Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị tạm giam về cáo buộc tội danh theo điều luật “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Với những gì thể hiện công khai ở tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thúy Hạnh, cho thấy không có dấu hiệu về vi phạm vào điều 117, Bộ luật Hình sự hiện hành.
“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
- a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
- b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
- c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Với quy định như nêu trên, cụ thể trong trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, liệu bà đã “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” bằng hình thức gì?
Rất có thể câu trả lời ở đây từ cơ quan tố tụng, đó là việc bà đưa tin ủy lạo các gia đình tù nhân lương tâm/ tù nhân chính trị, khiến công luận gián tiếp hiểu rằng ‘chính quyền nhân dân’ đã ‘bỏ tù oan’ những công dân ‘bất đồng chính kiến’.
Lập luận trên được gián tiếp xác nhận bằng các tin tức liên quan diễn ra ngay sau khi nhà chức trách bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, như việc Uỷ viên Nhân quyền (Human Rights Commissioner) Cộng hoà Liên Bang Đức lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam thả Nguyễn Thúy Hạnh vô điều kiện.
Bà Barbel Kofler viết trên Twitter: “Tôi vô cùng quan ngại về một vụ bắt giữ một nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng ở #Vietnam Nguyễn Thúy Hạnh đã và đang hỗ trợ các tù nhân lương tâm và những người bảo vệ nhân quyền gặp rủi ro. Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Hạnh!”.
Cụm từ Anh ngữ “a prominent human rights defender in #Vietnam” dùng chỉ công việc thiện nguyện của bà Nguyễn Thúy Hạnh, đưa đến cảm nhận chung là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không tôn trọng nhân quyền; và trong một số trường hợp cụ thể, với bản án tuyên đối với “tù nhân lương tâm/ tù nhân chính trị”, là không tôn trọng quyền tự do lựa chọn chính trị của công dân, không tôn trọng những giá trị của bất đồng chính kiến.
Đó chính là lúc nhân quyền bị vi phạm.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh đã ủy lạo ôn hòa những gia đình có người thân bị tù đày với những lý do trên, cho thấy tiếp tục khẳng định ở Việt Nam cần phải cải thiện về cách hiểu thế nào là “chống” nhằm đạp đổ, với “chống” để xây dựng, để cảnh báo giúp thể chế hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.
Nói như lời kêu gọi của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là Chính phủ phải biết “lắng nghe phản biện”.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội, bình luận về yêu cầu “lắng nghe phản biện”, đó là thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện.
Bởi các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó, mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này. Ai sẽ phải đảm nhận công việc này nếu không phải là các thành viên Chính phủ?
Tập hợp được các góc nhìn sẽ có được bức tranh chân thật nhất về sự vật. Lắng nghe nhiều chiều sẽ thấy được đầy đủ nhất về các được – mất của chính sách. Việc hoạch định chính sách nhờ đó sẽ tránh được sự độc đoán; hiệu quả của chính sách nhờ đó sẽ được tăng cường.
Trở lại với bà Nguyễn Thúy Hạnh.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể nhận thấy công việc từ quỹ 50K của bà Nguyễn Thúy Hạnh dường như chẳng khác mấy một quỹ mà ông Liên Khui Thìn đã lập.
Ông Liên Khui Thìn, người từng bị kết án tử hình liên quan đến vụ án kinh tế Epco-Minh Phụng, trải qua hơn 4.380 ngày trong tù, trong đó có hơn 1.000 ngày bị biệt giam. Sau khi được đặc xá, ông cùng những người bạn tù lập ra Quỹ Hoàn Lương, nay là Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng, để tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.
Nhìn từ giác độ nhân đạo cộng đồng, quỹ 50K mà bà Nguyễn Thúy Hạnh sáng lập là xứng đáng được tôn vinh hơn là nghi kỵ, để rồi ‘vận dụng’ điều 117 của Bộ luật Hình sự để tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh./.
#NguyễnThúyHạnh #quỹ50K