canhco’s blog – RFA
Trên thế giới chữ ký của nguyên thủ quốc gia rõ ràng là rất nặng ký. Đối với một quốc gia càng lớn thì chữ ký của người đứng đầu quốc gia ấy càng giá trị. Tùy vào nội dung mà chữ ký được đem lên bàn cân xem thật sự nó nặng bao nhiêu.
Chữ ký cho một gói cứu trợ được chú ý nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân nước ấy. Như Mỹ, qua hai đời tổng thống Trump và Biden, với hàng ngàn tỷ trực tiếp đi vào từng gia đình, người dân Mỹ thấy được việc mình đóng góp cho quốc gia đã được đáp trả và từ đó cả nước Mỹ bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống sau nhiều ngày chìm trong cơn dịch chết người.
Nhưng hầu như không ai tỏ ra biết ơn cả hai tổng thống đã gửi những tấm chi phiếu vào nhà băng của họ. Và ngay cả hai vị tổng thống đều hiểu rằng đây là bổn phận của họ, bổn phận được lá phiếu áp vào chiến thắng khi họ ứng cử, do đó nếu đặt vấn đề chữ ký ấy có nặng ký hay không thì câu trả lời sẽ rất minh bạch: có, vì chúng xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm và đúng với ý nguyện của người dân.
Còn chúng ta, những người Việt Nam, chúng ta nghĩ gì về chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông ấy vội vã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trước khi chính thức lìa ghế Thủ tướng, có nghĩa là “vớt cú chót” như bất cứ quan chức nhà nước nào cũng làm trước khi về vườn.
Chữ ký của ông Phúc rõ ràng không giúp ích gì cho bất cứ ai sống trên mảnh đất hình chữ S. Nó cũng không thuyết phục được ai khi chữ ký ấy cho phép một con quái vật được nuốt trọn một số lượng 155,93ha rừng sản xuất. Số rừng ấy sẽ bị ủi sạch làm sân golf và ai cũng biết sân golf tại Việt Nam nhằm phục vụ cho giai cấp nào rồi.
Những kẻ hủy hoại rừng ấy cũng là những người rồi đây sẽ bước vào chính cái sân mà họ san bằng để cùng nhau chơi trò giải trí của giai cấp thống trị, tức là giai cấp có tiền hoặc có quyền hoặc có cả hai. Giai cấp mà trước đây 70 năm bị Đảng cộng sản hô hào dân chúng nổi dậy đánh đuổi để giờ đây chính những con người ấy trở thành người mà họ căm thù khi xưa.
Chữ ký của ông Phúc cũng đúng thời điểm nhưng là một thời điểm của riêng ông, thời điểm cuối cùng khi ông ý thức được rằng sẽ không còn cơ hội nào nữa. Chữ ký ấy biết giá trị của nó nếu không ký vào hôm nay thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác mặc dù ông Phúc không những không về hưu mà còn tiến thêm một bước nữa trên con đường chính trị. Từ Thủ tướng ông bước sang lĩnh vực Chủ tịch nước, một vị trí dành cho những người không cam tâm từ bỏ quyền lực, nhưng thứ quyền lực mà một Chủ tịch nước có chỉ khoanh vùng vào một chỗ người dân để ý nhất: Ký lệnh ân xá tử tù.
Cái chữ ký mà ông Phúc sẽ dùng trong những ngày tới là vậy và khó lòng thay đổi để có thể gây ảnh hưởng tới bất kỳ chính sách quốc gia nào.
Biết thế ông đã vội vã ký cho xong, hay ký vì không muốn vuột mất số lại quả mà FLC bắt buộc phải trả cho ông.
Người ta còn nhớ, Thủ tướng Phúc là người rất xem trọng môi trường, nhất là môi trường có dính líu tới rừng. Vào ngày 11 tháng 3 năm 2017 trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng các tỉnh Tây nguyên ông Phúc đã mạnh mẽ lên án nạn phá rừng và cho rằng “Chúng ta phải nhận thức được rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sinh kế của người dân và không gian di sản của cha ông. Do vậy, mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác”
Không biết ông Phúc có ác không nhưng người dân trong khu vực bị công ty FLC tàn phá chắc chắn sẽ kêu khóc thấu trời. Cái ác chỉ nặng ngang với một chữ ký nhưng sao mà tàn bạo và thất nhân tâm đến vậy? Cứ cho là ông Phúc sẽ gặm ít nhất là vài chục triệu đô la đi chăng nữa thì câu hỏi đặt ra liệu số tiền ấy có giúp cho ông ta ngồi yên trên chiếc ghế Chủ tịch nước mà ký tiếp những vụ ân xá hay không bởi, không ai ân xá cho ông vì cái chữ ký mang đầy hàm oan và vong hồn của rừng rậm.