Mấy ngày gần đây, hay nói chính xác hơn là những ngày diễn ra bầu bán ở trung ương đảng và đại hội 13 trung ương đảng cộng sản Việt Nam, tình hình bắt bớ trở nên nghiêm trọng, những người tưởng chừng sẽ không bao giờ bị bắt bỗng dưng bị triệu tập và bắt một cách bất thường. Cái sự bắt bất thường sau một chuỗi dài bắt nguội, bắt nóng khiến cho số lượng tù nhân lương tâm ngày càng nhiều và tình hình xã hội ngày càng hỗn loạn cho thấy rằng chúng ta, hay nói chính xác hơn là các dân tộc sống dưới thể chế chính trị Cộng sản đang trải qua một cuộc lột xác mỹ học và đang phải gánh chịu một nền chính trị mà ở đó, văn hóa, đạo đức và mỹ học đã bị đánh tráo khái niệm bằng bạo lực cách mạng, bằng kết quả biện minh cho phương tiện.
Ngay từ những ngày đầu “thống nhất” đất nước, nhà cầm quyền Cộng sản đã dùng chiêu trò với nhân dân, đẩy nhân dân vào chỗ tán gia bại sản bằng chiêu bài đánh tư bản. Chưa dừng ở đó, các giá trị đạo đức bị xóa sạch và áp đặt bằng một hệ thống “đạo đức xã hội chủ nghĩa” mà cái hệ thống ấy chẳng ai biết nó là thứ quái quỉ gì. Nhưng người ta biết, để có thứ đạo đức đó, người trí thức, quân nhân và nghệ sĩ miền Nam phải đi học tập cải tạo nhiều năm, từ một con người với dáng bộ khỏe khoắn, mạnh mẽ, tự tin, họ trở thành một thứ ngợm da dẻ xanh xao, tái mét, buồn thảm, thiểu não và có thể chết bất kì giờ nào nhờ cái đạo đức mới học được. Cái thứ đạo đức giúp cho họ biết sợ chết và biết mình sẽ chết bất kì giờ nào.
Bên cạnh đó, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã khai thác triệt để kĩ năng đấu tố của con người từ trứng nước. Từ việc tổ chức các đội cờ đỏ, sau này gọi là sao đỏ, một kiểu hoạt động tiền thân của hồng vệ binh kiêm đấu tố trong nhà trường. Có thể nói rằng các thế hệ học sinh sau 1975 đã phải trải qua một môi trường học tập đầy tính chiến đấu và thiếu hẳn tình người, cái thời kỳ mà các cậu học trò, cô học trò có thể vu khống nhau để lấy điểm và dìm bạn mình. Khi tính chiến đấu, khả năng đấu tố được kích hoạt thì không còn chỗ nào để tình yêu thương, lòng lân mẫn phát triển. Chính các thế hệ này tiếp tục lớn lên và dạy học cho các thế hệ sau, hệ quả của nó là nền giáo dục đang nhìn thấy. Đương nhiên, không phải cứ ai trong môi trường giáo dục này cũng trở nên mất tính người, nhưng chắc chắn số lượng bị tác động bởi sự căng thẳng này cao hơn nhiều so với số không bị tác động.
Khi giáo dục được định nghĩa bằng tính chiến đấu thì văn chương, văn học cũng bị mặc định bằng tính chiến đấu và tính tuyên truyền. Các tác phẩm văn học “chính thống” phải đảm bảo hai tính chất này và không được vượt ra khỏi khuôn khổ của nó. Trong các hình thái và đường dẫn truyền thụ, có vẻ như đường dẫn văn chương nhanh đi đến tâm hồn và có tác động lớn nhất đối với mỗi số phận học sinh. Đường dẫn tâm hồn của giáo dục xã hội chủ nghĩa đầy rẫy sự manh mún, giết chóc, hãnh tiến, hiếp đáp, coi thường nhân phẩm, thậm chí đạp lên nhân phẩm người khác để đạt mục đích… Tất cả như một sự trả thù trước những giá trị văn hóa ổn định của đối phương. Và di chứng của nó là vết sẹo tâm hồn quá lớn trong các thế hệ, nó khiến cho yếu tố tranh đua, đạp lên nhau mà sống có mặt ở mọi ngóc ngách cuộc đời.
Đó là trong môi trường trại cải tạo, trong học đường, còn ngoài xã hội, thời kinh tế tập trung bao cấp đi qua với hàng triệu sinh mệnh bị đe dọa bởi những ông tổ trưởng, nhóm trưởng, đội trưởng sản xuất, những con người vốn dĩ chữ ‘o’ viết không đủ tròn, cái tên viết không hết lỗi chính tả nhưng dám tuyên bố với người nông dân rằng “tao chỉ cần lật bàn tay là mày chết!”. Cái thời mông muội, u tối đó đi qua để lại vết thương quá lớn trong lòng dân tộc và nó được tiếp quản bởi thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một lần nữa con người đi từ chụp mũ, hung bạo với sợ sệt đến chỗ cơ hội, léo hánh với bợ đỡ, xun xoe. Và hệ quả của mọi xung động xã hội là các giá trị văn hóa, mỹ học và đạo đức bị thay đổi đáng kể, bị bóp méo, bị vò nát và lương tri trở thành thứ gì đó xa xỉ, xa lạ trước cuộc sống. Muốn tồn tại thì phải đạp lên nhau, muốn giàu có thì phải biết bất chấp và chà đạp người khác.
Và, đến thời điểm hiện nay, có thể nói tuy mọi mặt đều phát triển, kinh tế, vật chất, cơ sở hạ tầng đều trương nở, phát triển nóng. Nhưng thay vào đó là hệ qui chiếu về đạo đức, lẽ phải và công lý đã hoàn toàn thay đổi. Sự méo mó và phản đạo đức được chính qui hóa thông qua cánh cửa an ninh. Muốn bắt bớ, đe dọa, khủng bố tinh thần, ngành an ninh đều có thể làm nó một cách công khai, không còn phải che giấu, bởi mọi thứ được chính qui hóa, hợp thức hóa. Nếu như những năm tháng bao cấp, ngành an ninh có thể bắt bớ, đánh đập người dân một cách tàn bạo trong chiếc áo công an, trong bộ dạng an ninh thì bây giờ, họ cũng có thể làm như vậy một cách gắt gao, sắt máu hơn nhưng không phải bằng bộ dạng an ninh hay công an mà nó được khoác bằng chiếc vỏ xã hội đen.
Sự xuất hiện và lộng hành của xã hội đen vừa đóng vai trò là cái cớ cho an ninh siết chặt mọi giới nghiêm vừa là đất dụng võ cho một kiểu xã hội đen trá hình từ an ninh để đảm bảo các hoạt động khủng bố với người dân, khiến cho dân tình hoang mang và đặc biệt, họ dần dà xem việc này như một hoạt động thường nhật trong đời sống, chọn im lặng và thỏa hiệp trước mọi cái xấu.
Nếu không phải vậy, thì chỉ cần đặt một câu hỏi rất giản đơn: Mỗi năm bao nhiêu khóa an ninh tốt nghiệp, mỗi năm kinh phí cho ngành an ninh tăng bao nhiêu và đương nhiên biên chế ngành tăng vọt hằng năm nhưng tại sao xã hội thêm phần rối reng, xã hội đen thêm tràn ngập.
Chỉ có một lý giải duy nhất: Thể chế chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa là một thể chế chính trị mà con người đã bị đánh tráo mọi thứ về nhân phẩm, đạo đức và mỹ học.