Những “tâm tư” trước khi về hưu!

Đại Biểu Lưu Bình Nhưỡng tại diễn đàn quốc hội. Ảnh: Việt Nam Finance
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Quốc Hội khoá 14, sau 5 năm tồn tại như một vòng cây kiểng trang trí cho sự lãnh đạo “ưu việt” của đảng Cộng Sản Việt Nam, sẽ chấm dứt nhiệm vụ ngày 23 tháng Năm, ngày bầu quốc hội mới.

Trước khi kết thúc hoạt động, ngày 26 tháng Ba vừa qua, trong một phiên họp thảo luận về công tác trong nhiệm kỳ quốc hội, một số đại biểu quốc hội đã nhân cơ hội này “giải bày tâm sự” nhắn gởi lại quốc hội khoá sau. Trong số này, hai nhân vật Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng là hai đại biểu trong 5 năm qua đã có những phát biểu gây nhiều chú ý trong dư luận. Những ý kiến của họ mang tính phản biện một số sự kiện xảy ra như vụ Đồng Tâm, bản án Hồ Duy Hải, Dự án Luật Đặc Khu, vụ ô nhiễm Formosa, v.v… mà đa số đại biểu khác tránh né không nói tới.

Mặc dù họ chỉ nói những gì trong vòng “cho phép” của đảng, nhưng trên thực tế nếu có nhiều đại biểu như thế này, hoạt động của quốc hội sẽ được người dân chú ý hơn. Thay vì như lâu nay, sự thờ ơ đối với hoạt động của cơ quan lập pháp Việt Nam cũng không làm ai ngạc nhiên, vì hoạt động của quốc hội tự nó không hề đại diện cho quyền lợi người dân mà chỉ là cơ quan gật đầu theo chỉ đạo của đảng.

- Quảng Cáo -

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dường như có một cái khuôn chung cho các nước độc tài. Các cá nhân lãnh đạo hay đại biểu quốc hội chỉ phát biểu những điều gọi là “trăn trở” sau khi về hưu hay không còn nhận trách nhiệm. Nói đúng hơn, họ chỉ mạnh miệng khi không còn bị “hệ thống chính trị” giám sát cái ghế mà họ đang ngồi.

Chính vì thế mà những gì báo chí gọi là “những điều tâm huyết” của hai ông Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng nêu ra trước khi chia tay quốc hội cũng bị người dân đánh giá thấp vì không còn giá trị thực tiễn. Bởi lúc còn tại chức, họ không dám đòi, bây giờ khi sắp về hưu, quyền lực trở thành số 0 thì nói ai nghe nữa. Chỉ duy nhất một điều, ít ra hai ông đại biểu này cũng đã cho người ta thấy sự thật mị dân chủ quốc hội nói riêng và đảng CSVN nói chung. Đó cũng là chính sách được đảng áp dụng từ lúc nắm được chính quyền và tận dụng như lá bùa thiêng trong nghệ thuật cai trị bá đạo.

Tại phiên họp, ông Dương Trung Quốc nói rằng quốc hội còn đang nợ người dân hai đạo luật vô cùng quan trọng là quyền lập hội và biểu tình. Đây là hai quyền công dân căn bản dù có ghi trong Hiến Pháp như tự do báo chí, tự do cư trú nhưng chỉ để cho có hình thức mà chưa bao giờ xuất hiện dưới một văn bản luật pháp chính thức.

Từ năm 2016 dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, luật lập hội và luật biểu tình đã được đưa ra quốc hội để thảo luận, nhưng cho đến nay vẫn còn khất lại từ kỳ họp này tới kỳ họp khác. Rõ ràng chế độ một mặt ra sức mị dân bằng chiếc áo dân chủ giả hiệu, một mặt từ chối bất cứ nỗ lực nào hướng tới tôn trọng nền dân chủ đích thực. Trong khi ấy các phong trào xã hội dân sự hoạt động ôn hòa và các cuộc biểu tình yêu nước, bảo vệ chủ quyền thì bị thẳng tay đàn áp.

Phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì cho rằng quốc hội đang bị phe nhóm núp dưới chiêu bài cơ chế để phân bố quyền lực cho phe mình, “biến quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực đất nước.” Điều này cũng hiển nhiên vì đại đa số thành phần đại biểu quốc là cán bộ đảng viên do đảng chọn, đang giữ những vị trí cao ở các địa phương hay trong chính phủ. Họ phải giữ những miếng béo bở nhất cho địa phương và phe cánh mình mới có cơ hội kiếm chác sau này. Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị “cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế” và mong mỏi có được một quốc hội xứng đáng là “trung tâm quyền lực, trung tâm dân chủ, trung tâm đoàn kết dân tộc.”

Qua hai phát biểu của hai nhân vật sắp rời quốc hội, người ta thấy ba nhiệm vụ của quốc hội là đại diện cho dân, giám sát chính phủ và làm luật để điều hành xã hội hoàn toàn chỉ là ba nhiệm vụ làm bình phong cho chế độ độc tài. Vì trong thực tế, hoạt động của quốc hội đã bị các phe nhóm thao túng nặng nề. Chính vì thế đừng hỏi tại sao người dân đã không quan tâm vào “cơ quan quyền lực cao nhất nước” này.

Đại biểu quốc hội là đảng viên do đảng tự chọn trước, chẳng qua chỉ làm bù nhìn cho một thiểu số nắm quyền lực trong tay. Trong trường hợp Quốc Hội khoá 15 trong 5 năm sắp tới, quyền lực sẽ thuộc về phe Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính. Trong tương lai gần, chính sách thân Bắc Kinh sẽ chi phối kinh tế, chính trị, ngoại giao của Việt Nam một cách chặt chẽ hơn là điều người ta có thể thấy rõ.

Tóm lại,  “bàn giao” tâm tư đến quốc hội khoá sau như ông Nhưỡng nghe thật lý tưởng; nhưng với một quốc hội mang bản chất bù nhìn từ nhiều thập niên qua, quốc hội Việt Nam đã đóng trọn vai trò của mình một cách tốt đẹp mà không thể bị đòi hỏi gì hơn.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -