân hàng Chuxin đã được thiết kế để cho phép Iran nhận được số tiền thu được từ các giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc và giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu kể từ tháng 5 năm 2018.

Mặc dù Chuxin được Bắc Kinh gọi là một ngân hàng độc lập, nhưng nó cho phép chế độ Iran và nhà nước Trung Quốc mở nhiều tài khoản ngân hàng, gửi và rút tiền mà không cần thắc mắc. Nó không phải chịu sự giám sát và quy định của chính phủ bên ngoài, các nhà chức trách Iran hiện có thể tiến hành chuyển giao tài chính tương tự như hệ thống SWIFT. Tệ hại hơn nữa, Chuxin Bank cản trở nỗ lực chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, vì nó không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, câu hỏi có thể đặt ra về sự gian lận và tính minh bạch.

Tại sao Trung Quốc mạo hiểm vị thế quốc tế của mình như một hình mẫu cho sự tăng trưởng kinh tế?

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc luôn sử dụng bất cứ thủ đoạn nào, bất kể “cái hình mẫu cho sự tăng trưởng kinh tế” mà phương Tây cứ ngỡ là nhà cầm quyền Bắc Kinh cần phải quan tâm.

Trung Quốc chỉ lợi dụng các quốc gia dễ bị tổn thương về kinh tế như một cơ hội đầu tư để củng cố sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, và coi sự hợp tác với Iran là một cơ hội quan trọng để tăng cường ảnh hưởng bành trướng toàn cầu. Nếu đối tác là một xứ độc tài, thì điều này càng phù hợp với chế độ tương tự ở Trung Quốc.

Thỏa thuận chiến lược được thiết lập gần đây cho phép Trung Quốc tiếp cận gần hơn với dầu mỏ và mở rộng đế chế Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình, bất chấp mọi nỗ lực của Hoa Kỳ và khối EU muốn áp lực Iran hủy bỏ chương trình hạt nhân.

Các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng quân sự, chính trị và văn hóa của Iran ở Trung Đông. Với dòng tiền được Trung Quốc rót vào, Iran giờ đây sẽ có đủ để hồi sinh nguồn tài trợ cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah, Hamas và Kataib Hezbollah, cũng như những tổ chức khác trong khu vực.

Đã vậy, trữ lượng dầu của Iran bán cho Trung Quốc qua các thỏa thuận này sẽ tạo ra tình trạng thị trường kín, lên đến hàng tỷ USD, và do đó, khi thương mại giữa hai nước tăng lên, nó sẽ làm suy yếu đồng đô la Mỹ.

Tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 và áp dụng chính sách gây áp lực tối đa. Đó là các nỗ lực cuối cùng của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Mặc dù chính sách của chính quyền Trump đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Iran, nhưng chưa đủ thời gian để có hiệu quả thay đổi chế độ độc tài của Tehran.

Do đó, mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Iran sẽ tạo ra một liên minh thách thức mới đối với chính quyền Biden, có khả năng làm suy yếu cán cân của Mỹ, và mở đường cho Trung Quốc đóng một vai trò nguy hiểm hơn ở khu vực Trung Đông./.

Người Đà Lạt Xưa

- Quảng Cáo -